Tại sao thép xây dựng tăng giá mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thép xây dựng đang tiếp tục đà tăng giá và chưa có dấu hiệu giảm. So với quý III/2020, loại thép này hiện đã tăng lên từ 30 - 40%. Việc thép xây dựng tăng giá mạnh khiến nhiều nhà thầu xây dựng nghi ngờ có việc độc quyền, thổi giá của doanh nghiệp thép.
Thép xây dựng có thể thiết lập mức giá kỷ lục. (Ảnh minh họa)
Thép xây dựng có thể thiết lập mức giá kỷ lục. (Ảnh minh họa)

Chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”

Theo khảo sát của PLVN, hiện giá thép xây dựng ở khu vực phía Bắc đang ở mức giá 18.000 đồng/kg (đã bao gồm VAT). Mức giá này không cố định và có thể thay đổi từng tuần, thậm chí từng ngày. 

Trao đổi với PLVN, ông Vương Quốc Vinh – Giám đốc Công ty CP Kim khí Thành Vinh (Hà Nội) cho biết, giá thép đang tăng rất mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ông Vinh, tầm tháng 4 năm ngoái, tức cũng vào mùa xây dựng cao điểm, nhưng giá thép xây dựng chỉ tăng lên mức cao nhất là khoảng 13.600 đồng – 14.000 đồng/kg.

Thời điểm tháng 9/2020, cũng là thời điểm mùa cao điểm xây dựng thứ hai trong năm, nhưng giá thép chỉ lên khoảng 13.500 đồng/kg. “Thép xây dựng bắt đầu tăng giá từ quý IV/2020. Đến nay đã tăng lên từ 30 - 40%”, ông Vinh nói.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các dự báo trước đó của VSA nhận định rằng giá thép sẽ chỉ tăng tối đa hết quý II/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian thép có thể tăng hết quý III/2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác. Trong nước, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép tăng khá cao so với những nhận định trước đó.

Cũng theo VSA, trong quý I/2021, các thành viên của VSA sản xuất thép các loại đạt hơn 7,6 triệu tấn, tăng 33,8% so với  cùng kỳ 2020. Bán hàng đạt hơn 6,7 triệu tấn, tăng 34,7% so với cùng kỳ 2020. “Thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới” - Chủ tịch VSA nhấn mạnh.

Có chuyện “đầu cơ” không?

Giám đốc Công ty CP Kim khí Thành Vinh, ông Vương Quốc Vinh cho biết, hàng năm, nhu cầu về thép xây dựng có hai thời điểm tăng cao. Thời điểm thứ nhất là dịp sau Tết Nguyên đán, tức khoảng từ tháng 3 đến tháng 6. Thời điểm thứ hai là từ khoảng tháng 8 - tháng 9, tức sau thời gian tháng 7 Âm lịch (tháng cô hồn). Hai thời điểm này nhu cầu xây dựng tăng lên, làm giá thép tăng theo.

Tuy nhiên, năm nay có điều đặc biệt là đúng vào mùa xây dựng ở Việt Nam thì thị trường thép thế giới cũng tăng cao, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Do “tác động kép” mà giá thép tại Việt Nam tăng mạnh chưa từng thấy như hiện nay.

Theo ông Vinh, hiện nay, doanh nghiệp (DN) của ông một tháng tiêu thụ được khoảng 1.200 tấn thép, trong đó bán cho người dân khoảng 200 tấn còn 1.000 tấn còn lại bán cho hệ thống các đại lý nhỏ lẻ.

“So với lúc thấp điểm, mùa cao điểm này chúng tôi bán được sản lượng vượt từ 50% đến 100%”, ông Vinh nói và cho biết, DN của ông chủ yếu bán thép xây dựng của Hòa Phát, Việt – Úc, thép Thái Nguyên, trong đó sản phẩm chính là của Hòa Phát.

Cũng theo ông Vinh, các nhà máy thép đều xây dựng hệ thống phân phối cho nhà máy của họ. Về mặt giá cả, căn cứ vào biến động thị trường thì nhà máy có thay đổi theo xu hướng thị trường, theo giá cả nguyên liệu đầu vào. Đầu vào tăng, thị trường nhu cầu lớn thì nhà máy tăng, khi đó các đại lý cũng tăng giá theo.

Như vậy, việc thép tăng giá hay không thì phụ thuộc vào nhà sản xuất và các đại lý dưới sự tác động của thị trường. “Vào thời điểm đầu năm, các đại lý thường nhận hàng về nhiều để dự trữ phục vụ các đợt tăng nhu cầu xây dựng. Tôi cho rằng không có chuyện các đại lý gom hàng đầu cơ để tăng giá. Giá thép tăng giảm theo thị trường” - Giám đốc Công ty CP Kim khí Thành Vinh cho biết.

Theo tìm hiểu của PLVN, thời gian gần đây, dư luận và nhiều nhà thầu nghi ngờ có DN sản xuất thép độc quyền, lợi dụng nhu cầu xây dựng lớn để tăng giá. Đặc biệt, Hòa Phát là DN dẫn dắt thị trường thép xây dựng nên rất dễ thao túng thị trường thép. Về nội dung này, theo ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, chuyện giá thép tăng là do nguyên liệu đầu vào chi phối và do nhu cầu thị trường lớn. 

Việc giá thép xây dựng tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng. Mới đây, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã “kêu cứu” lên Chính phủ khi có văn bản gửi văn phòng Chính phủ kiến nghị có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến. VACC đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm các bộ, ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân làm giá thép tăng đột biến.

Đọc thêm