Tận dụng FTA để thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản

(PLVN) - Nhằm tìm hiểu những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là những tác động tích cực và tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của 11 triệu hộ nông dân, mới đây Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ 4 với chủ đề: “Từ CPTPP đến EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới”.
Cơ hội lớn thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhờ các FTA là điều có thể thấy ngay
Cơ hội lớn thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhờ các FTA là điều có thể thấy ngay

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: Nông nghiệp đã và đang có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt thể hiện qua sự thành công và tăng trưởng trong xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đầu năm đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có một số nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. 

“Với kết quả này, Việt Nam đã từng bước khẳng định và tiếp tục củng cố vị trí là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Chúng ta thuộc nhóm 15 nước xuất khẩu nông sản nhiều nhất trên thế giới”, ông Hải nói.

Phân tích sâu từ góc độ hội nhập, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tới xuất khẩu nông sản, ông Hải cho hay, gần đây Việt Nam đã tham gia một số FTA thế hệ mới, cụ thể là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019; và Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được ký kết ngày 30/6/2019.

Hiệp định CPTPP với 10 đối tác, trong đó có những đối tác mà thông qua hiệp định này, Việt Nam lần đầu thiết lập mối quan hệ thương mại tự do song phương như Canada, Chile, Mexico và Peru; sẽ mở ra các cơ hội hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các đối tác CPTPP.

Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việ̣t Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm, ví dụ như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô...

Còn với EVFTA, đây là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, góp phần củng cố mối quan hệ song phương theo hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. Về góc độ mở cửa thị trường, EVFTA sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn. 

“Ngay khi hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau bảy năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết”, ông Hải đánh giá.

Cơ hội lớn thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhờ các FTA là điều có thể thấy ngay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi các rào cản thuế quan không còn là vấn đề đáng ngại thì hàng loạt hàng rào phi thuế quan sẽ dần được dựng lên.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho hay: Về cơ bản với những mặt hàng có lợi ích xuất khẩu thì Việt Nam luôn cố gắng làm sao dỡ bỏ các rào cản ở mức cao nhất khi tham gia các FTA. Với những mặt hàng chúng ta không có lợi thế cạnh tranh thì cần phải có lộ trình chuyển đổi hợp lý”.

“Ví dụ điển hình với mặt hàng cá tra và cá basa là các sản phẩm Việt Nam hiện đang có lợi thế cạnh tranh. Như vậy, chúng tôi khi đàm phán luôn yêu cầu các nước mở cửa tối đa cho mặt hàng này”, ông Thái nói.

Theo ông Thái, không chỉ với các tra và cá basa, các mặt hàng nông sản khác, ngoài hàng rào thuế quan thì bên trong có muôn vàn rào cản khác như sức khỏe, môi trường…

Xung quanh câu chuyện tận dụng FTA để thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại góp ý: “Trong xuất khẩu nông sản, quan trọng bậc nhất là truy xuất nguồn gốc. Nếu chúng ta hướng dẫn để nông dân có thể đưa ứng dụng blockchain vào sản xuất thì những lo ngại sẽ được giải tỏa rất dễ dàng. Muốn ra thế giới thì chắc chắn phải chứng minh được nguồn gốc nông sản. Bây giờ là thời đại 4.0 rồi, chúng ta không thể bỏ qua việc áp dụng những công nghệ hiện đại trong sản xuất và blockchain chính là giải pháp hữu hiệu”.

Đọc thêm