Sẽ có chip giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả?

(PLVN) - Trong thời gian tới, sẽ có nhiều hình thức giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật, hàng giả trong đó sử dụng chip phân biệt hàng chính hãng là biện pháp đang được nhắm đến...
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Hội thảo
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo về bảo vệ người tiêu dùng và quyền sở hữu trí tuệ từ môi trường mạng đến thị trường của khu vực Châu Á Thái Bình Dương do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp cùng Hải quan Việt Nam và Hiệp hội chống hàng giả quốc tế REACT vừa được tổ chức sáng nay.

Hội thảo có sự góp mặt của đại diện nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới với mục đích giúp cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan nhận biết hàng thật, hàng giả.

Tại đây, đại diện của REACT Singapore cũng giới thiệu chip phân biệt hàng thật, hàng giả, dùng cho các sản phẩm có giá trị trên 1 triệu đồng với chi phí khoảng 20.000 đồng/chiếc.

Thương mại điện tử (TMĐT) thế giới phát triển bùng nổ những năm gần đây, năm 2019 doanh thu đã vượt 2.000 tỷ USD và có xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở nhiều quốc trên thế giới trong thời gian tới, trong đó Châu Á Thái Bình Dương sẽ là khu vực phát triển sôi động nhất.

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh khẳng định, TMĐT xuyên biên giới đang phát triển mạnh và trở thành xu hướng tất yếu trong thương mại toàn cầu. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia trong việc hợp tác thúc đẩy phát triển cũng như kiểm soát hoạt động này.

TMĐT phát triển mang lại nhiều lợi ích cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng mua sắm tiện lợi hơn, giá cả rẻ hơn, giúp doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí,… nhưng cũng mang lại nhiều thách thức cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hiệu quả để quản lý hoạt động TMĐT cũng như đối với công tác thực thi ngăn chặn các gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.

“Đang có những bất bình đẳng giữa việc kinh doanh trực tuyến (online) và kinh doanh theo phương thức truyền thống (offline) khi thực hiện công việc kinh doanh online đang rất đơn giản, dễ dàng. Do vậy, Bộ Công Thương cũng đang cố gắng xây dựng khung pháp lý hoàn thiện để mang lại sự bình đẳng cho 2 loại hình kinh doanh này cũng như bảo vệ hữu hiệu hơn quyền lợi của người tiêu dùng” - ông Linh cho biết.

Tại hội thảo, các cơ quan thực thi pháp luật, doanh nghiệp, hiệp hội trong khu vực cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đưa ra các giải pháp và sáng kiến hợp tác nhằm tăng cường kiểm soát, thực thi đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại thông qua môi trường TMĐT, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đọc thêm