Sau 22 năm thành lập, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc giờ ra sao?

(PLVN) -Trải qua 22 năm kể từ khi thành lập (năm 1998), Khu Công nghệ cao Hoà Lạc hiện đang đón nhận những tín hiệu tốt về công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của nước ngoài với hàm lượng công nghệ cao.
Các dự án công nghệ cao đã và đang đi vào hoạt động hiệu quả tại Khu CNC Hòa Lạc. (Ảnh: Anh Vũ)
Các dự án công nghệ cao đã và đang đi vào hoạt động hiệu quả tại Khu CNC Hòa Lạc. (Ảnh: Anh Vũ)

Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Khu công nghệ cao (Khu CNC) Hòa Lạc, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng bước cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ về việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao bằng các dự án có hàm lượng công nghệ cao như: Trung tâm phần mềm FPT Software, Đại học FPT, Trung tâm Công nghệ cao của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Viện khoa học và công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc hay hãng sản xuất linh kiện điện tử Noble của Nhật Bản...

Ông Trần Đắc Trung - Phó Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc - cho biết, đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý đã và đang điều chỉnh, cập nhật lại quy hoạch một số khu chức năng để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phân khu và xúc tiến đầu tư.

Tính đến nay, tổng diện tích đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Ban quản lý 1.351ha trên tổng diện tích 1,586ha theo quy hoạch. Diện tích đã giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc.

Đáng chú ý, dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đã cơ bản hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu cho công tác xúc tiến đầu tư, triển khai hoạt động của các dự án. Hiện, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc và UBND TP. Hà Nội đang phối hợp để thống nhất phương án vận hành hệ thống hạ tầng này.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách liên quan đến Khu CNC đã cơ bản được thể chế hóa trong Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, các luật thuế… Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 99/2003/NĐ-CP về quy chế khu CNC và xây dựng các tiêu chí để xét duyệt dự án đầu tư vào các khu CNC.

Một số dự án công nghệ lớn của các doanh nghiệp trong nước đã chọn Hòa Lạc để đầu tư (Ảnh: Anh Vũ).

Một số dự án công nghệ lớn của các doanh nghiệp trong nước đã chọn Hòa Lạc để đầu tư (Ảnh: Anh Vũ).

Tính đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 95 dự án, trong đó 52 dự án đang hoạt động. Điểm nổi bật là đã thu hút được các nhà đầu tư lớn, đủ tầm dẫn dắt các lĩnh vực công nghệ khác nhau trong khu.

Trong đó, phải kể đến như Vingroup xây Tổ hợp nhà máy sản xuất điện thoại Vinsmart, Viettel khởi công xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp CNC, Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu sản xuất thiết bị điện CNC, hay nhà máy sản xuất động cơ máy bay của Công ty TNHH Hanwha Aero Engines (Tập đoàn Hanwha - Hàn Quốc).

Các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu tại đây đã sản xuất nhiều sản phẩm CNC như: Công nghệ 4G, 5G; Rada cảnh giới biển; thiết bị y tế kỹ thuật số công nghệ cao; các dụng cụ cắt gọt công nghệ cao trong công nghiệp hàng không; cấu kiện động cơ máy bay; mô-tơ điện một chiều không chổi than; các giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot; điện thoại thông minh, khuôn mẫu kỹ thuật chính xác công nghệ cao, các sản phẩm dược phẩm...

Mới đây, ngày 27/6, khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã đón nhận thêm dự án đầu tư nước ngoài với quy mô lớn của đơn vị thuộc Tập đoàn NIDEC và đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup với quy mô đầu tư dự kiến khoảng 3 tỷ đô la Mỹ.

Dự án “Nidec Chaun Choung Việt Nam” do Công ty cổ phần Công nghệ Chaun Choung thuộc Tập đoàn NIDEC đề xuất đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc. Dự án có tổng vốn đầu tư 4041 tỷ đồng, với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm, mô-đun nhiệt hiệu năng cao, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 10/2020 và đi vào hoạt động từ tháng 8/2021.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã ký kết Bản ghi nhớ với Tập đoàn Vingroup, theo đó Vingroup sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng “Khu nghiên cứu và phát triển công nghiệp công nghệ cao” và “Tổ hợp các nhà máy công nghệ cao” với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3 tỷ đô la Mỹ tại Khu CNC Hòa Lạc và thực hiện đầu tư xây dựng từ nay đến hết năm 2023.

Như vậy, mặc dù đại dịch Covid 19 hoành hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động, mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động thu hút đầu tư nhưng trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã tích cực triển khai thu hút và lựa chọn dự án đầu tư, và đã đón nhận tổng số 04 dự án công nghệ cao mới với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 6670 tỷ đồng.

Vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu sản xuất thiết bị điện CNC trong Khu CNC Hòa Lạc (Ảnh: Anh Vũ)
 Vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu sản xuất thiết bị điện CNC trong Khu CNC Hòa Lạc (Ảnh: Anh Vũ)

Khu cũng đã hình thành mạng lưới một số viện nghiên cứu trong các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; công nghệ sinh học phục vụ y tế; công nghệ cơ khí chính xác; công nghệ tự động hóa. Đồng thời, đang dần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại đây…

Hiện nay, khu CNC Hòa Lạc có khoảng 22.000 người đang học tập và làm việc, trong đó có gần 9.000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 người lao động. Số lượng lao động có trình độ đại học trở lên đạt trung bình trên 50%, ở một số dự án, tỷ lệ này đạt trên 90%.

Đọc thêm