Sáp nhập PMU Giao thông: “Ghế” Tổng Giám đốc 1 “chọi” 1 - ai thắng?

(PLO) - Các Ban quản lý dự án (PMU) là 1, 2, An toàn giao thông và Thăng Long thuộc Bộ GTVT sẽ sáp nhập, hợp nhất theo phương án ghép 2 Ban cũ để hình thành 1 Ban mới. Cơ cấu như thế có thể hiểu, sắp tới sẽ có ít nhất 2 Tổng Giám đốc cùng “đua” vào 1 “ghế” Tổng Giám đốc của Ban mới sau thành lập?
PMU An toàn giao thông sẽ sáp nhập vào PMU2 (thuộc Bộ GTVT) để đi vào hoạt động từ tháng 5/2017
PMU An toàn giao thông sẽ sáp nhập vào PMU2 (thuộc Bộ GTVT) để đi vào hoạt động từ tháng 5/2017

Biến động tổ chức thì có biến động về nhân sự - đó là điều bình thường trong công tác tổ chức cán bộ ở bất kỳ đâu. Nhưng điều quan trọng là người được bổ nhiệm hay cất nhắc trong trường hợp này phải đủ năng lực, uy tín để điều hành bộ máy với quy mô dự kiến gấp đôi so với trước. 

Bị sáp nhập thường xuống... Phó!

Nói về chuyên môn, phần lớn những vị đã ngồi tới “ghế” Tổng Giám đốc các PMU thuộc Bộ này đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác làm đại diện chủ đầu tư, điều hành hàng loạt dự án xây dựng cơ bản lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Còn về mặt Đảng, họ đều giữ chức Bí thư Đảng ủy tại các Ban trên.

Lúc họp hành, hay giao ban ở Bộ chủ quản, họ là những người đồng cấp. Thế nhưng, tới đây - khi sáp nhập, hợp nhất 4 PMU (1, 2, Thăng Long, An toàn giao thông) để hình thành ra 2 PMU mới, mọi chuyện sẽ khác. Tức sẽ có người tiếp tục được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng Giám đốc, những cũng có vị Tổng Giám đốc mất “ghế” phải xuống Phó vì cuộc biến động tổ chức nay.

Một thống kê chưa đầy đủ trong vòng 10 năm trở lại đây cho thấy, những PMU bị đem đi sáp nhập, hợp nhất vào một PMU khác để hình thành bộ máy mới, thì Tổng Giám đốc thường hay xuống làm Phó hoặc vì một số lý do nào đó, người đó đã chủ động tìm lối rẽ khác.

Còn nhớ, hồi 2008, khi quyết định PMU Biển Đông về với PMU5 để hình thành PMU6 ngày nay, Tổng Giám đốc PMU Biển Đông khi đó là ông Nguyễn Tân Khoa  đã xuống làm Phó Tổng Giám đốc của Ban mới - PMU6. Nhà cửa, trụ sở của PMU Biển Đông sau đó nhường lại cho PMU An toàn giao thông dọn đến làm việc. 

Gần hơn - vào năm 2014, khi Bộ GTVT tiếp tục công bố quyết định sáp nhập Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vào PMU Đường sắt thuộc Bộ GTVT để hình thành PMU Đường sắt, thì cựu Giám đốc RPMU lúc bấy giờ là ông Đặng Sỹ Mạnh đã không tiếp tục sự nghiệp của mình tại đây nữa mà nhận quyết định chuyển công tác về Cục Đường sắt (cơ quan quản lý Nhà nước) để làm Phó Cục trưởng...

Theo kế hoạch sắp xếp lần này, PMU An toàn giao thông do ông Nguyễn Hữu Long đang là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc sẽ phải sáp nhập vào PMU2 - nơi ông Phạm Hồng Sơn cũng đang đương chức Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc. Trong trường hợp này, nếu xét về độ “va đập”, thì PMU2 có vẻ nhỉnh hơn, bởi Ban này từng là những người trong cuộc của một cuộc sáp nhập nhập cách nay 10 năm, khi PMU2 được tổ chức yêu cầu ghép với PMU18 để hình thành nên PMU2 ngày nay. 

