Sản xuất VLXD từ tro, xỉ: Bộ Xây dựng “bó tay” trước sự thờ ơ của doanh nghiệp?

(PLO) - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - ông Phạm Văn Bắc thừa nhận với PLVN rằng “chỉ một số ít doanh nghiệp vào cuộc, còn lại rất dửng dưng” trước chủ trương biến tro, xỉ nhiệt điện thành vật liệu xây dựng (VLXD) hoặc thành phần thi công san lấp các công trình xây dựng.
Với hàng triệu tấn tro bay và xỉ đáy lò thải mỗi năm, Nhiệt điện Vũng Áng 1 đang cấp miễn phí để làm vật liệu xây dựng
Với hàng triệu tấn tro bay và xỉ đáy lò thải mỗi năm, Nhiệt điện Vũng Áng 1 đang cấp miễn phí để làm vật liệu xây dựng

Thống kê cho hay, ở Việt Nam, mỗi năm có tới hàng chục triệu tấn tro, xỉ do các nhà máy nhiệt điện thải ra, nhưng hiện số chất thải này chưa có điều kiện để được tái sử dụng một cách hiệu quả, dù nó thu được lợi ích kép - kinh tế lẫn môi trường.

Phụ thuộc vào doanh nghiệp

Theo Bộ Xây dựng, tro, xỉ có thể làm vật liệu san lấp công trình và làm đường giao thông, nhưng cần phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. Hiện, tiêu chuẩn tro, xỉ nhiệt điện dùng làm vật liệu san lấp do Bộ Xây dựng biên soạn đã được chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.

 Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, liên quan đến tiêu chuẩn này, Bộ Xây dựng ban hành vào tháng 7/2018, tuy nhiên hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ muốn hoàn thiện thêm một số nội dung nên đã lùi thời gian.

Về cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhiệt điện sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, theo ông Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một Quyết định về vấn đề này. “Quan trọng là doanh nghiệp họ có thực hiện không?”, ông Bắc nói và cho biết thêm, doanh nghiệp xả thải tro, xỉ có trách nhiệm xử lí những chất này, không để ảnh hưởng đến môi trường. Và cách tốt nhất là xử lí chất thải này là để sử dụng trong xây dựng hoặc làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. “Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp vào cuộc, còn lại nhiều doanh nghiệp vẫn rất dửng dưng”, lời Vụ trưởng Bắc.

Theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, thì đến năm 2020 phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất.

Bài toán kinh tế không hiệu quả 

Theo thống kê đến cuối năm 2017, cả nước có 21 nhà máy nhiệt điện đốt than hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW, lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm, phát sinh lượng tro, xỉ thải mỗi năm khoảng 15,8 triệu tấn. 

Xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than hiện tại là chất thải rắn thông thường, không nguy hại. Xét về thành phần hóa học, tro xỉ đốt than chủ yếu là các ô xít kim loại như silic, nhôm, titan, sắt, canxi,… đều là các thành phần hữu ích để làm vật liệu xây dựng. Nhưng do nhiều vướng mắc nên tro, xỉ chưa thật sự được doanh nghiệp mặn mà dùng để sản xuất vật liệu xây dựng.

Trao đổi với PLVN, TS Mai Ngọc Tâm - Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, tro, xỉ làm nguyên liệu vật liệu xây dựng hoàn toàn đảm bảo về chất lượng sử dụng. Nhưng theo ông Tâm, lý do khiến doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thờ ơ với loại nguyên liệu này là do chi phí vận chuyển. Theo đó, quãng đường vận chuyển tro, xỉ đến các nhà máy sản xuất và nơi tiêu thụ thường khá xa. 

“Dù các nhà máy nhiệt điện có cho không tro, xỉ thì nếu chở đi 100km đến nới tiêu thụ, sản xuất, thì tính ra chi phí cũng lên tới 2.000 đồng/kg, tức 2 triệu/tấn. Như vậy, chi phí sẽ đội lên rất lớn nên các doanh nghiệp phải cân nhắc bài toán kinh tế”, ông Tâm nói và cho biết thêm, gạch - một vật liệu xây dựng có trọng lượng rất nặng, chi phí vận chuyển cao nên doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thường tính đến yếu tố kinh tế hơn là việc tiêu thụ được bao nhiêu tấn tro, xỉ.

Ngoài làm gạch, tro và xỉ còn được dùng để san lấp mặt bằng; làm bê tông. Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng rằng: “Tro, xỉ có tốt đến mấy cũng không hoàn toàn thay thế xi măng hay cát được, mà chỉ sử dụng ở một tỷ lệ nhất định. Ví dụ, nếu dùng để sản xuất gạch thì chỉ dùng khoảng 30%, bê tông 20%. Còn dùng để san lấp thì vô tư”.

Tâm lí người dân hiện nay cho rằng tro, xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất là những loại chất thải nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, TS Tâm cho rằng, thực tế đây chỉ là chất thải công nghiệp thông thường, không quá ảnh hưởng đến môi trường. “Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng cho những loại chất thải này để việc sử dụng được thuận lợi hơn”, ông Tâm đề nghị.

Được biết, mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi Tổng Công ty Điện lực – TKV yêu cầu tăng cường việc tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao. Theo đó, ngoài việc sử dụng làm vật liệu san lấp, Bộ này đã đề nghị Tổng Công ty Điện lực - TKV đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. 

Cho không cũng không lấy vì vận chuyển… 2 triệu đồng/tấn

“Dù các nhà máy nhiệt điện có cho không tro, xỉ thì nếu chở đi 100km đến nơi tiêu thụ, sản xuất, thì tính ra chi phí cũng lên tới 2.000 đồng/kg, tức 2 triệu/tấn. Như vậy, chi phí sẽ đội lên rất lớn nên các doanh nghiệp phải cân nhắc bài toán kinh tế”, TS. Mai Ngọc Tâm - Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng).

Đọc thêm