Sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập: “Thường nói quá lên để khi phê duyệt bớt đi là vừa!”

(PLO) - Đó là phát biểu của đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí khi Quốc hội (QH) thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) diễn ra hôm qua (29/5).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình, làm rõ thêm những vấn đề liên quan đại biểu nêu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình, làm rõ thêm những vấn đề liên quan đại biểu nêu

Phải giám sát việc cho thuê tài sản công

Liên quan đến việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập được đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất mà dùng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê liên doanh và liên kết, theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), đây là vấn đề rất dễ lợi dụng và nảy sinh tiêu cực.

“Trong tình hình mà nguồn ngân sách nhà nước qua bộ, qua các tỉnh còn rất hạn hẹp, nhưng nhu cầu của các đơn vị trực thuộc rất lớn, bởi vậy xu hướng chung thường nói quá lên, xin quá lên để khi phê duyệt, họ bớt đi là vừa”, ĐB Trí nói và cho rằng việc này đã trở thành một “văn hóa” rất phổ biến khi làm dự trù hiện nay. Đó là chưa kể với cơ chế chủ yếu là xin — cho, thì khi có mói quan hệ thân quen, người nhà và thậm chí “sân sau” thì được phân bổ nhiều hơn. ĐB Trí đề nghị QH nên tổ chức giám sát để có căn cứ đề xuất Chính phủ có biện pháp chấm dứt việc này, vì đây thực sự là một sự lãng phí và rất mất công bằng. 

Đồng quan điểm, ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, cần cân nhắc luật hóa cho phép tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ, cho thuê liên doanh liên kết. Lý giải điều này, ĐB Tuấn phân tích, việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào các mục đích này chịu sự ảnh hưởng bởi các quy luật thị trường và có khả năng bị mất vốn do kinh doanh thua lỗ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.

“Theo tôi, quan trọng là cần thiết lập một cơ chế tài chính hiệu quả cùng với quy trình giám sát chặt chẽ nguồn thu - chi từ việc cho thuê khai thác tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập”- ĐB Tuấn nêu quan điểm.

Cho rằng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp rất đa dạng, chính vì thế ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng ý với quy định tại dự thảo là giao cho Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc hướng dẫn cho thuê liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, dự thảo cần bổ sung một nội dung đó là việc cho thuê và liên doanh, liên kết phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, không làm lộ bí mật nhà nước, thông tin của các tổ chức, cá nhân.

“Đặc biệt, đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cần quy định rõ khi sử dụng các loại tài sản này vào mục đích cho thuê liên doanh, liên kết cần khống chế thời gian cho thuê và hợp tác”, ĐB Cảnh nói.

Biếu, tặng tài sản có giá trị: xử lý cả người nhận

Vấn đề biếu, tặng ô tô và các tài sản có giá trị khác của cá nhân cho chính quyền vẫn là một trong những chủ đề “nóng”, mặc dù tại Kỳ họp thứ 2 cũng đã khá nhiều ĐB bày tỏ quan điểm. ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, trong điều kiện đất nước ta còn những khó khăn, việc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng xe ô tô và các loại tài sản khác cho các cơ quan, tổ chức trong nước là một việc làm cần được ghi nhận, nhất là các loại xe chuyên dụng phục vụ công cộng, như xe cứu thương, xe chuyên dụng phòng, chống bão lụt v.v... và tài sản đó đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân, vấn đề đặt ra ở đây là động cơ, mục đích tặng, cho có trong sáng hay không?

Đề cập đến hành vi nhận tài sản cho - biếu - tặng, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị cần phải xử lý cả hành vi nhận. “Trên thực tế, hành vi nhận mới là hành vi tiền đề của sử dụng. Ví dụ, Chủ tịch một tỉnh quyết định nhận tài sản nhưng sau đó về giao cho một đồng chí Ủy viên Thường vụ khối Đảng cấp tỉnh sử dụng. Trong trường hợp này là xử lý người sử dụng mà không xử lý người nhận. Cho nên tôi đề nghị xử lý cả người nhận, đồng thời nên bỏ từ “biếu” mà chỉ dùng chung là “cho, tặng” vì từ “cho, tặng” mới phù hợp với Bộ luật Dân sự. Từ “biếu” mang ý nghĩa đạo đức và ứng xử nhiều hơn nên tôi nghĩ trong luật không nên dùng từ “biếu””, ĐB Hiểu nói.

Báo cáo, làm rõ vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xin ghi nhận và sẽ gửi ý kiến của các ĐB đến cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh luật để báo cáo với QH.

Liên quan đến vấn đề sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn và định mức chế độ quy định. Theo Bộ trưởng Dũng, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc quản lý tài sản công tại cơ quan tổ chức, đơn vị là phải tuân thủ theo tiêu chuẩn và định mức. Và thời gian vừa qua, một số trường hợp gây bức xúc trong dư luận khi xảy ra tình trạng nhận ô tô đắt tiền để sử dụng cho lãnh đạo cơ quan và đơn vị.

“Vì vậy chúng tôi thấy rằng, thống nhất với việc Ủy ban Thường vụ QH đã giải trình và đề nghị bổ sung vào Điều 11, Dự thảo luật về cấm sử dụng xe ô tô, các loại tài sản khác do các tổ chức, cá nhân đổi, tặng không đúng mục đích, không đúng tiêu chuẩn và định mức chế độ và sử dụng cho cá nhân - Bộ trưởng Dũng nói. 

Đọc thêm