Số liệu thống kê Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm 2019: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài lập kỷ lục

(PLVN) - Diễn biến khó lường của dịch tả lợn Châu Phi là nguyên nhân chính khiến cho mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm giảm mạnh. Tuy nhiên, tổng sản phẩm trong nước vẫn tăng khá do thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục trong 6 tháng qua. Đó là một vài điểm nhấn trong cuộc họp thông tin về thống kê kinh tế - xã hội do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng qua, 28/6/2019. 
Vốn từ khu vực FDI tăng kỷ lục
Vốn từ khu vực FDI tăng kỷ lục

Giảm mức tăng trưởng ở tất cả các khu vực 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước 6 tháng qua ước đạt 6,76%, thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp nhất. Một trong những nguyên nhân được đưa ra lý giải cho mức tăng thấp này là diễn biến khó lường của dịch tả lợn Châu Phi khiến cho sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng qua giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp - thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết, tính đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở 60/63 tỉnh, thành. Theo dự đoán, sản lượng thịt lợn trong quý III và quý IV sẽ giảm nhanh hơn mức giảm đầu năm. Sản lượng lợn 2019 sẽ giảm từ 10-20%, thậm chí là 30% nếu không khống chế được dịch. 

Ông Hiếu cũng cho biết, hiện hoạt động chăn nuôi lợn chiếm 10% giá trị của ngành chăn nuôi. Cứ 10% chăn nuôi giảm thì sẽ giảm 1% trong ngành nông nghiệp thủy sản nên dự báo 6 tháng cuối năm tình hình phát triển nông nghiệp sẽ khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải thêm, do dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng nên ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao. Điều này phần nào hạn chế được mức giảm tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. 

Ngoài mức giảm chung của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, các khu vực còn lại như ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khu vực dịch vụ… cũng giảm so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018. Một điểm sáng duy nhất tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái là ngành khai khoáng với mức tăng 1,78% (sau 3 năm giảm liên tục). Nguyên nhân là do khai thác dầu thô có mức giảm thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh việc khai thác than và quặng, kim loại đều tăng cao.  

Vốn từ vùng lãnh thổ Hongkong và Trung Quốc tăng mạnh

Theo số liệu thống kê, thu hút vốn FDI trong 6 tháng qua đạt kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với 7,4 tỷ USD (cả năm 2018 đạt mức 8,4 tỷ USD) đưa tổng số vốn cấp mới và tăng thêm sau 6 tháng đầu năm đạt hơn 10,3 tỷ USD. 

Số liệu thống kê cũng cho biết, tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và phần góp vốn mua cổ phần chiếm nhiều nhất là từ vùng lãnh thổ Hongkong và Trung Quốc với 7,5 tỷ USD, trong đó Hongkong chiếm 5,3 tỷ USD. Đây là con số được đánh giá là đột biến khi cả năm 2017 con số này chỉ dừng lại ở mức 3,7 tỷ USD, năm 2018 tăng lên thành 5,8 tỷ USD. 

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) cho biết, với phần tăng đột biến này, Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Cụ thể, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào có thể khiến Việt Nam trở thành nơi cứ điểm hàng hóa để doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu. Điều này vô tình làm cho Việt Nam vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa và Mỹ có thể xem xét để khởi kiện Việt Nam trong vấn đề lẩn tránh thuế chống bán phá giá. 

Thêm nữa, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào cũng sẽ tạo nên các áp lực cho doanh nghiệp trong nước. Thời gian vừa qua Việt Nam đạt được nhiều thỏa thuận về thương mại, tuy nhiên nếu doanh nghiệp Việt không chuẩn bị tốt, cạnh tranh không tốt thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi. Ngoài ra, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra phức tạp, theo ông Phong, trong thời gian tới có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, nhằm bảo hộ hàng hóa xuất khẩu cho Trung Quốc. Do vậy Việt Nam cần xây dựng kịch bản để theo dõi, đánh giá để dễ dàng xử lý.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ, trong việc thu hút vốn FDI, Việt Nam chủ trương bình đẳng với tất cả doanh nghiệp. Với các dòng vốn lớn Việt Nam vẫn ưu tiên các dự án trọng điểm, phát triển tốt về mặt môi trường, về mặt kinh tế và định hướng dòng vốn FDI vào những ngành mà Việt Nam đang cần trong thời gian tới.

Đọc thêm