Tăng cường hợp tác Công – Tư : “Tiếp sức” cho doanh nghiệp hội nhập

(PLO) - Sự tham gia gắn kết giữa nhà nước và khu vực tư nhân (mô hình hợp tác công - tư (PPP) không chỉ chia sẻ những lợi ích mà còn giảm bớt những rủi ro trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của nhà nước, đồng thời giảm bớt những áp lực chi ngân sách Nhà nước, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 
DN cần có nhiều chính sách hỗ trợ từ  Nhà nước để phát triển qua mô hình hợp tác công - tư
DN cần có nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để phát triển qua mô hình hợp tác công - tư

Thông qua mô hình PPP, các DN dễ dàng tiếp cận được với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng và phát triển mạng lưới kinh doanh.

Doanh nghiệp phát triển từ “bàn tay” chính sách

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp khuyến khích các khu vực kinh tế và cộng đồng DN tham gia phát triển quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân là một biện pháp mới và hiệu quả giúp giải quyết các vấn đề về huy động vốn, công nghệ và năng lực quản lý nhằm tăng hiệu suất và chất lượng dịch vụ, theo đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. 

Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ Công Thương và các cơ quan trực thuộc đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), các hiệp hội DN thông qua các chương trình quốc gia nhằm thúc đẩy thương mại, công nghiệp và kỹ thuật phát triển. Nhờ đó, các DN Việt Nam có thể tiếp cận được các hỗ trợ nhằm cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho DN, và giúp DN phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước.  

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, các DN của Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lực cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân là do hiểu biết hạn chế về các văn bản pháp luật liên quan, cũng như thiếu thông tin về các tiêu chuẩn của thị trường và các kênh phân phối. 

Do đó, “các DN cần được cung cấp thông tin để chủ doanh nhân hiểu rõ hơn về những chủ trương, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh hợp tác công – tư, tăng cường vai trò vận động chính sách của các hiệp hội DN đối với một số vấn đề pháp lý và chính sách liên quan, qua đó hỗ trợ DN phát triển” – kiến nghị chung được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường hợp tác công – tư” vừa được Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Bộ Công Thương và Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) tổ chức tại Hà Nội. 

Như vậy, DN sẽ có nhiều cơ hội, điều kiện phát triển khi “sợi dây liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội DN” được thắt chặt. Trong bối cảnh Nhà nước đã có chủ trương, chính sách về thí điểm hợp tác công - tư và chủ trương này còn mới nhằm tăng cường huy động tiềm năng, thế mạnh của DN tham gia đóng góp vốn, công nghệ, kỹ thuật và khả năng quản lý, chia sẻ lợi ích và rủi ro với Nhà nước; với vai trò, tiềm năng và nhiệm vụ của các hiệp hội; việc tăng cường quan hệ đối tác công - tư giữa Bộ Công Thương và các Hiệp hội sẽ góp phần quan trọng trong tiến trình vận động, hoàn thoàn thiện chính sách về hợp tác công - tư.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước  (Bộ Công Thương), với mục tiêu tạo điều kiện, hỗ trợ cho DN có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, định hướng phát triển hệ thống phân phối hàng hóa trên thị trường trong nước bền vững..., Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn hợp tác công - tư giữa cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội ngành nghề/ngành hàng và DN sản xuất, kinh doanh trong nước gắn với một số Chương trình hoạt động hiện nay đang triển khai.

Khuyến công – khai thác tối đa thế mạnh 

Là một trong những chương trình hỗ trợ DN tích cực và trực tiếp, chương trình khuyến công đã đem lại nhiều hiệu quả trong thực tế. Ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020, với kinh phí tổ chức thực hiện dự kiến là 1.212 tỷ đồng, mục tiêu chương trình khuyến công quốc gia phấn đấu đến năm 2020 đào tạo được khoảng 100.000 lao động cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ khoảng 10.000 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo khởi sự DN, nâng cao năng lực quản lý, hội nghị, hội thảo chuyên đề; hỗ trợ xây dựng 160 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ cho 600 cơ sở CNNT; hỗ trợ 1.400 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải chung cho 120 cụm công nghiệp. 

Chương trình khuyến công hàng năm với nguồn ngân sách hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí trung ương và địa phương) đã động viên và huy động được các nguồn lực trong nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

Các nội dung của hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; đưa giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của cả nước ngày càng tăng mạnh.

Trong nhiều thập niên qua, mô hình hợp tác công – tư đã và đang được quan tâm triển khai ở nhiều nước với mục đích tăng cường các nguồn lực để thực hiện các dự án phát triển của Nhà nước trong quá trình cải cách khu vực công; đồng thời là một giải pháp tích cực lôi cuốn khu vực tư nhân tham gia cùng Nhà nước nhằm giảm áp lực chi ngân sách cho các dịch vụ công của Chính phủ. Tại Việt Nam, chương trình đối tác công - tư được vận dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực, hoạt động, trong đó có khuyến công. 

