Tăng 1,81%, GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp kỷ lục

(PLVN) -Chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81% so với mục tiêu đặt ra 6,8% của năm 2020. Tuy nhiên, đây lại là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang tăng trưởng âm...
TCTK họp báo công bố số liệu thống kê về kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020.
TCTK họp báo công bố số liệu thống kê về kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020.

Triển vọng từ khu vực nông, lâm, thủy sản

Thông tin tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê về kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thông kê (TCTK) tổ chức sáng nay, 29/6 cho biết, GDP quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; khu vực dịch vụ giảm 1,76%. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81%. 

Theo ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, TCTK, đây là mức tăng trưởng thấp kỷ lục của nước ta trong gần 30 năm trở lại đây kể từ năm 1991 và là mức tăng trưởng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011 - 2020 (Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 5,92%; 4,93%; 4,90%; 5,22%; 6,32%; 5,65%; 5,83%; 7,05%; 6,77%; 1,81%)

Còn theo bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng cục trưởng phụ trách TCTK, mặc dù GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm...“- Bà Hương phát biểu.

Đáng chủ ý. trong mức tăng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.

Mặc dù đóng góp của khu vực nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 12% GDP của 6 tháng đầu năm nhưng đây là khu vực đang có dấu hiệu phục hồi nhanh nhất khi tăng trưởng quý II tăng 1,72%, mức tăng cao nhất so với các lĩnh vực khác.

Khu vực công nghiệp, xây dựng tuy đóng góp đến hơn 73% vào tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm nhưng chủ yếu còn duy trì tốc độ trong quý I/2020, trong quý II/2020 khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,74% so với cùng kỳ năm trước…

Chủ động nguồn hàng khi thị trường xuất khẩu mở cửa trở lại

TCTK cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 ước tính đạt 41,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu đạt 117,2 tỷ USD, giảm 3%. Trong 6 tháng đầu năm xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD.

Để tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu, theo TCTK cần kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2020. 

Song song với đó, TCTK cho rằng, cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất. 

Chính phủ và doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định tại Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU…

CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19%

TCTK cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, tính chung quý II/2020, CPI giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; 

Lạm phát cơ bản tháng 6/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Đọc thêm