Rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế

(PLO) - Diễn đàn doanh nghiệp (DN) thường niên 2016 với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hợp tác giữa DN trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam” được tổ chức hôm qua (5/12).
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2016.
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2016.

Với sự tham dự của đông đảo cộng đồng DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Diễn đàn là cơ hội đưa tiếng nói của cộng đồng DN đến với Chính phủ về những vấn đề “thiết thực cho sự phát triển của Việt Nam” như nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu tại Diễn đàn.

“Không phải nghe để biết, để đó”

Hiện Việt Nam có 600.000 DN đăng ký thành lập mới, trong đó nhiều công ty tư nhân, công ty có cổ phần lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. 2016 là năm đầu tiên có hơn 100.000 DN được đăng ký thành lập/năm. Trung bình mỗi giờ có 12 DN được thành lập mới. Cùng với đó là 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây là lực lượng kinh tế quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Việt Nam cũng hiện có hơn 11.000 DN FDI với vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, có nhiều DN danh tiếng, hợp tác tốt với các khu vực kinh tế trong nước, cả kinh tế tư nhân. Dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng năm 2016 các DN FDI đã đầu tư trên 17 tỷ USD.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng DN Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng các hình thức đầu tư như đầu tư công - tư (PPP), khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phù hợp với tăng trưởng xanh, bền vững, toàn diện. Tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa kinh tế tư nhân với DN FDI.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ mong cộng đồng DN nâng cao tính chuyên nghiệp, khai thác nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng  lực cạnh tranh quốc gia. Mong DN FDI với các thế mạnh sẵn có có cam kết và có những hành động cụ thể, thực chất để tăng cường hỗ trợ, liên kết với DN trong nước cùng phát triển, hài hòa lợi ích các bên. Chia sẻ kinh nghiệm, có trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường thiên nhiên, tài nguyên, áp dụng công nghệ hiện đại và đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa DN.

Chính phủ cam kết nỗ lực để DN Việt Nam lớn mạnh ngay trên sân nhà và vươn ra toàn cầu, đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của FDI vào Việt Nam, bảo vệ và cùng chung tay với cộng đồng DN thực hiện các mục tiêu phát triển. Tạo môi trường đầu tư tốt cho DN tư nhân và DN FDI thông qua cải cách nhiều mặt, cải tiến nhiều lĩnh vực. 

Song “Việt Nam không chào đón những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá và trốn tránh trách nhiệm với môi trường vì không chỉ phương hại đến lợi ích của các nhà đầu tư khác đang có mặt tại Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của Việt Nam trong tương lai”, Thủ tướng lưu ý.

“Tôi có trao đổi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số đồng chí Thứ trưởng có mặt hôm nay rằng chúng ta nghe phản hồi nhưng phải có biện pháp xử lý, giải quyết đúng mức, kịp thời. Không phải nghe để biết, để đó. Cái chính là Nhà nước được gì, doanh nghiệp được gì, nhân dân và người lao động được gì. Ba câu hỏi này đang đặt ra để làm chính sách tốt hơn, mà trước hết là cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng nói.

Trên tinh thần đó, Chính phủ sẽ nỗ lực hành động để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn kết cùng nhau hợp tác, lớn mạnh trên sân nhà - trong nền kinh tế quốc gia Việt Nam và vươn ra thế giới thành công.

Thủ tướng và các đại biểu tham dự hội nghị.
Thủ tướng và các đại biểu tham dự hội nghị.

Cải thiện môi trường hành chính để hút đầu tư 

Nhấn mạnh đến quan điểm của Chính phủ hỗ trợ là “tạo con đường thuận lợi để đi” nhưng các DN cần “tự bước trên đôi chân của mình, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng bước nhanh đến đích”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, những khuôn khổ pháp lý mới và các giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích DN đã phát huy hiệu quả, giúp DN tìm thấy hướng đi và cơ hội phát triển mới, nhưng khó khăn, thách thức là không ít để hướng chỉ tiêu đến năm 2020 cả nước có khoảng 1 triệu DN hoạt động.

Theo đánh giá của cộng đồng DN, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn khoảng cách khá lớn với ngay các nước trong khu vực ASEAN và mong muốn của DN bởi thời gian qua, Việt Nam vẫn đang phải loay hoay để tháo gỡ những khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu… cho DN nên hạn chế nhiều cho việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính chuyên nghiệp.

Các khó khăn mà DN còn phải đương đầu từ hoạt động từ vay vốn, thiếu hụt nhân lực có chất lượng đến những vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, thuế, hải quan… Nhất là các khoản “chi trả không chính thức” còn nặng gánh. Cùng với tình trạng nhũng nhiễu, DN luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra do sự thay đổi chính sách hay sự áp dụng, thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của các cơ quan nhà nước…

Theo nhiều DN, vẫn còn tình trạng “lạm dụng các giải pháp quản lý” đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đã đặt ra nhiều gánh nặng hành chính, thủ tục cấp phép mà không tính đến những gánh nặng cho DN, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa và cả nền kinh tế. Do vậy, “rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi” là mong muốn của cộng đồng DN Việt Nam và cả các DN đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam gửi đến Chính phủ. 

