SCIC: Kết luận thanh tra về Dự án trụ sở làm việc có căn cứ

(PLO) - Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất việc kiểm tra 6 nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và chính thức có thông báo kết luận về một số tồn tại cần xử lý, chấn chỉnh. 
 
Trụ sở chính của SCIC tại tầng 23, 24 tòa nhà Chamrvit (Hà Nội).
Trụ sở chính của SCIC tại tầng 23, 24 tòa nhà Chamrvit (Hà Nội).

SCIC là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước, được giao thực hiện việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương chuyển giao về.

Quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC - cụ thể trong công tác quản lý tài chính tại một số công ty do người đại diện vốn của “Tổng” này tham gia quản lý điều hành, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những khuyết điểm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC, qua đó yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các vi phạm trong trích lập dự phòng, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và không hợp lệ để làm chứng từ thanh toán tại một số doanh nghiệp có vốn của SCIC và các đơn vị thành viên, với số tiền 178 tỷ đồng (làm tròn). Trên cơ sở đó xử lý về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, điều chỉnh hạch toán kế toán.

Trao đổi với PLVN về chi tiết đầu tiên trong kiến nghị xử lý về kinh tế sau thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Quốc Huy cho hay, trong quá trình hoạt động, đơn vị này có vốn đầu tư tại khá nhiều doanh nghiệp - nơi ít khoảng 20%, có nơi cũng gấp đôi con số đó, và trên thực tế, những doanh nghiệp này đều độc lập với SCIC về mặt pháp lý.

“Tại những doanh nghiệp nói trên, SCIC chỉ đóng vai trò là một thành viên góp vốn. Những doanh nghiệp đó đều là pháp nhân độc lập với SCIC trong quá trình hoạt động, và họ cũng có người đại diện để chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, quyền lợi trước pháp luật một cách độc lập.

Xung quanh vấn đề này, Thanh tra Chính phủ có kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Thuế xem xét, xử lý các khoản được cho là trái quy định về hạch toán kế toán. Tôi nghĩ, sau khi cơ quan Thuế vào làm thì con số phải xử lý về mặt kinh tế có thể thay đổi so với con số nêu trên (178 tỷ đồng - NV)”, lời Phó “Tổng” Nguyễn Quốc Huy.

Có sai trong Dự án cải tạo trụ sở

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu SCIC thực hiện rà soát, đôn đốc thu hồi về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và Phát triển doanh nghiệp số tiền lãi chậm nộp của các doanh nghiệp đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC nhưng chưa hạch toán phải thu quỹ tính đến cuối tháng 6/2014, với số tiền là 366 tỷ đồng.

“Với khoản này, như yêu cầu của Thanh tra, SCIC có trách nhiệm tiến hành rà soát và đôn đốc các địa phương để mang về Quỹ. Nhưng những khoản tiền đó đôi khi còn phải phụ thuộc vào từng tỉnh xem nó có còn. Ở đây, chúng tôi cụ thể hóa từng vấn đề ra như thế để thấy rằng, mỗi nội dung, mỗi kiến nghị... là mỗi cách xử lý khác nhau”, ông Huy nhấn mạnh.

Được biết, ngoài nhưng nội dung vừa đề cập, đại diện SCIC thừa nhận việc cơ quan Thanh tra yêu cầu “Tổng” này phải thu, nộp về tài khoản tạm giữ chờ xử lý số tiền gần 200 triệu đồng trong công tác xây dựng là có căn cứ.

Cụ thể, nó bao gồm số tiền vi phạm trong quá trình tiến hành Dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc chính của SCIC tại tầng 23, 24 Tòa nhà Chamrvit (Hà Nội) và Chi nhánh miền Nam thuộc đơn vị này. Ngoài ra, Dự án cải tạo trụ sở SCIC Chi nhánh miền Trung cũng bị giảm trừ quyết toán hơn 76 triệu đồng.

“Yêu cầu của cơ quan Thanh tra liên quan đến các Dự án xây dựng nói trên, SCIC có trách nhiệm phải thực hiện”, Phó Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Quốc Huy khẳng định.

Đọc thêm