Tái cơ cấu ngân hàng: Bao giờ thôi lối “đánh du kích”?

(PLO) - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể thở phào sau hơn 3 năm tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, tuy nhiên không khỏi giật mình khi các giải pháp được triển khai chủ yếu theo lối “đánh du kích”…
Chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước đứng ra kết nối ngân hàng thương mại với doanh nghiệp là cách làm “không giống ai”
Chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước đứng ra kết nối ngân hàng thương mại với doanh nghiệp là cách làm “không giống ai”
Ngân hàng “tự thở” bằng “bình ô xy” của mình
TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đã lý giải vì sao phải tái cơ cấu bằng một hình ảnh rất đơn giản: “Bình ô xy” của hệ thống ngân hàng (NH) thời điểm trước tái cơ cấu rất khó khăn. 
Nhưng bây giờ các NH đã có thể “thở” bằng chính “bình ô xy” của mình”. Cũng theo ông Phước, đến thời điểm này các NH trong diện tái cơ cấu đã có nhiều thành tựu, vốn chủ sở hữu đã tăng lên 18%, vốn huy động đã tăng 147%, tín dụng tăng 87%, dự phòng rủi ro tăng 146%. “Chứng tỏ rằng các NH đã hoạt động tốt lên rất nhiều!”- ông Phước khẳng định.
Nguyên Phó Chủ tịch NFSC, TS Lê Xuân Nghĩa nhớ lại thời điểm năm 2011, bối cảnh nền kinh tế khi đó lạm phát lên tới 20%, giá vàng một ngày có thể 20 lần tăng giá. Cả người dân, NH, doanh nghiệp (DN) đổ xô vào kinh doanh vàng, buôn lậu vàng khiến cho dự trữ ngoại tệ giảm từ 23 tỷ USD xuống 7 tỷ USD. Thanh khoản bất ổn khiến các NH đua nhau tăng lãi suất. Hệ thống NH rơi vào tình trạng nguy hiểm thật sự, đặc biệt là những NH có những ông chủ là các tay buôn bất động sản… 
“Có thể nói thời 2008 – 2009, chưa bao giờ hệ thống NH lại tồi tệ đến thế, nhiều lãnh đạo NH rơi vào vòng lao lý. Nhưng hiện giờ, chúng ta đã vượt qua thời điểm gai góc trên trong vòng một thời gian khá ngắn là 3 năm…”- ông Nghĩa nhớ lại.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau gần 4 năm thực hiện tái cơ cấu, hệ thống đã giảm được 17 tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép hoạt động. Lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 40% so với thời điểm 2011 và bằng lãi suất của năm 2007. 
Nợ xấu từng bước được giải quyết hiệu quả, đến thời điểm cuối tháng 9, ngành NH về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu đề ra với trên 90% tổng nợ xấu xác định tại tháng 9/2012 đã xử lý được và tỷ lệ nợ xấu đạt mức dưới 3%...
“Đau đâu, chữa đó…”
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, TS.Trần Du Lịch đã gọi cách NHNN đứng ra kết nối NH thương mại với DN là cách làm “không giống ai”; “NHNN, với chức năng của mình không thể ngồi bàn việc cho vay tiền từng DN được. Nhưng tôi cho rằng đây là cách làm của riêng Việt Nam, “không đánh chính quy được thì phải đánh du kích”. Và NHNN phải chịu đi đánh du kích…”- ông này nói.
Sau những nỗ lực đó, nhiều DN trên địa bàn TP HCM đã tiếp cận được vốn NH.  “Báo cáo của NHNN TP HCM cho rằng cần phải tiếp tục bởi kinh tế TP HCM trong thời gian qua phát triển như thế là do cách thức này triển khai tốt, các đơn vị được vay phát triển tốt. Không lẽ chúng ta điều hành theo phương thức “đánh du kích” mãi? Liệu bao giờ chúng ta có thể “đánh chính quy”?”- TS Lịch băn khoăn.
Với việc NHNN mua lại 3 NH với giá 0 đồng, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là cách làm sáng tạo, riêng có của Việt Nam. Khẳng định việc phục hồi các NH 0 đồng là trong tầm tay, song TS Trương Văn Phước vẫn tỏ ra băn khoăn tại sao NH thương mại nhà nước không dám nhảy vào mua lại các NH yếu kém mà phải là NHNN? 
Ông Phước cho biết, trước đây Eximbank nợ xấu 76%, nhiều người đã hỏi tại sao khi đó Vietcombank lại nhảy vào? Thực chất, khi đó đứng sau Vietcombank chính là NHNN. Phó Chủ tịch NFSC cũng cho rằng, khái niệm 0 đồng mà NHNN đưa ra là quá vắn tắt, thị trường không hiểu, trong khi hệ thống văn bản pháp luật cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ khái niệm “0 đồng”…
Mặc dù việc xử lý nợ xấu đã đạt được mục tiêu đề ra nhưng TS Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty mua bán nợ (VAMC) thừa nhận chính VAMC giúp loại bỏ “cục máu đông” ra khỏi hệ thống NH. Theo con số ông Hùng đưa ra, VAMC đã mua tổng cộng 225.000 tỷ đồng nợ gốc của 139 TCTD với giá trái phiếu là 191.335 tỷ đồng. 
Trong số đó, VAMC đã phối hợp xử lý cùng các TCTD được 15.663 tỷ đồng, chiếm 7% trong con số đã mua về. “Nhiều tổ chức quốc tế đã đến làm việc để mua lại các khoản nợ xấu mà VAMC đã gom lại, nhưng có tiền cũng không được phép mua vì hiện tại chưa có luật nào cho mua…”, Chủ tịch VAMC chia sẻ.
Phải có giải pháp căn cơ
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, cho đến nay Việt Nam đã giải quyết được căn bản các vấn đề của ngành NH, tuy nhiên, giai đoạn vừa qua mới là tiền đề cho một giai đoạn hiện đại hóa NH theo chuẩn mực quản trị của Basel II và OCED.
“Sau 3-4 năm vật lộn với quá trình tái cơ cấu trên cả ba trục ưu tiên, với những kết quả bước đầu đạt được cho thấy tái cơ cấu là một nhiệm vụ rất khó khăn, không thể tái cơ cấu theo kiểu “đánh cờ nước một”, “rối đâu gỡ đấy”, “đau đâu tiêm đấy”... 
Để tái cơ cấu thành công, rõ ràng không thể chỉ “chăm chăm” vào các vấn đề cụ thể đang đối mặt, phải có một tầm nhìn xa cả về hai phía đã qua và sắp tới. Bất kỳ sự ảo tưởng hay hạ thấp mục tiêu nào đều chứa đựng khả năng dẫn tới sai lầm trong chiến lược hành động…”- PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý.

Đọc thêm