Môi trường tự nhiên và môi trường hành chính những yếu tố mà các DN đặc biệt quan tâm, mong muốn Chính phủ giải quyết, “làm sạch một cách cấp bách và không khoan nhượng”. Thay mặt BBGV, ông Kenneth M.Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) lưu ý: “Việt Nam vẫn còn những tiềm năng to lớn mà chỉ có thể được đánh thức trong một môi trường  kinh doanh minh bạch và thuận lợi”. Cùng nhận định, đại diện của Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) cho rằng, việc cải thiện môi trường hành chính thông qua việc đơn giản hóa các luật và thủ tục hành chính, giảm phạm vi lạm quyền bằng cách  làm rõ các quy định và cải thiện tiền lương của công chức nhà nước,… để tăng khả năng đầu tư vào Việt Nam và giúp các DN vừa và nhỏ Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Kiến nghị Chính phủ đảm bảo một sân chơi bình đẳng, sòng phẳng cho các DN, đảm bảo không còn sự thiếu rõ ràng về chính sách, pháp luật để tránh bị lợi dụng, đại diện AmCham gợi ý giải pháp tăng cường thanh toán điện tử để giảm cơ hội cho các khoản thanh toán bất hợp pháp trong quá trình cấp phép và thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong phòng, chống tham nhũng.

Vẫn còn nhiều thách thức 

Phát biểu tại diễn đàn, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS Vũ Tiến Lộc, năm 2016 này khả năng là năm đầu tiên mà số lượng DN thành lập mới đạt mốc kỷ lục, vượt con số 100 ngàn DN mới thành lập. Mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng đã công bố chỉ số Môi trường kinh doanh trong đó Việt Nam tăng đến 9 bậc, vào nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN. “Đây là những minh chứng rất rõ thể hiện những kết quả ban đầu của quá trình tăng trưởng kinh tế và phát triển DN này…”, TS Lộc nói.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, mặc dù  môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có những thay đổi khá tốt trong thời gian qua nhưng so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN thì vẫn còn khoảng cách khá lớn, so với mong muốn của DN thì lại càng xa. Các DN vẫn đang gặp hàng loạt khó khăn trong hoạt động của mình từ vay vốn khó khăn và lãi suất cao so với các nước, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng hạ tầng kém cho đến các vướng mắc và khó khăn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan hay xuất nhập khẩu…  

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra một loạt các thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt như lực lượng DN tư nhân Việt Nam tuy đông đảo, nhưng chưa đủ mạnh và chưa đạt chuẩn quốc tế để tham gia hội nhập hiệu quả; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục phát triển, số lượng DN FDI không ngừng tăng nhanh nhưng vẫn tồn tại khoảng cách giữa các DN FDI và DN tư nhân trong nước; vẫn tồn tại “ranh giới” giữa hai cộng đồng DN trong một nền kinh tế, thiếu sự kết nối và hợp tác giữa hai khu vực DN này; vấn đề môi trường trong các dự án đầu tư; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh vẫn chưa có sự bứt phá…

“Thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, chúng tôi cho rằng giải pháp quan trọng là hành động, là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi. Thời gian tới cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc giám sát và đánh giá kết quả thực thi các nghị quyết này. Không thể chấp nhận được việc một số lĩnh vực dù được chỉ đích danh trong các báo cáo tổng kết Nghị quyết 19 là cản trở, cần thay đổi… nhưng sau bao năm vẫn không chịu thay đổi dù đó chỉ là những thông tư của cấp bộ. Những tinh thần rất cải cách của nghị quyết của Chính phủ cần được đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc nhất trên thực tế…”, Chủ tịch VCCI đề nghị.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định năm 2016 là “năm DN” của Việt Nam vì đó không chỉ là năm đánh dấu chặng đường vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của cộng đồng DN để hướng tới một kỷ nguyên mới của hội nhập, hợp tác, cùng phát triển mà còn là năm cộng đồng DN nhận được sự quan tâm nhiều nhất của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội nhằm phát triển một lực lượng DN mạnh mẽ, xứng đáng là động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển của đất nước.

Ý kiến này được nhiều đại biểu nhất trí. Chủ tịch VCCI nhận xét: “Điểm tích cực nhất có thể thấy là ít có thời điểm nào, Chính phủ và các bộ, ngành đã dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật như thời gian vừa rồi. Và cũng ít cho thời điểm nào Chính phủ dành rất nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với các DN như những tháng qua…”.

Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ (Amcham) bà Virginia B Foote cũng cùng quan điểm: “Chúng tôi xin được chúc mừng Việt Nam. Năm 2016 sắp kết thúc, các DN và nhà đầu tư đang được hưởng sự ổn định, tăng trưởng mà nhiều quốc gia trong khu vực phải ghen tỵ. Việc thay đổi bộ máy lãnh đạo diễn ra thuận lợi, tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát và tiền tệ được quản lý chặt chẽ. AmCham hy vọng sự ổn định lâu dài sẽ tiếp tục được duy trì vì đây là một trong những lợi thế cạnh tranh mạnh nhất của Việt Nam...”.

Đọc thêm