“Sức khỏe” một số doanh nghiệp lớn Bộ Công Thương đang thế nào?

(PLO) - Hàng năm, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Công Thương đóng góp rất lớn cho ngân sách nên “sức khỏe” của những doanh nghiệp này luôn là sự quan tâm của nền kinh tế…
Nếu không có những tư duy đột phá, rất có thể dệt may sẽ tiếp tục gặp khó trong năm nay
Nếu không có những tư duy đột phá, rất có thể dệt may sẽ tiếp tục gặp khó trong năm nay

Khả quan than và dầu khí

Một số doanh nghiệp (DN) lớn thuộc Bộ Công Thương mà sự phát triển hay trì trệ sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế vĩ mô có thể kể đến như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than — Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Cty Thép Việt Nam (VNsteel)…

Nhìn chung, do tình hình thế giới và thị trường trong và ngoài nước năm 2017 tương đối ổn định nên cơ bản các DN trên đều có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối tốt so với năm 2016. Cụ thể, theo PVN, 2017 là năm khó khăn với nhiều thách thức, các sản phẩm chủ lực của PVN phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu trong khi nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời; một số vụ việc đang được các cơ quan thẩm quyền xử lý…

Song, ý thức được vai trò tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, kết quả hoạt động của Tập đoàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP nên PVN đã cố gắng vượt khó. Kết quả, năm 2017 giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn này đạt 448,6 nghìn tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 498 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2016; nộp ngân sách nhà nước 97,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22,9 nghìn tỷ so với kế hoạch năm, tăng 8% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 31,9 nghìn tỷ đồng.

Với TKV, sau khó khăn năm 2016, sang năm 2017 nhờ giá than tăng cao nên lợi nhuận của TKV đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với năm 2016. Tổng doanh thu đạt 109,2 ngàn tỷ đồng. Tuy đạt được kết quả tốt trong kinh doanh nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đơn vị này phát triển chưa ổn định, rủi ro cao do dễ bị tác động bởi giá than, khoáng sản thế giới. Ngoài ra, đơn vị này còn bị một số đối tác than phiền do giữ giá than cao. Một điểm nữa khiến TKV “không đẹp” trong mắt người dân là có nhiều khoản nợ; một số dự án làm ăn yếu kém.

Dệt may, Hóa chất dự báo vẫn gặp khó

Mặc dù năm 2017 xuất khẩu được 3,2 tỷ USD nhưng Vinatex chưa đạt được như kỳ vọng. Đơn vị này đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 11% so với năm 2016, nhưng thực tế chỉ đạt được tăng trưởng khoảng 10%. Doanh thu của Vinatex năm 2017 đạt hơn 45.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 1.400 tỷ đồng, chỉ bằng so với năm 2016.

Vinatex là đơn vị xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong năm qua cho thấy những khó khăn, yếu kém của Tập đoàn này trong việc tiếp cận các thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong khi đó, sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Ngoài ra, nhiều lao động cũng phàn nàn khi lương lãnh đạo đơn vị này rất cao trong khi lương lao động thấp. Nếu không có những tư duy đột phá, rất có thể Vinatex sẽ tiếp tục gặp khó trong năm nay.

Năm 2017 chứng kiến nhiều biến động tại Vinachem, liên  quan đến nhân sự và nhiều dự án nghìn tỷ yếu kém. Bộ Công Thương vừa phát hiện thêm một dự án nghìn tỷ tồn đọng thuộc Vinachem tại Lào, nâng số dự án ngàn tỷ gặp khó khăn của Tập đoàn này lên con số 5. Chính những dự án này kéo theo tình hình kinh doanh của cả Tập đoàn trong năm qua gặp khó khăn, chỉ lãi khoảng 47 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm qua của Vinachem gần 45.000 tỷ đồng, lãi phát sinh hơn 2.100 tỷ đồng, nhưng lỗ phát sinh cũng hơn 2.100 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận tổng đạt thấp.

Theo tìm hiểu, bốn dự án yếu kém của Vinachem đang được xử lý, khắc phục. Một nhà máy trong năm qua đã hoạt động trở lại và không còn lỗ; một số dự án khác đã giảm lỗ. Hy vọng năm 2018, những dự án này sẽ được giải quyết triệt để, giải quyết những khó khăn tại Tập đoàn này.

Một số Tập đoàn như EVN, Petrolimex năm qua cũng hoạt động hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Petrolimex vẫn còn một số tồn đọng, yếu kém trong đầu tư kinh doanh chưa được khắc phục.

Một tổng công ty khác của Bộ Công Thương là Tổng Công ty Thép Việt Nam trong năm 2017 chứng kiến những bước đi đột phá khi doanh thu đạt hơn 74.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 2.300 tỷ đồng.

Bước sang năm 2018, những DN vừa điểm danh trên của Bộ Công Thương đều đặt ra kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt hơn so với năm 2017. Hy vọng những DN này sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt, đóng góp chung cho sự phát triển của kinh tế đất nước.