Sắm “vai chính” cho PMU Giao thông

(PLVN) - Trực tiếp điều hành, giải ngân các dự án lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, nhưng lâu nay “thân phận“ của các Ban quản lý dự án (PMU) thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vẫn chỉ là những “đại diện chủ đầu tư”...
Nếu được công nhận là chủ đầu tư dự án, các PMU Giao thông được ví như từ "vai thứ chính" lên "vai chính" trong hoạt động đầu tư dự án.
Nếu được công nhận là chủ đầu tư dự án, các PMU Giao thông được ví như từ "vai thứ chính" lên "vai chính" trong hoạt động đầu tư dự án.

Thực tế triển khai một dự án, các PMU Giao thông phải làm gần như hết việc - từ đấu thầu, giải phóng mặt bằng, điều hành thi công đến giám sát tiến độ công trường... Các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT chỉ làm nhiệm vụ thẩm định, tham mưu trình lãnh đạo Bộ ký ban hành các quyết định phê duyệt đầu tư.

Thời gian gần đây, do số lượng công trình dự án ngày một nhiều lên, công việc vì thế có lúc chất chồng khiến một số khâu, ở một số dự án bị chậm trễ nên Bộ GTVT phải tính chuyện đổi mới công tác quản lý đầu tư, xây dựng.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ GTVT nhiệm kỳ này khá rõ ràng về quan điểm Bộ chỉ tập trung làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về mặt chuyên ngành nên chọn phương án sẽ phân cấp, phân quyền mạnh cho các PMU Giao thông để các đơn vị này có điều kiện trở thành các chủ đầu tư thực sự.

"Nếu Bộ đổi mới công tác quản lý đầu tư, thì những dự án, gói thầu nhỏ, các PMU sẽ được phê duyệt hồ sơ mời thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán..." Phó Giám đốc phụ trách PMU Đường thủy Dương Thanh Hưng

Nếu như vậy, thì tới đây, Bộ GTVT chỉ làm chủ đầu tư đối với những dự án quan trọng cấp quốc gia, những dự án có tính chất phức tạp, sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, vật liệu mới và các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.

Các PMU Giao thông nếu được “sắm vai” chính, chắc chắn sẽ chủ động hơn trong nhiều khâu của quá trình thực hiện dự án so với việc chỉ đóng vai là đại diện của chủ đầu tư dự án như cơ chế hiện nay.

“Nếu thay đổi theo hướng này, những dự án hoặc những gói thầu nhỏ, các PMU sẽ chủ động trong các khâu tổ chức, thực hiện do ở cấp như chúng tôi sẽ được phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và thiết kế kỹ thuật, dự toán”, ông Dương Thanh Hưng - Phó Giám đốc phụ trách PMU Đường thủy (Bộ GTVT), cho biết.

Trao đổi với PLVN về chủ trương đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng của Bộ GTVT, lãnh đạo một số PMU tỏ ra rất đồng tình vì tin nó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thi công, giải ngân nhiều dự án quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất mà các PMU Giao thông phải đổi mặt đó là trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác quản lý dự án, bởi đi liên với việc phân cấp, tăng quyền thì mức độ chịu trách nhiệm trước trước pháp luật của người đứng đầu các PMU cũng tăng lên.
Trực tiếp quản lý và giải ngân vốn đầu tư nhiều Dự án nâng cấp QL1, nhưng các PMU thuộc Bộ GTVT vẫn chỉ được coi là "đại diện chủ đầu tư"
Trực tiếp quản lý và giải ngân vốn đầu tư nhiều Dự án nâng cấp QL1, nhưng các PMU thuộc Bộ GTVT vẫn chỉ được coi là "đại diện chủ đầu tư"

“Trước đây khi trình một dự án, hạng mục nào đó, các PMU đều phải qua bộ phận “gác cổng” của Bộ đó là Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông và các cơ quan chức năng khác. Những tới đây thì khác - “anh” đã đặt bút ký văn bản thì “anh” phải tự chịu trách nhiệm. Muốn độc lập, muốn nhanh như chủ trương phân cấp đang dự kiến thì bộ phận tham mưu về kế hoạch, kỹ thuật - thẩm định của các PMU cũng phải là những người chắc tay, thạo việc”, Phó Giám đốc  phụ trách PMU Đường thủy nói thêm. 

Liên quan Đề án đổi mới nói trên, ông Trần Văn Lâm - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) - cho hay, bên cạnh việc phân tích cụ thể các quy định của pháp luật, của Bộ GTVT về quản lý đầu tư xây dựng, Đề án này cũng đã đánh giá công tác quản lý đầu tư xây dựng hiện tại của Bộ GTVT, đồng thời có sự tham khảo, tìm hiểu mô hình quản lý đầu tư xây dựng ở một số Bộ, ngành, địa phương khác để đảm bảo phù hợp thực tiễn và đổi mới công tác quản lý, qua đó phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ GTVT.

Nguồn tin của PLVN cho biết, nếu không có gì thay đổi, chủ trương nói trên được thông qua thì các dự án do các PMU Giao thông triển khai đầu tư xây dựng từ thời điểm tháng 6/2020 trở đi sẽ được áp dụng quy định này.

Đọc thêm