Sát thời hạn thoát “thẻ vàng” của thủy sản: Ủy ban Châu âu đánh giá gì về nỗ lực của Việt Nam?

(PLO) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng Đoàn công tác kỹ thuật về chống khai thác IUU vừa có 2 phiên đối thoại quan trọng với Bộ phận IUU, Tổng vụ các vấn đề về biển và Thủy sản của Ủy Ban Châu âu tại Brussel, Bỉ.  
 Vào tháng 5/2018 EC sẽ có cuộc đánh giá lại nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU
Vào tháng 5/2018 EC sẽ có cuộc đánh giá lại nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU

Sau khi Đoàn Việt Nam cập nhật nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC 5 tháng vừa qua, Tổng vụ các vấn đề về biển và Thủy sản của EC đánh giá cao cam kết, kế hoạch hành động ở các cấp chính quyền của Việt Nam đối với mục tiêu chống khai thác IUU.

 Việt Nam cần luật hóa các quy định quốc tế

Theo nguồn tin của Báo PLVN, tại buổi đối thoại, ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp để dần đưa khai thác hải sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong nước, Việt Nam cần xác định rõ lộ trình gia nhập Hiệp định quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là đã quy định các biện pháp xử phạt bổ sung như tước giấy phép khai thác, nâng mức phạt để đảm bảo tính răn đe...

Tại buổi đối thoại, phía Tổng vụ các vấn đề về biển và Thuỷ sản của EC đã làm rõ những vấn đề phía Việt Nam cần quan tâm trong thời gian tới để tiếp tục khắc phục các khuyến nghị trước khi đoàn công tác của Tổng vụ sang đánh giá sau 6 tháng Việt Nam triển khai.

Phía EC cũng khuyến cáo bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, Việt Nam cần đẩy mạnh thực thi có hiệu quả việc giám sát tàu cá trên biển thông qua việc xác định rõ lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với hiện trạng nguồn lợi hải sản; quản lý hiệu quả hệ thống đăng ký và cấp giấy phép khai thác hải sản; đẩy mạnh quản lý hoạt động khai thác hải sản tại các cảng cá; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt để ngăn chặn các hoạt động khai thác IUU; tăng cường tuần tra trên biển để tiến tới chấm dứt hoàn toàn tàu cá Việt Nam khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài.

Theo Bộ NN&PTNT, Tổng vụ các vấn đề về biển và Thuỷ sản của EC cũng khẳng định sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, biện pháp chống khai thác IUU với Việt Nam dựa trên kinh nghiệm phối hợp với 50 quốc gia khác đã và đang chống khai thác IUU.

“Đặc biệt, đối với với 2 Nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng và các Thông tư đang trong quá trình xây dựng để hướng dẫn Luật Thuỷ sản 2017. Phía bạn đề nghị phía Việt Nam chia sẻ dự thảo để có thể hỗ trợ kỹ thuật tốt hơn nhằm đưa các quy định của quốc tế về quản lý nghề cá vào các văn bản dưới Luật”- nguồn tin từ Bộ NN&PTNT tiết lộ.  

EC sẽ đánh giá lại vào tháng 5/2018

Theo Bộ NN&PTNT cho biết, tại buổi đối thoại, 2 bên thống nhất về kế hoạch tiếp theo về trao đổi thông tin, tài liệu, cũng như tiếp tục tổ chức đối thoại để chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá vào tháng 5/2018 là thời điểm sau 6 tháng Việt Nam triển khai các khuyến nghị của EC. Hai bên cũng thống nhất về thời gian và chương trình đoàn công tác của DG-MARE làm việc tại Việt Nam và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.

Đoàn công tác kỹ thuật về chống khai thác IUU đối thoại với Bộ phận IUU, Tổng vụ các vấn đề về biển và Thủy sản của EC
 Đoàn công tác kỹ thuật về chống khai thác IUU đối thoại với Bộ phận IUU, Tổng vụ các vấn đề về biển và Thủy sản của EC

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Bỉ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã có buổi làm việc với ông Karmenu Vella, Cao uỷ phụ trách môi trường, hàng hải và thuỷ sản Liên minh Châu âu tại trụ sở Uỷ ban Châu Âu ở Brussel, Bỉ.  

Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống khai thác IUU. Bộ trưởng Cường khẳng định, trong thời gian qua Việt Nam đã tập trung triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt các hành động theo 9 khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu; từng bước chủ động trong việc xây dựng nghề cá theo hướng phát triển bền vững, một nghề cá có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế.

Ngài Cao uỷ đã ghi nhận nỗ lực của cả hệ thống chính trị của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, các ban ngành, hiệp đội, tới cộng đồng ngư dân đã chung sức chống lại khai thác IUU. Tuy nhiên, trong thời gian tới Việt Nam cần phải tiếp tục tích cực hơn nữa trong việc thực thi để đảm bảo có các kết quả rõ nét và mang tính bền vững hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ghi nhận ý kiến của ngài Cao uỷ, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường sự hợp tác giữa hai bên trong việc chống khai thác IUU, Bộ trưởng cũng đề nghị Uỷ ban Châu Âu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật để khắc phục các hạn chế, tồn tại và nhanh chóng đưa nghề cá Việt Nam theo hướng phát triển bền vững.

Đọc thêm