Siêu thị Sakura Việt Nam sai phạm: Đại diện Sakura Việt Nam khoe “chưa từng bị lập biên bản”!

(PLO) -Bất chấp quy định của pháp luật, bày bán công khai hàng loạt hàng hóa có vi phạm tại nhiều cửa hàng của hệ thống siêu thị Sakura Việt Nam. Thế nhưng, khi tiếp nhận những phản ánh của PV, đại diện Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định, đơn vị chưa bao giờ bị lực lượng quản lý thị trường "sờ gáy" và nếu có sai sót là do.... "nhân viên"?
Vì lợi nhuận mà siêu thị Sakura Việt Nam (thuộc Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam) đã bất chấp pháp luật, thách thức lực lượng chức năng dẫn đến sai phạm mang tính hệ thống?
Vì lợi nhuận mà siêu thị Sakura Việt Nam (thuộc Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam) đã bất chấp pháp luật, thách thức lực lượng chức năng dẫn đến sai phạm mang tính hệ thống?

Có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế?

Trước đó Báo PLVN đã phản ánh hàng loạt những vi phạm về nhiều mặt hàng kinh doanh tại siêu thị hàng Nhật nội địa Sakura Việt Nam (gọi tắt là siêu thị Sakura). Để làm rõ hàng loạt những dấu hiệu sai phạm tại nhiều cơ sở của siêu thị Sakura, PV đã đến đặt lịch làm việc với Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam. Tiếp PV là bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Marketting và nhân viên.

Trước những phản ánh của PV về hàng loạt những vấn đề bất cập liên quan đến các sản phẩm được quảng cáo là “hàng Nhật nội địa” và đang bày bán tại siêu thị Sakura, bà Trang tỏ ra bất ngờ và khẳng định chắc nịch rằng đơn vị không hề phát hiện ra sai phạm?

“Công ty có bộ phận từng ngày đi kiểm soát hàng tồn, kiểm tra xem bày hàng có đúng hay không. Nếu phát hiện ra (việc không dán tem nhãn phụ tiếng Việt-PV) thì bọn mình đã kỷ luật nhân viên rồi. Bây giờ em nói thì chị mới biết mặc dù qua hình ảnh, kiểm tra thực tế không phát hiện ra”, bà Trang ngạc nhiên nói.

Tuy nhiên, bà Trang đã quên mất rằng tại nhiều cửa hàng của hệ thống siêu thị Sakura đang có rất nhiều hàng hóa đang vi phạm về nhãn mác nhưng vẫn "ung dung" nằm trên kệ hàng. Có thể kể đến một số lỗi vi phạm tại các cơ sở siêu thị Sakura như: Bán hàng hóa được quảng cáo là hàng nhập khẩu nhưng nhiều sản phẩm không hề dán tem nhãn phụ tiếng Việt.

Nhiều mặt hàng được dán tem nhãn phụ nhưng không hề có bất cứ thông tin gì lên quan đến sản phẩm và đơn vị nhập khẩu, phân phối hàng hóa. Theo đó, thông tin trên tem nhãn phụ của những sản phẩm này chỉ ghi dòng chữ “Xuất xứ Nhật Bản”.

Khoản 4, Điều 49, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì Đối với hành vi thông tin với nội dung không rõ ràng về TPCN và sản phẩm không phải là thuốc khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy tài liệu, phương tiện vi phạm.

Điều 70, Nghị định 158/2013/NĐ-CP, hành vi quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây. Ngoài mức phạt tiền, các đơn vị vi phạm buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi vi phạm.

Ngoài ra, tại hệ thống siêu thị Sakura còn có nhiều hàng hóa gắn mác “Made in China”, Made in Malaysia” và chằng chịt những dòng chữ giống chữ Nhật. Những mặt hàng này không hề có bất kỳ một tem nhãn phụ tiếng Việt nào trên bao bì. Trong khi người tiêu dùng biết đến siêu thị Sakura Việt Nam là đơn vị chuyên bán "hàng Nhật nội địa".

Bên cạnh đó, một dòng sản phẩm nhập khẩu rất khắt khe trong việc phải đảm bảo các điều kiện trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường là thực phẩm chức năng (TPCN) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, một điều hết sức nguy hiểm đó là việc siêu thị Sakura còn “nổ” rằng những sản phẩm TPCN đó có khả năng “chữa bệnh ung thư” (ghi trên tem nhãn phụ TPCN ORIHIRO Sụn vi cá mập Squalone, 360 viên).

Từ những phản ánh của PV, đại diện đơn vị này cũng lý giải việc trên tem nhãn phụ của sản phẩm chỉ ghi “Xuất xứ là Nhật Bản” rằng: “Tất cả các sản phẩm trên những tem thật của sản phẩm (như dầu gội đầu) thì đằng sau nó in tất cả các thông điệp của sản phẩm bằng tiếng Nhật rồi. Khi đơn hàng của chúng tôi đưa ra nước ngoài, xuất xứ của người ta ghi như thế nào thì mình chỉ được phép ghi như thế thôi. Chúng tôi không thể sáng tác thêm được. Các giấy tờ hải quan ghi là Nhật Bản, chúng tôi cũng chỉ có thể ghi nguồn gốc xuất xứ ở Nhật Bản thôi”.

