Sẽ giảm thời gian nộp thuế xuống mức trung bình của nhóm nước ASEAN -6

(PLO) - Một trong những mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh mà Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ đề ra là thời gian nộp thuế phải giảm xuống mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm…
Bộ phận “một cửa” Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: MH
Bộ phận “một cửa” Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: MH
Đây là áp lực rất lớn đối với ngành thuế trong bối cảnh vừa đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách, vừa đảm bảo tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp. Xung quanh vấn đề này, PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Nam- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
So với Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng ban hành cách đây 3 năm (Quyết định 732/QĐ-TTg) thì mục tiêu Nghị quyết 19/NQ-CP đặt ra là mục tiêu của năm 2020 chuyển cho năm 2015. Ông có thể nói rõ hơn điều này?
- Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, theo đó một trong những mục tiêu cải cách quản lý thuế (QLT) là giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuế để phấn đấu đến năm 2015 Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế; đến năm 2020 đứng trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực. 
Thực hiện mục tiêu trên, những năm qua ngành thuế đã có nhiều nỗ lực, chú trọng cải cách đơn giản hoá chính sách, TTHC thuế tạo kiện kiện thuận lợi cho người nộp thuế (NNT), tuy nhiên so với mặt bằng chung các nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Tại báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế về môi trường kinh doanh năm 2014, Việt Nam đứng trong nhóm cuối các nước Asean… Qua phân tích, lý do chính dẫn tới mức độ xếp hạng chỉ tiêu nộp thuế của Việt Nam thấp là do chỉ tiêu thời gian nộp thuế của nước ta liên tục trong nhiều năm qua đều ở nhóm cao nhất so với các nước trong khu vực (trong đó thời gian thực hiện các thủ tục BHXH, BHYT, BHTN chiếm khoảng 40%). 
Vì vậy, để phấn đấu đạt được mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã đề ra và mục tiêu giảm thời gian nộp thuế xuống mức trung bình của nhóm các nước Asean-6 theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã tham mưu, trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung 7 Thông tư liên quan đến công tác QLT nhằm cải cách, đơn giản hoá TTHC thuế cho NNT (Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014). Đồng thời, tới đây Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu để Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung chính sách thuế theo hướng đơn giản, minh bạch; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, công chức thuế trong thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ, công chức theo tinh thần Chỉ thị 03/CT-BTC ngày 20/5/2014 của Bộ Tài chính.
Thưa ông, liên quan đến vấn đề cải cách TTHC, giảm số giờ nộp thuế, vấn đề đặt ra với những thủ tục rất thông thoáng đó, ngành thuế làm thế nào để kiểm soát được gian lận, chống thất thu?
- Mục tiêu của công tác QLT đối với bất kỳ cơ quan thuế (CQT) nào cũng là đạt được số thu tối ưu (các khoản thu thuế và các khoản thu khác) theo quy định của luật pháp với nguồn lực có hạn, đồng thời củng cố được niềm tin của NNT vào hệ thống QLT. Để đạt được điều đó, hầu hết các CQT trong thời gian gần đây đều thực hiện những chương trình cải cách chính sách và QLT để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho NNT trong tuân thủ tự nguyện và làm giảm chi phí quản lý cho CQT cũng như chi phí tuân thủ cho NNT. Do đó, Tổng cục Thuế đã xác định phải cải cách toàn diện trong hệ thống thuế bao gồm cả cải cách về cơ chế, cách thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. 
