“Siêu” Tổng Công ty hướng tới mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ

(PLVN) - Doanh thu vượt 15% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế vượt 36% kế hoạch, nộp ngân sách gấp 2,7 lần so với kế hoạch… Kết quả kinh doanh năm 2020 khích lệ Tổng Công tư Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tự tin hướng đến mô hình kinh tế mới.
Năm 2021, SCIC thúc đẩy triển khai dự án đầu tư vào Vietnam Airlines. (Ảnh minh họa)
Năm 2021, SCIC thúc đẩy triển khai dự án đầu tư vào Vietnam Airlines. (Ảnh minh họa)

Nỗ lực vượt khó, lãi lớn trong “năm Covid”

Trao đổi với báo chí về kết quả hoạt động năm 2020, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc SCIC cho biết, đến ngày 31/12/2020, doanh thu của SCIC ước đạt 7.945 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.588 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.197 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch.

Đáng chú ý, năm 2020 trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước rất khó khăn, “siêu” Tổng Công ty đã nộp ngân sách ước đạt 9.337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kế hoạch (Bao gồm: trên 5.000 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế năm 2020, 300 tỷ đồng từ thuế thu nhập DN, 315 tỷ đồng nộp Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển DN từ khoản bán vốn tại DN thuộc Thông báo 281/TB-VPCP và 3.722 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển năm 2018, 2019).

Đặc biệt, công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN cũng đạt được kết quả ấn tượng khi chỉ trong một thời gian ngắn, SCIC đã tiếp nhận 7/14 DN với tổng vốn nhà nước là 8.306/13.246 tỷ đồng vốn nhà nước. Có được kết quả đó, SCIC thường xuyên bám sát làm việc với các bộ, ngành đề nghị phối hợp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các DN còn lại chưa hoàn thành bàn giao. 

Tính đến hết tháng 12/2020, danh mục các DN do SCIC quản lý có 145 DN với giá trị vốn nhà nước 39.199 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 124.168 tỷ đồng. Trong năm 2020 SCIC tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các DN trong danh mục, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn, các DN mới tiếp nhận có tình hình tài chính phức tạp. Đồng thời chỉ đạo người đại diện phối hợp với DN tập trung phòng chống dịch, tháo gỡ khó khăn đảm bảo nguồn lực cho sản xuất, duy trì ổn định tình hình sản xuất kinh doanh.

Theo Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành, mặc dù năm 2020 ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế trong và ngoài nước, đến thị trường chứng khoán, đầu tư... nhưng SCIC đã thoái vốn thành công ở 10 DN thu được 1.521 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giá vốn, chênh lệch bán vốn là 920 tỷ đồng, doanh thu bán vốn ghi nhận đạt 82% so với kế hoạch. “Nhìn chung, công tác thoái vốn nhà nước tại DN của SCIC đã được triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, đạt được hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước...”  - ông Thành đánh giá. 

Trong năm qua, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định 32/2018/NĐ-CP; trong đó, một số kiến nghị của SCIC đã được tiếp thu: áp dụng cơ chế đặc thù về bán vốn; bán vốn tại các DN đường bộ, đường sông; không hạn chế lĩnh vực đầu tư...

Về thương vụ đầu tư vào Vietnam Airlines, theo Tổng Giám đốc SCIC, đây là cơ hội và theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã cho phép Ngân hàng Nhà nước cấp vốn, gia hạn để các ngân hàng cho Vietnam Airlines vay, đồng thời SCIC được chỉ định tham gia đợt tăng vốn của hãng hàng không này. “SCIC sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác đầu tư vào Vietnam Airlines theo thẩm quyền…” - ông Thành khẳng định.

Sẽ bán vốn tại doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ

Một năm thành công nhưng tính toán cho chặng đường của năm 2021, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Chí Thành là không hề đơn giản do dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. “Căn cứ chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN (CMSC), kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 SCIC làm sao vừa phải tính toán đến mục tiêu phát triển chung, vừa phải đánh giá các yếu tố khách quan khó lường để đảm bảo tính khả thi” - ông Thành chia sẻ.

Trả lời PLVN về mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ mà “siêu” Tổng Công ty này đang hướng đến, ông Thành cho biết, SCIC sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược Phát triển SCIC giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2035. Đồng thời chủ động triển khai xây dựng báo cáo Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC thành Quỹ đầu tư Chính phủ. “Hy vọng trong năm 2021 này sẽ được Chính phủ thông qua” - ông Thành nói.

Tổng Giám đốc SCIC cũng cho biết, bên cạnh việc tăng cường quản trị đối với các DN quy mô lớn, có vốn nhà nước chi phối và có vai trò quan trọng trong danh mục của SCIC, trong năm 2021, SCIC tiếp tục triển khai bán vốn tại các DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ.

“Về đầu tư, SCIC sẽ ưu tiên xem xét các cơ hội đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm mà Nhà nước cần tập trung đầu tư và nắm giữ chi phối; đồng thời, đảm bảo năng lực tài chính của SCIC và hiệu quả đầu tư theo nguyên tắc thị trường…” - Tổng Giám đốc SCIC cho biết.

“Đối với dự án đầu tư vào Vietnam Airlines theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, SCIC sẽ tiếp tục phối hợp làm việc với Vietnam Airlines và báo cáo CMSC cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thúc đẩy việc triển khai giải ngân đầu tư đảm bảo thận trọng, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật” - Tổng Giám đốc SCIC nói.

Đọc thêm