Về hàng gắn mác “Made in China” hay Malaysia,...cũng "bỏ quên" tem nhãn phụ đại diện Sakura Việt Nam lý giải do đây là hàng được gia công tại nước thứ 3, tuy nhiên những hàng hóa này đều được công ty nhập khẩu trực tiếp từ nước Nhật Bản.

Thế nhưng, nếu đúng là như vậy thì trên những sản phẩm đó cũng phải thể hiện đầy đủ thông tin về sản phẩm, đơn vị nhập khẩu và phân phối hàng hóa. Bằng không, nếu chỉ nhìn vào những dòng chữ nước ngoài trên, người tiêu dùng không thể biết bất kỳ một thông tin gì về nguồn gốc, công dụng, hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm đó. Và đương nhiên họ có quyền đặt câu hỏi rằng những sản phẩm đó có phải là hàng nhập khẩu chính hãng hay là hàng giả, hàng nhập lậu, trốn thuế?

Trước những dẫn chứng về hàng loạt hàng hóa vi phạm trên thì bà Trang lại vội vàng quay sang giải thích: “Cũng khó tránh khỏi một vài trường hợp nhưng không thể nhiều được. Chắc đợt này do bọn mình vừa tổ chức hội chợ xong, số lượng bán tương đối nên nhân viên chưa dán kịp thôi. Chị sẽ kiểm tra lại...”.

Hàng loạt hàng hóa có vi phạm bày bán tại các cửa hàng của siêu thị Sakura Việt Nam
Hàng loạt hàng hóa có vi phạm bày bán tại các cửa hàng của siêu thị Sakura Việt Nam

..."Nổ" là số 1 và tuyên bố "chưa bao giờ bị xử lý”?

Mặc dù tiếp nhận từ PV về những sai phạm có hệ thống tại nhiều cửa hàng của siêu thị Sakura, thế nhưng bà Trang vẫn cố gắng chứng minh công ty hoạt động kinh doanh rất "tuân thủ pháp luật". Bà Trang tiết lộ, từ trước đến nay lực lượng quản lý thị trường có kiểm tra và chỉ phát hiện những “lỗi nhỏ” (như dán tem nhãn phụ, đèn chiếu sáng,...) và công ty chỉ bị nhắc nhở. Sau đó, phía đơn vị này đã xử lý ngay và “chưa bao giờ bị lập biên bản”?.

“Tất cả bọn chị đều tuân thủ đầy đủ hết, bình thường các anh quản lý thị trường vào bên chị thì các anh cũng không comment (bình luận-PV) được gì cả”, bà Trang tự tin nói. Sau một hồi thao thao bất tuyệt về việc chấp hành đúng quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh của đơn vị mình, bà Trang chốt lại: “Nếu bị nhắc nhở mà vẫn vi phạm thì đương nhiên mình bôi nhọ uy tín của mình rồi”.

Chúng ta có thể thấy, Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ ràng trong việc kinh doanh các hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, pháp luật quy định rất rõ ràng đối với những sản phẩm TPCN nhập khẩu và đảm bảo đầy đủ các điều kiện trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường nội địa. Theo đó, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu.

Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung: Tên hàng hóa; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa…; kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường. Với lương thực, nhãn hàng hóa bắt buộc phải có định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo (nếu có);...

Bên cạnh đó, quy định về việc dán tem nhãn phụ và quảng cáo công dụng của TPCN cũng rất đầy đủ, rõ ràng. Cụ thể, Điều 7, Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định: “1. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo. 2. Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường.”

Đồng thời, Khoản 4, Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo quy định: “Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.

Quy định là vậy, thế nhưng Sakura Việt Nam vẫn “phớt lờ” và bày bán công khai hàng hóa vi phạm trên kệ hàng. Điều đáng nói, vị Giám đốc Maketting - đại diện Sakura Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định “không phát hiện ra sai phạm” và tuyên bố công ty chưa hề bị lực lượng quản lý thị trường "xử lý". Trong khi trên thực tế, tình trạng trên đã diễn ra từ lâu và những sai phạm này mang tính hệ thống.

Tại buổi trao đổi, PV cũng đề nghị phía siêu thị Sakura cung cấp thêm thông tin liên quan đến hóa đơn chứng từ nhập khẩu của một số sản phẩm, TPCN để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tuy nhiên, đại diện công ty đã từ chối cung cấp vì lý do “bộ phận khác quản lý” và hẹn sẽ thông tin lại sau. Tuy nhiên, sau đó mặc dù PV đã nhiều lần liên hệ lại nhưng không nhận được sự phản hồi từ phía đơn vị này.

Vậy, những lời khẳng định chắc “như đinh đóng cột” từ phía người đại diện của Sakura Việt Nam về việc công ty luôn chấp hành đúng quy định pháp luật có đúng hay không? Thực tế hàng hoá nhập khẩu được bày bán tại hệ thống siêu thị Sakura Việt Nam (thuộc Công ty TNHH quốc tế Sakura Việt Nam) có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay không và trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường TP.Hà Nội ở đâu khi hàng loạt những sai phạm mang tính hệ thống ấy vẫn ngang nhiên diễn ra?

Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.

Đọc thêm