Sống khỏe với làng nghề

(PLVN) - Với sự đồng hành của vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều làng nghề truyền thống ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã được người dân giữ gìn và phát triển.
Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình anh Nguyễn Đức Đổi (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) đầu tư máy móc, phát triển nghề truyền thống, có việc làm và thu nhập ổn định
Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình anh Nguyễn Đức Đổi (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) đầu tư máy móc, phát triển nghề truyền thống, có việc làm và thu nhập ổn định

Ly nông không phải ly hương

Khi chúng tôi tới thăm, vợ chồng anh Nguyễn Đức Đổi – chị Nguyễn Thị Thu (ở thôn Trần Phú, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đang cần mẫn mài uốn các thanh nan lồng chim trong tiếng máy rộn ràng. Thanh Oai nổi tiếng là huyện có nhiều làng nghề, trong đó, xã Dân Hòa có nghề truyền thống làm lồng chim nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. 

Vừa thoăn thoắt mài, uốn, anh Đổi vừa kể, có lúc làng nghề cũng thăng trầm, nhưng gần đây, làng nghề khôi phục được rồi và đang trên đà phát triển. Anh chị và các con có thể yên tâm làm nghề, mưa không tới mặt nắng chẳng tới đầu mà không lo đọng hàng vì đến đâu hết đến đó, có mùa làm không đủ bán. Nguyên vật liệu có nhà cung cấp đưa tới tận làng và hàng hóa làm ra có người về tận nhà đưa đi.

“Cũng như các làng nghề truyền thống khác, bên cạnh đầu ra cho sản phẩm, việc làm và giữ nghề cha ông của chúng tôi cũng bị vướng ở vốn cho nguyên vật liệu và vốn cho đầu tư  máy móc” – anh Đổi kể - “Ví như nguyên liệu phải mua đúng mùa, vừa được giá rẻ hơn và chất lượng cũng tốt hơn và đương nhiên hiệu quả sản xuất cũng cao hơn”.

Chính vì thế, có vốn đúng thời điểm, đáp ứng trúng nhu cầu là rất quan trọng mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Thanh Oai lại đáp ứng được điều đó. Nhờ có nguồn vốn chính sách ưu đãi, từ 30 triệu đồng vay chương trình giải quyết việc làm, gia đình anh Đổi đã đầu tư mua máy móc, nguyên liệu làm nghề thủ công, gia đình có việc làm, thu nhập ổn định. Làm nghề truyền thống cho thu nhập mỗi người trong gia đình hơn 10 triệu đồng một tháng” – anh Đổi cho biết – „Tôi mong tới đây được vay ưu đãi chừng 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất ổn định hơn”.

Cũng ở Dân Hòa, gia đình chị Trần Thị Xoa có điều kiện mở rộng sản xuất hàng thủ công, gia đình có việc làm, tăng thu nhập cùng với sự đồng hành của vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm. Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hiệp (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai) vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng kết hợp vốn của gia đình để đầu tư cải tạo nhà xưởng, mua máy may gia công hàng may mặc, ổn định việc làm và thu nhập cho 22 lao động.

Sao sát từng hộ dân

Ở Thanh Oai, cán bộ NHCSXH không chỉ là người lao động của tổ chức là “công cụ an sinh” của Chính phủ, mà là con, là cháu, là người thân của từng hộ dân, từng thôn xã nơi đây. Chính vì thế, có gia đình giỗ chạp cưới xin cũng nhất định gọi cán bộ tín dụng đến và trong các hoạt động của xã thôn đều có bóng dáng của người làm tín dụng chính sách.

Bà Nguyễn Thị Thu – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cao Dương (Thanh Oai) cho hay, hoạt động tín dụng chính sách không chỉ là một hoạt động thường xuyên của Hội, mà chị em còn xác định đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm và vinh dự của cán bộ phụ nữ đối với hội viên, với sự phát triển của địa phương.

Quý I năm 2019 mới đây, NHCSXH Thanh Oai đạt doanh số cho vay là 48,66 tỷ đồng với 1.445 lượt hộ khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ là 28,083 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2019, tổng dư nợ 9 chương trình vay vốn đạt hơn 314,8  tỷ đồng, 10.720 hộ vay, tăng 20,57 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ đến 31/3/2019 ủy thác qua 4 tổ chức hội nhận ủy thác (Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên) thực hiện tại 293 Tổ Tiết kiệm và vay vốn là 310,667 tỷ đồng, chiếm 98,7% tổng dư nợ quản lý, với 10.639 khách hàng vay vốn.

Hầu hết hộ vay đều được bình xét đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế, khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.

Cùng với hoạt động cho vay, Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện cùng các cấp hội, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn và các ban, ngành chức năng của huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đến hạn và nợ quá hạn, hạn chế tình trạng nợ phát sinh. Hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch xã, thị trấn tiếp tục được triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định. Tỷ lệ giao dịch tại xã chiếm trên 90% hoạt động của phòng giao dịch. Công tác họp giao ban và công khai các chính sách, danh sách hộ vay tại điểm giao dịch xã, thị trấn được ngân hàng duy trì thực hiện đảm bảo quy định.

Quý II/2019, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đồng thời kịp thời tham mưu UBND huyện phân bổ chỉ tiêu kế hoạch năm 2019; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.

Đọc thêm