Riêng PMU Thăng Long, sắp tới sẽ hợp nhất vào với PMU1 - một Ban thuộc vào loại lớn và có “tuổi đời” lâu năm nhất trong số các PMU thuộc ngành GTVT. PMU1 hiện do ông Hoàng Đình Phúc làm Tổng Giám đốc, còn PMU Thăng Long đang khuyết Tổng Giám đốc, nhưng quyền điều hành Ban này đang thuộc về Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Vũ Ngọc Dương.

Điều dư luận đang quan tâm và cũng là “bài toán” mà những người làm công tác tổ chức cán bộ ở Bộ này phải “giải” đó là trong số các ông  Nguyễn Hữu Long, Phạm Hồng Sơn, Hoàng Đình Phúc, Vũ Ngọc Dương - ai sẽ tại vị, nắm giữ được “ghế” Tổng Giám đốc, ai xuống Phó khi sắp tới chỉ còn lại 2 PMU? Liệu trong số họ, có ai phải tìm sang lối rẽ mới như chuyện từng xảy ra trong các cuộc sáp nhập PMU Giao thông trước đây mà chúng tôi vừa dẫn? 

Dự mở rộng QL1 đoạn qua Phú Yên do PMU Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư
Dự mở rộng QL1 đoạn qua Phú Yên do PMU Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư

Ai chiến thắng?

Ở đây, rõ ràng chỉ có 2 “chiếc ghế” Tổng Giám đốc trong khi đang có tới 4 người đứng xung quanh. Trong trường hợp này, nguyên tắc để chọn người chắc chắn phải phải là những tiêu chí cơ bản như: đủ đức, đủ tài, đủ tuổi...? Bởi nếu cộng mỗi PMU sau sáp nhập, hợp nhất sẽ cho ra đời một bộ máy tương đối lớn, đòi hỏi người đứng đầu phải nổi trội. Chẳng hạn như ở PMU Thăng Long hiện có 3 Phó Tổng Giám đốc, 8 phòng chức năng còn PMU1 đang có 1 Tổng Giám đốc, 3 Phó Tổng Giám đốc và tới 6 phòng chức năng... 

Sắp đến giờ “G”, không ít người nhận định, “chiếc ghế” Tổng Giám đốc của 2 Ban trên sau hợp nhất thuộc về ai đang là điều tương đối khó đoán định. Trong khi nhân sự  đứng đầu cho cuộc sáp nhập giữa PMU An toàn giao thông và PMU2 đã được một số người úp mở, truyền tai nhau về danh tính của vị này.

Tất nhiên, các “ứng viên” cho 2 vị trị Tổng Giám đốc của 2 Ban mới cũng không nên quá bi quan, bởi trong lịch sử các cuộc sáp nhập, hợp nhất ở Bộ này, không ít lãnh đạo các Ban nhỏ vẫn tiếp tục được bổ nhiệm làm lãnh đạo Ban mới, to hơn sau thành lập và đến này, họ vẫn quản lý, điều hành tương đối hiệu quả các dự án giao thông lớn như trường hợp ông Trần Anh - nguyên Giám đốc PMU Hàng hải 2 (Cục Hàng hải) được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PMU hàng hải (Bộ GTVT) sau khi Ban này hợp nhất với một phần của PMU Hàng hải 3 (Cục Hàng hải); hay trường hợp ông Lê Huy Thăng - được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PMU Đường thủy nội địa thuộc Bộ GTVT sau khi PMU Đường thủy nội địa phía Bắc (Cục Đường thủy nội địa) do ông Thăng làm Giám đốc hợp nhất với PMU Đường thủy nội địa phía Nam.

Cụ thể, trong trường hợp này, vấn đề năng lực, phẩm chất... của cả 3 Tổng Giám giám đốc và 1 Phó “Tổng” phụ trách nói trên, chắc chắn những người làm công tác tổ chức ở Bộ GTVT hiểu rõ hơn ai hết. Vì thế, các quyết định về nhân sự được ban hành một cách chính xác và công bằng đang là điều dư luận hết sức trông đợi.

Đọc thêm