Tận dụng cơ hội từ các FTA: Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động

(PLVN) - Hôm qua (23/7), Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa chủ động để tận dụng những cơ hội mà FTA mang lại, trong khi đó cải cách thể chế chưa có đột phá, do vậy kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhắc nhiều đến thực trạng “đáng buồn” của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. “Chúng ta chưa khai thác triệt để những cơ hội mà FTA mang lại. Nỗ lực cải cách nhanh hơn nhưng chưa có nhiều bứt phá. Chúng ta đề ra mục tiêu vào top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh từ năm 2014 nhưng cho đến nay, mục tiêu này vẫn chưa đạt được, tới giờ vẫn đứng thứ 7 và đứng cuối về năng suất lao động”- ông Lộc nói. Ngoài ra, thời điểm hiện tại 70% xuất  khẩu vẫn lệ thuộc vào FDI, chất lượng tăng trưởng vẫn còn nhiều vấn đề.

Báo cáo của VCCI tại buổi làm việc cũng thừa nhận, bên cạnh cách thức hướng dẫn khó hiểu, phức tạp của các cơ quan nhà nước thì bản thân nhiều DN lại không có hành động nào chuẩn bị cho việc tận dụng cơ hội hay dự phòng các rủi ro từ việc thực thi các FTA. 

Theo đó, trong việc thực thi FTA thế hệ mới, ngoại trừ các vấn đề về lao động, so với yêu cầu của các cam kết thì tất cả các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mà Việt Nam đã ban hành đều chậm hơn cam kết từ 1-11 tháng và hiện vẫn có văn bản chưa ban hành trong khi lẽ ra phải có từ 14/1/2019. Để thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực thi.

Theo Kế hoạch trên, tất cả các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh) phải có kế hoạch thực hiện của riêng mình trong tháng 3/2019. Tuy nhiên, phải tới tháng 8/2019 yêu cầu này mới được hoàn tất (chậm 5 tháng). 

“Nhiều đối tác nước ngoài phàn nàn với chúng tôi về công tác xây dựng văn bản để thực hiện các FTA. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến CPTPP, bởi 100% văn bản ban hành chậm. Cụ thể là Biểu thuế xuất nhập khẩu thực hiện Hiệp định CPTPP phải 7 tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực mới được ban hành, hay như Thông tư về C/O cũng phải mất đến 11 tháng sau khi hiệp định có hiệu lực mới được ban hành”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI nói.

Phản ánh về hiện trạng hiểu biết và sự sẵn sàng của các DN trước các FTA, bà Trang cho rằng các DN còn nhận thức khá hạn chế về các FTA mặc dù hầu hết đều “đã nghe” nói tới các FTA này. Theo điều tra của VCCI với 250 phản hồi của DN trong 4 ngành sản xuất (dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử) công bố vào năm 2016 thì hai yếu tố lớn nhất cản trở DN hưởng lợi từ các FTA là tình trạng thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện (84%) và bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Năm 2019, chúng tôi cũng thực hiện thử một khảo sát y hệt như vậy và ngạc nhiên là sau 3 năm, với một nhóm đối tượng khác (trên 300 DN) nhưng cũng cho kết quả y hệt. Điều đó cho thấy trong những năm qua chúng ta chưa có cải thiện đáng kể về vấn đề này”- bà Trang nhận định.

Phải có đột phá về thể chế

Tại buổi làm việc, đại diện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp cũng nêu lên không ít khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi FTA. Chẳng hạn, trong giải quyết tranh chấp với đối tác nước ngoài, Việt Nam chưa có các mẫu hợp đồng giải quyết như thế nào cho cụ thể, chính xác và không được cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, thông tin cụ thể về đối tác còn thiếu, do đó các DN chưa hiểu hết những đối tác mới trong các FTA.

“Trong thực hiện FTA thì vấn đề phát triển nền tảng số rất quan trọng nhưng chúng tôi đang gặp khó khăn vì 97% DN trong logistics là DN vừa và nhỏ (cả về vốn, công nghệ…). Cùng với đó là thiếu tổ chức tư vấn pháp luật liên quan đến các FTA”- đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam phản ánh.

