“Siết” kỷ luật, kỷ cương đối với quản lý trụ sở công

(PLO) - Đại diện Cục Quản lý Công sản (QLCS), Bộ Tài chính cho biết, tới đây trụ sở dôi dư, sử dụng không đúng quy định được xử lý theo các hình thức: thu hồi, điều chuyển cho các đơn vị đang thiếu, bán; Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm...
Trụ sở Bộ Tài chính
Trụ sở Bộ Tài chính

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 5/2018, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành 2 Nghị định gồm: Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước; Nghị định 81/2018/NĐ- CP ngày 18/5/2018 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện Báo cáo kiểm kê, đánh giá nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng KT-XH. Cũng trong tháng 5/2018, Bộ Tài chính đã phê duyệt theo thẩm quyền phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với 36 cơ sở nhà đất của các đơn vị thuộc TW quản lý trên địa bàn các tỉnh, TP.

Để quản lý việc đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp (Quyết định 147/1999/QĐ-TTg ngày 05/7/1999, Quyết định 260/2006/QĐ-TTg ngày 14/11/2006, Quyết định 23/2012/QĐ-TTg ngày 31/5/2012).

Xuất phát từ thực tế sử dụng nhà, đất lãng phí, kém hiệu quả, nhằm khai thác có hiệu quả quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2001/QĐ- TTg ngày 24/5/2001 thí điểm thực hiện sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP HCM. Trên cơ sở kết quả thí điểm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 áp dụng việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước.

Tiếp đó, để khắc phục tình trạng quản lý, sử dụng trụ sở, công sở chưa hiệu quả, gây lãng phí đất đai trong khi nhiều cơ quan gặp khó khăn về nơi làm việc, phải đi thuê thêm diện tích làm việc, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng mới trụ sở làm việc, đưa vào sử dụng phải thực hiện việc bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho cơ quan có thẩm quyền chậm nhất là sau 30 ngày hoàn tất việc chuyển ra trụ sở mới.

Theo ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục QLCS, việc thực hiện các chính sách trên đã đạt được các kết quả quan trọng: nắm được tổng thể trụ sở làm việc, tổng số nhà, đất đã được phê duyệt phương án là 128.256 cơ sở nhà, đất với diện tích đất là 1.989.813.742 m2 , diện tích nhà là 118.202.686 m2 ; trong đó, giữ lại tiếp tục sử dụng là 117.579 cơ sở, chuyển giao chính sách nhà ở, đất ở là 621 cơ sở, điều chuyển là 2.785 cơ sở, bán là 3.036 cơ sở, thu hồi 641 cơ sở, chuyển mục đích sử dụng đất 402 cơ sở, di dời là 80 cơ sở và phương án khác là 3.155 cơ sở nhà, đất. 

Quan trọng hơn, việc thực hiện các chính sách về quản lý tài sản công (TSC) đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan hành chính sự nghiệp trong việc quản lý, sử dụng trụ sở, cơ bản các trụ sở đã được sử dụng đúng mục đích; Đồng thời tạo quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng; đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ... góp phần chỉnh trang đô thị mang lại hiệu quả KT-XH và tạo nguồn thu cho NSNN; Khai thác được nguồn lực tài chính từ đất đai cho đầu tư hiện đại hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo đại diện Cục QLCS, thực tế triển khai vẫn còn một số tồn tại như: các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà đất dôi dư so với tiêu chuẩn, định mức; sử dụng lãng phí, bỏ trống, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Việc khắc phục tình trạng sử dụng trụ sở làm việc, nhà, đất sai quy định diễn ra còn chậm, kéo dài, thiếu chế tài xử lý từ khâu chính sách đến tổ chức thực hiện; một số bộ, ngành không thực hiện bàn giao lại trụ sở cũ khi xây dựng trụ sở mới.

Triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC, Chính phủ ban hành Nghị định 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (thay thế Quyết định 09/2007/QĐ- TTg).

Lãnh đạo Cục QLCS cho biết, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương sẽ phải khẩn trương ban hành định mức sử dụng diện tích chuyên dùng trong trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp để làm cơ sở đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, bố trí sử dụng, xử lý nhà, đất.

“Các bộ, ngành, địa phương khi đầu tư xây dựng, sử dụng trụ sở làm việc phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, định mức; trong đó đối với diện tích chuyên dùng (bao gồm cả công trình sự nghiệp) phải được ban hành tiêu chuẩn, định mức theo quy định; cơ quan quản lý TSC sẽ thực hiện việc kiểm soát áp dụng tiêu chuẩn, định mức từ khâu thiết kế dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc...”- ông Thắng lưu ý.

Đồng thời, để các cơ quan, đơn vị sử dụng đúng định mức, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, theo đó trụ sở dôi dư, sử dụng không đúng quy định được xử lý theo các hình thức: thu hồi, điều chuyển cho các đơn vị đang thiếu, bán… Việc bán nhà, đất thực hiện theo hình thức bán đấu giá, trường hợp bán chỉ định nhà, đất phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

“Do vậy, các sai phạm trong việc sử dụng trụ sở sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ được xử lý; đồng thời, thu nộp ngân sách đối với các khoản thu từ sử dụng trụ sở làm việc để cho thuê, liên doanh, liên kết sai quy định. Các quy định trên sẽ góp phần sử dụng trụ sở làm việc được tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát TSC...”- Lãnh đạo Cục QLCS nhấn mạnh.

Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, ngày 07/5/2018 Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã ban hành Kế hoạch 643/KH-KTNN thực hiện nhiệm vụ năm 2018 theo Chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng để cụ thể hóa các nhiệm vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Theo kế hoạch này, KTNN chú trọng vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đầu tư theo hình thức BOT, BT; quản lý vốn chủ sở hữu, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu DN nhà nước...

Đọc thêm