Như vậy, ở góc độ công tác khuyến công, chương trình đối tác công - tư không chỉ đơn giản là cơ chế cấp kinh phí của Nhà nước mà là cơ chế để khai thác tối đa các thế mạnh về đầu tư, sản xuất, quản lý, khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân ở nông thôn. Chương trình khuyến công xác định ngân sách không phải là nguồn cung cấp tài chính cho phát triển công nghiệp nông thôn mà là coi trọng phát huy tiềm năng thế mạnh nội lực của DN; đồng thời kêu gọi các DN, cơ sở CNNT chủ động nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi, tích cực tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tối đa hóa lợi ích từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ. 

Hỗ trợ DN xây dựng mạng lưới kinh doanh

Để tăng cường hợp tác công – tư nhằm hỗ trợ DN, nhất là DN do nữ làm chủ, bà Mai Thị Thuỳ - Chủ tịch Hội Nữ DNNVV Hà Nội kiến nghị các cấp, ngành liên quan có giải pháp cụ thể để hỗ trợ DNNVV, trong đó có các DNNVV do nữ làm chủ vốn đang chiếm đến 25% DNNVV, như đưa Định nghĩa DNNVV do nữ làm chủ và chương trình trợ giúp các DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ vào Luật Hỗ trợ DNNVV (đang được Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo), dần đưa vào Luật chương trình hỗ trợ riêng cho các DNNVV do nữ làm chủ để thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện bình đẳng giới của quốc gia. 

Quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm nhất định bắt buộc dành cho đối tượng DNNVV do phụ nữ làm chủ trong các hoạt động xúc tiến thương mại ở các cấp. Có chương trình trợ giúp phụ nữ, sinh viên nữ mới ra trường khởi nghiệp để đảm bảo đạt mục tiêu đến năm 2020, 35% DN do phụ nữ làm chủ. Các chương trình hỗ trợ vốn cho DNNVV của Chính Phủ và ở địa phương cần có sự tham vấn của các Hội/Hiệp hội về các chính sách ưu đãi cho các nữ chủ DN. Xây dựng thế hệ nữ doanh nhân có kiến thức, kỹ năng, thái độ chuyên nghiệp và không định kiến giới. 

Đồng thời, hỗ trợ DNNVV xây dựng mạng lưới kinh doanh và xúc tiến thương mại với các hoạt động như: thông tin kịp thời những chính sách mới của Nhà nước ban hành liên quan đến hoạt động DN; xúc tiến thương mại; giao lưu kết nối trong và ngoài nước để tìm đối tác mở rộng thị trường, tiêu thụ được nhiều sản phẩm để phát triển sản xuất…

Nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội trong hỗ trợ, kết nối doanh nhân và vận động chính sách, bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, để làm tốt vai trò hỗ trợ, kết nối doanh nhân và tham vấn chính sách, các hiệp hội cần tranh thủ và phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các hoạt động đào tạo, hỗ trợ, kết nối nhằm cập nhật thông tin, nâng cao năng lực của doanh nhân, và hỗ trợ DN phát triển sản xuất, mở rộng thị trường; tham vấn, đề xuất ý kiến xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến DN, doanh nhân để đảm bảo các chính sách của Nhà nước thực hiện có hiệu quả và thực sự góp phần hỗ trợ DN, doanh nhân phát triển. 

Bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, với mục đích tăng cường nguồn lực để thực hiện các dự án phát triển của Nhà nước trong quá trình cải cách khu vực công; đồng thời là một giải pháp tích cực lôi cuốn khu vực tư nhân tham gia cùng Nhà nước nhằm giảm áp lực chi ngân sách cho các dịch vụ công của Chính phủ, hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai thành công hình thức hợp tác công - tư. Các chuyên gia kinh tế khẳng định rằng quan hệ đối tác tư nhân - nhà nước hiện đang là một xu hướng trên thế giới và Việt Nam đang nằm trong xu hướng đó. 

Tại Việt Nam, chương trình đối tác công - tư cũng đã và đang được vận dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực và được thể hiện thông qua nhiều văn bản pháp luật. Trong những năm qua, Bộ Công Thương cùng với các Sở Công Thương các tỉnh, TP đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác công - tư nhằm hỗ trợ cho các hiệp hội DN, đặc biệt các DN nhỏ và vừa thông qua các Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, khuyến công quốc gia, khoa học công nghệ, các đề án… để các DN Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ tiếp cận được các chủ trương, chính sách hỗ trợ để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của DN, khuyến khích các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, phát triển thị trường trong nước và nước ngoài. 

Đọc thêm