Tái cơ cấu DNNN: Quản trị doanh nghiệp phải thay đổi

(PLO) - Chủ trì cuộc họp báo chuyên đề về tái cơ cấu DNNN tổ chức chiều qua 23/12, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết DN sẽ không còn cơ hội trốn niêm yết, tuy nhiên quan trọng vẫn là quản trị DN phải thay đổi. Bộ này đang dự thảo một nghị định về cổ phần hóa (CPH) DNNN để hướng tới mục tiêu chất lượng trong tái cơ cấu DNNN.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mua ngân hàng 0 đồng, Nhà nước mất hàng trăm tỷ đồng

Báo cáo của Cục Tài chính DN cho biết, trong giai đoạn 2011- 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư vào 05 lĩnh vực nhạy cảm (Bất động sản, Chứng khoán, Tài chính-Ngân hàng, Bảo hiểm và Quỹ đầu tư) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định  929/QĐ-TTg, đã thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng. 

Lý giải về số thu về giảm so với sổ sách, đại diện Cục Tài chính DN cho biết, nguyên nhân là do Tập đoàn Dầu khí thoái 800 tỷ đồng và TCty Lương thực Miền Nam thoái 1,3 tỷ đồng với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, giai đoạn 2011 - 2015, TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận 67 DN, với giá trị sổ sách kế toán là 1.666 tỷ đồng, nâng tổng số DN SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay lên gần 1000 DN với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 411 DN, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỷ đồng, giá vốn 3.595 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.

Riêng năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn tại 05 lĩnh vực nhạy cảm, các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng. Giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư do TCty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, thu về 18,3 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở DN khác (ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm): Các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng. Riêng SCIC đã bán vốn tại 67 DN với giá trị là 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ đồng. (Chưa tính khoản bán đấu giá cổ phần của Vinamilk ngày 12/12/2016).

Báo cáo của Cục Tài chính DN cũng cho biết, trong năm 2016 đã có 56 DN được phê duyệt phương án CPH. Trong đó có 06 Tổng công ty nhà nước, 03 Tổng công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá trị DN, đang triển khai xây dựng phương án CPH trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Tổng Công ty IDICO, Tổng Công ty HUD). Tổng giá trị thực tế của 56 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 24.390 tỷ đồng.

Theo phương án CPH được phê duyệt, vốn điều lệ của 56 đơn vị là 24.379 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.937 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư (NĐT) chiến lược 7.670 tỷ đồng, bán cho người lao động 388 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.374 tỷ đồng.

Cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn

Nhận định về quá trình tái cơ cấu DNNN, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính DN cho rằng tiến độ CPH DNNN và thoái vốn chưa đạt được như kỳ vọng, đặc biệt việc thực hiện CPH, tái cơ cấu đối với các DN có quy mô vốn lớn vẫn thiếu vắng NĐT lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt.

Theo đại diện Cục Tài chính DN, tới đây, DNNN sẽ không có lý do để trì hoãn CPH hay trốn niêm yết, đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiểm điểm trách nhiệm chậm CPH, niêm yết (Bộ Tài chính đang tập hợp). Tuy nhiên, quan trọng vẫn là quản trị DN phải thay đổi. “Giá cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn NĐT đó phải có công nghệ, quản trị tốt để có thể quản trị của DNNN sau CPH. Đây là vấn đề các DNNN cần phải lưu ý”, ông Tiến phát biểu.

Theo Dự thảo Nghị định về CPH DNNN do Bộ Tài chính soạn thảo. Một trong những nội dung đổi mới được đại diện Cục Tài chính DN lưu ý là quy định về bán cổ phần cho NĐT chiến lược sẽ được điều chỉnh theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của NĐT chiến lược phải được thể hiện trong cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền; điều chỉnh việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai bỏ hình thức bán thỏa thuận trước; thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của NĐT chiến lược là 03 năm (thay cho 05 năm) để phù hợp với quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 119 Luật DN (xác định như cổ đông sáng lập).

Ông Tiến cũng lưu ý khâu chọn tư vấn xác định giá trị DN cũng rất quan trọng. Dự thảo Nghị định tiếp tục hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn tổ chức tư vấn định giá và bổ sung thêm quy định đối với các tổ chức tư vấn nước ngoài sẽ tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến CPH. Đồng thời nhằm giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định bỏ quy định trình tự, thủ tục công bố danh sách tổ chức tư vấn định giá của Bộ Tài chính mà giao cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng có nhiều điểm mới như: Chi phí thực hiện CPH; nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ DN 100% vốn nhà nước; về xử lý tài chính; thực hiện kiểm toán nhà nước; về sử dụng kết quả xác định giá trị DN; đất đai trong quá trình CPH; phương án bản cổ phần lần đầu. Quản lý tiền thu từ CPH; chính sách ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn; về chuyển đổi Công ty TNHH MTV do Tập đoàn, Tổng công ty, công ty mẹ đầu tư 100% vốn sang công ty cổ phần. 

Đọc thêm