Làm rõ hơn những phản ánh, kiến nghị từ phía DN, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát nhiều lần nhắc đến tính sẵn sàng của DN và đề nghị các DN phải nâng cao tính chủ động, tích cực hơn nữa để có thể tận dụng được các lợi thế từ FTA.

“Các ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, trong các nguyên nhân gốc rễ thì vấn đề đầu tiên là chưa khai thác triệt để các lợi thế sẵn có để thực hiện các FTA. Khi làm việc với các Bộ liên quan, chúng ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thực sự đang cản trở việc thực hiện các FTA có hiệu quả là gì.”- ông Giàu nói. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đặt vấn đề: “Phải chăng cơ chế lâu nay là “xin -cho”, chờ đợi… vẫn còn tồn tại, hay do khả năng DN còn hạn chế? Chúng ta phải trả lời được các câu hỏi này”.

Ông Giàu cho rằng, thể chế cũng là một trong các nguyên nhân cản trở việc thực thi các hiệp định có hiệu quả. Do vậy, cải cách thể chế không chỉ là cam kết mà buộc lòng chúng ta phải thực hiện để tăng cường nguồn lực.

Tìm câu trả lời cho những tồn tại, bất cập nảy sinh từ phía DN, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát cho rằng các DN chưa chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin. “Phải biết người, biết ta thì chúng ta mới chiến thắng được. Nếu không biết người ta như thế nào thì làm sao chúng ta có thể tranh thủ, tận dụng được các ưu đãi trong quá trình thực hiện FTA này”.

Còn PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề nghị, ngoài việc xem xét DN đã chủ động hay chưa thì cần xem lại cách thức tuyên truyền đã đầy đủ, trúng với những nội dung DN cần hay không, để từ đó DN biết cần phải làm gì, làm như thế nào?

“Tại sao chúng ta đã cải cách mà chưa thành công như kỳ vọng? Có 2 vấn đề: đó là chất lượng thể chế và chất lượng của DN”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, bất kỳ vấn đề gì gây trở ngại cho DN đều gây trở ngại cho vấn đề hội nhập.

Do vậy, để hội nhập thành công và tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới mang lại, chúng ta phải thực hiện đồng bộ việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế. “Thể chế sẽ là yếu tố quan trọng nhất giúp hỗ trợ DN trong quá trình hội nhập”. Đồng thời phải có đột phá trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của làn sóng đầu tư mới.

Theo báo cáo của VCCI, các vướng mắc chính của DN trong việc tìm hiểu và chuẩn bị để thực thi các FTA chủ yếu đến từ hai phía: Từ góc độ cơ quan nhà nước và từ chính DN. Về phía cơ quan nhà nước, vướng mắc xuất phát chủ yếu từ việc xử lý, giải quyết các trường hợp đặc thù cũng như những phát sinh trong quá trình thực thi các cam kết…; cam kết quá phức tạp, khó hiểu, trong khi không có một đầu mối để giải thích chính thức cho DN.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi các cam kết, nếu gặp vướng mắc, DN không biết đầu mối nào để giải quyết hoặc được tư vấn chính thức… Nguyên nhân của những bất cập nói trên là do nội dung phổ biến, tuyên truyền về các FTA còn chung chung, chưa đi vào các vấn đề cụ thể mà DN quan tâm, cách thức hướng dẫn khó hiểu, phức tạp. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng thiếu mình bạch, nhũng nhiễu, bất hợp tác, quan liêu của một số cán bộ, cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, những cản trở DN tận dụng cơ hội từ các FTA hầu như đến từ yếu tố chủ quan, thiếu chủ động của DN. Các DN không biết về các cam kết, các cơ hội, thách thức từ các FTA với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình; không có hành động chuẩn bị nào cho việc tận dụng cơ hội hay dự phòng các rủi ro từ việc thực thi các FTA; không có năng lực cạnh tranh đủ để tiếp cận thị trường FTA; thiếu nguồn lực để đầu tư khắc phục các bất cập trong  năng lực cạnh tranh…

Đọc thêm