SCIC chia sẻ kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước với Cuba

(PLVN) - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đức Chi bày tỏ mong muốn những kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam sẽ được Cuba nghiên cứu áp dụng thành công, và qua sự hợp tác này, các doanh nghiệp (DN) của SCIC có cơ hội nghiên cứu tìm hiểu và đầu tư vào Cuba trong thời gian tới…
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm

Trong khuôn khổ hợp tác hữu nghị giữa hai Nhà nước Việt Nam – Cuba, trong 2 ngày 17-18/4, SCIC đã tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Vai trò của cải cách DNNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”. 

Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả đến từ các Bộ, cơ quan và SCIC đã trao đổi với phía bạn những kinh nghiệm trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình như: Quy trình cổ phần hóa (CPH)  DNNN tại Việt Nam, chính sách phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN;  cơ chế quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước; đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình tái cơ cấu DNNN; vai trò của SCIC trong tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam; hoạt động quản lý danh mục thông qua vai trò đại diện sở hữu vốn nhà nước tại DN...

“SCIC sẵn sàng chia sẻ nhiều nhất những hiểu biết của mình trong tiến trình cập nhật mô hình kinh tế XHCN và mong rằng phía Cuba sẽ tham khảo, nghiên cứu để vận dụng trong quá trình cải cách DNNN của mình một cách thành công. Buổi Tọa đàm là tiền đề cho quá trình hợp tác cụ thể giữa SCIC và các đối tác Cuba, mở ra cơ hội cho các DN của SCIC nghiên cứu tìm hiểu và đầu tư vào Cuba trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC phát biểu

Tại buổi Tọa đàm, đại diện SCIC cho biết, trong quá trình triển khai chủ trương đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả DNNN, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của nhà nước, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.055 DN với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 14.800 tỷ đồng.

Thông qua vai trò cổ đông, SCIC chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu DN; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của DN; đầu tư thêm vốn vào các DN kinh doanh có hiệu quả, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các DN thuộc danh mục quản lý...

Đa số các DN do SCIC tiếp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân các năm 2013-2018 đạt từ 19-20%, tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 34.000 tỷ đồng. 

SCIC đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với các công ty cổ phần sau CPH thông qua cơ chế người đại diện. Cơ chế người đại diện phần vốn Nhà nước triển khai tại tất cả các DN được kết hợp chặt chẽ với sự giám sát và chỉ đạo trực tiếp của chủ sở hữu đã giúp SCIC bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước tại các DN. 

SCIC đã thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước tại các DN đạt hiệu quả cao, bán vốn thành công tại 995 DN, bán hết vốn tại 892 DN với doanh thu bán vốn đạt hơn 47.000 tỷ đồng trên giá vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Đa số các DN bán vốn chủ yếu quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả nhưng kết quả bán vốn thu được gấp 4,2 lần giá vốn. 

Từ cuối năm 2018, thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ, SCIC dưới sự quản lý của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) cùng 18 Tập đoàn, Tổng công ty  khác. Do đó, một trong những định hướng của SCIC là nghiên cứu cơ hội tham gia đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án có trọng điểm, quy mô lớn, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thuộc CMSC tìm kiếm cơ hội đầu tư để hợp tác triển khai dự án, cùng tham gia triển khai các dự án mà các tập đoàn, tổng công ty đang triển khai hiệu quả, bao gồm các cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Được biết, Ủy ban Triển khai và Phát triển Cuba, thuộc Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba, là cơ quan có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai việc thực hiện các vấn đề kinh tế đã thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng.

Ông Leonel Ramón Andollo Valdés, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Đại biểu Quốc hội Chính quyền Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Triển khai và Phát triển Cuba khẳng định: “Những kinh nghiệm trong quá trình cải cách DNNN của Việt Nam là hết sức quan trọng đối với Cuba. Những thông tin chia sẻ của các cơ quan Việt Nam và SCIC tại buổi Tọa đàm là kinh nghiệm quý báu giúp Cuba trong quá trình thực hiện đổi mới”. 

Quá trình xắp xếp, cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Long – Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN khái quát lại quá trình sắp xếp, CPH DNNN. Mục tiêu là đến năm 2020 hoàn thành cơ cấu lại và đổi mới DNNN, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN và năng lực cạnh tranh của DNNN. Tiến trình CPH DNNN được thực hiện theo từng giai đoạn: 1991-2000, giai đoạn 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015 và 2016-2020.

Ở thời điểm năm 1980, Việt Nam có 12.000 DNNN, Năm 1991 Việt Nam bắt đầu phân loại DNNN và với DN không đủ tiêu chuẩn của DNNN thì thực hiện sắp xếp lại DNNN các hình thức sáp nhập, hợp nhất, CPH, giải thể hay cho phá sản. Đến năm 2000, số DNNN đã giảm một nửa, chỉ còn 6.000 DNNN. Trong quá trình sắp xếp này, Việt Nam cũng thành lập những tổng công ty nhà nước để đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung mở rộng quy mô, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của DNNN. Từ đó đã có những tập đoàn, tổng công ty nhà nước gọi là tổng công ty 90 – tổng công ty 91. 

Tiếp đến các năm 2001-2005 có 3150 DNNN được sắp xếp lại để tinh gọn hơn,  trong đó đã bán và CPH 2757 DN. Dù giảm đi tới khoảng 3000 DNNN nhưng cơ cấu vốn của DNNN gần như không thay đổi, tỷ trọng vốn vay vẫn luôn chiếm tới 60 % tổng nguồn vốn của DN, trong đó có nhiều DN vốn vay tới 90%.

Giai đoạn 2006-2010 là thời gian tiếp tục bán, CPH sắp xếp lại DNNN đồng thời cũng thành lập 11 tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây cũng là giai đoạn thí điểm CPH các công ty nông nghiệp và các công ty lâm nghiệp. 752 DN đã được CPH và bán trong giai đoạn này. Đến 10/2011 chỉ còn 1309 DN 100% vốn nhà nước. 

Giai đoạn 2011-2015, Chính phủ tiến hành tái cơ cấu DNNN tập trung vào các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Trong đó, đã kết thúc thí điểm 3 tập đoàn (Công nghiệp tàu thủy, Sông Đà, Phát triển nhà và đô thị) đưa về mô hình tổng công ty. Giai đoạn này bắt đầu CPH các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đọc thêm