Ông Bùi Văn Nam
Ông Bùi Văn Nam
Theo thông lệ quốc tế, một cơ chế quản lý hiệu quả cụ thể là: Xây dựng và dần hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, thực hiện QLT theo rủi ro nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Quản lý rủi ro là quá trình nhận dạng, phân tích đánh giá và xử lý rủi ro phát sinh trong QLT nhằm mục tiêu đạt được lợi ích bền vững trong hoạt động quản lý. Đề xuất, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa các CQT địa phương trong nội bộ ngành và với các đơn vị quản lý ngoài ngành (như BHXH...) phục vụ công tác xác định và đánh giá rủi ro. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của CQT là áp dụng một mô hình quản lý cho phép giảm tỷ lệ trốn thuế, đồng thời giảm thiểu chi phí tuân thủ của NNT. Xu hướng chung của các CQT trên thế giới để tiến tới quản lý hiệu quả là thực hiện các chương trình tuân thủ nhằm tăng cường sự tuân thủ tự nguyện của NNT. Chương trình tuân thủ nhằm tối đa hoá số NNT lựa chọn cách tuân thủ bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho NNT hiểu và chấp hành nghĩa vụ, đồng thời đảm bảo có các biện pháp đề phòng cũng như xử lý thích đáng đối với những hành vi không tuân thủ.
Trong bối cảnh DN vẫn khó khăn, lại thêm những quy định tạo điều kiện thông thoáng cho DN, liệu mục tiêu thu ngân sách vượt trên 5% dự toán được giao có hoàn thành trong năm nay hay không, thưa ông? 
- Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 Quốc hội, Chính phủ giao là 624.200 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 85.200 tỷ đồng; thu nội địa là 539.000 tỷ đồng. Toàn ngành Thuế triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2014 trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN vẫn còn khó khăn; số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động còn cao (9 tháng đầu năm tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013); tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu hiệu quả chưa cao; đặc biệt, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5/2014 đến ngày 15/7/2014 đã ảnh hưởng đến tình hình SXKD của DN tại một số địa phương, trong đó một số ngành chịu tác động lớn như hàng không, du lịch, cao su,... Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn về thuế GTGT và các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN, đã ảnh hưởng làm giảm nguồn thu ngân sách trong năm 2014.
Tuy nhiên, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; đặc biệt ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014, vì vậy kinh tế nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực: Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước (GDP bình quân 9 tháng tăng 5,62% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: quý I tăng 5,09%, quý II tăng 5,42%, quý III tăng 6,19%); lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm; sản xuất công nghiệp trên đà phục hồi, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục có xuất siêu; giải ngân ODA và vốn FDI tiếp tục được thúc đẩy; một số ngành hàng trọng điểm thu vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng sản xuất kinh doanh như ô tô, viễn thông, dầu khí, than, lọc hóa dầu,... Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường công tác QLT, khai thác tăng thu, đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC thuế, tháo gỡ khó khăn cho DN trong SXKD, tăng cường quản lý chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế,... nhờ đó thu NSNN 9 tháng năm 2014 đã đạt được kết quả đáng khích lệ, cụ thể:
Tổng số thu do CQT quản lý 9 tháng năm 2014 ước đạt 81,3% so với dự toán, bằng 116,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: Thu từ dầu thô ước đạt 93,6% so với dự toán, bằng 101,3% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 79,4% so với dự toán, bằng 120,1% so với cùng kỳ, không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại ước đạt 77,5% so với dự toán, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều đạt khá so với dự toán và tăng trưởng thu so với cùng kỳ như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 77,4% dự toán, tăng 35,2% so cùng kỳ (chủ yếu do thu được khoảng 32,5 nghìn tỷ đồng khoản thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, cùng kỳ chưa phát sinh); thu từ khu vực DN FDI ước đạt 82,1%, tăng 17,1%; thu từ khu vực CTN-NQD ước đạt 77,9%, tăng 9,5%; tiền sử dụng đất ước đạt 81,6%, tăng 37,9%;... Có trên 73% số địa phương thu đạt trên mức 75% so với dự toán.
Với những kết quả đã đạt được nêu trên, trong những tháng cuối năm CQT các cấp sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong công tác quản lý; triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp quản lý thu đã đề ra từ đầu năm, trong đó thường xuyên theo dõi, phân tích diễn biến tình hình thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, đôn đốc thu kịp thời vào NSNN năm 2014 đối với một số khoản thu lớn như dầu khí, cổ tức và lợi nhuận còn lại,... phấn đấu hoàn thành vượt trên 5% dự toán thu NSNN năm 2014 đã được giao.
Xin trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm