Tăng trưởng GDP chậm lại: Động lực phải từ cải cách!

(PLVN) - Gần như cùng một thời điểm, cả Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TW (CIEM) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đều đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm nay vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,8%) nhưng lại thấp so với mức 7,08% của năm 2018...
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

GDP 6 tháng cao hơn mặt bằng thế giới

Báo cáo của CIEM công bố hôm 12/7 cho biết, trong quý II, tăng trưởng GDP đạt 6,71%, giảm so với quý I (6,82%). Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng của nửa đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực, cao hơn so với mặt bằng thế giới (Trung Quốc 6,4%, Malaysia 4,5%, Indonesia 5,07%, Thái Lan 2,8%, Singapore 1,2%...). Kết quả này không cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8-7,0%).

Tuy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, nhưng tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm, phản ánh lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố, đặc biệt khi Việt Nam lưu tâm hơn đến ứng phó với tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài.

Đóng góp cho tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm phải kể đến là Khu vực công nghiệp – xây dựng đạt tốc độ tăng giá trị gia tăng ở mức 9,14% trong quý II và 8,93% trong 6 tháng đầu năm.

Đặc biệt, quý II ghi nhận bước tăng trưởng dương trở lại của phân ngành khai khoáng, ở mức 1,78% - lần đầu tiên sau ba năm liên tục giảm. Việt Nam đã có thêm vốn FDI vào phân ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt là từ Trung Quốc. Khu vực dịch vụ ít có chuyển biến lớn, chỉ tăng trưởng 6,85% trong quý II và 6,69% trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, trong quý II và 6 tháng đầu năm, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng trưởng ở mức thấp, tương ứng 2,19% và 2,39%. 

“Nửa đầu năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, kể cả thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác điều hành chính sách, cải cách kinh tế của đất nước cũng bộc lộ không ít điểm sáng, qua đó đóng góp vào những kết quả ít nhiều tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

So với giai đoạn 2008-2009, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới. Quan trọng hơn, các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh vẫn được lưu tâm, thúc đẩy song song với quá trình ứng phó với bất định của môi trường kinh tế thế giới...”, ông Nguyễn Anh Dương nhận định.

Đâu là động lực tăng trưởng?

Theo dự báo của CIEM, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể đạt mức 6,82%. Dự báo này cũng tương đồng với dự báo của NCIF đưa ra trước đó 1 ngày là 6,86%. Tuy nhiên mức này khá khiêm tốn so với mức VEPR đưa ra là 6,96%. 

Giải thích về việc đưa ra dự báo mức tăng trưởng cao trong năm nay, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết sở dĩ đưa ra kịch bản lạc quan là do Việt Nam vẫn còn những lợi thế trước sự dịch chuyển của dòng vốn FDI tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế từ các hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ tạo nhiều cơ hội cho tăng trưởng các tháng cuối năm 2019.

Tuy nhiên, cẩn trọng hơn, Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng mức tăng trưởng cao khó có thể xảy ra. Ông dự báo, GDP năm nay chỉ trong khoảng 6,6 - 6,7% do các động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm đều thấp hơn năm 2018. 

Đánh giá về GDP 6 tháng đầu năm, TS Nguyễn Đình Cung, Viện tưởng CIEM, cho rằng Việt Nam bước vào năm 2019 với mức tăng trưởng khá cao, mọi người hồ hởi nghĩ rằng tăng trưởng phải ào ào trên 7%, rồi hồ hởi với câu chuyện bứt phá của năm 2019… “Nhưng bứt phá chưa? Câu trả lời là chưa!”- Viện trưởng CIEM thẳng thắn và đưa ra câu hỏi: “Động lực tăng trưởng cả Việt Nam từ đây là gì?”.

Đồng tình với nhận định của Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương rằng tăng trưởng của Việt Nam hiện đang vượt tiềm năng, theo TS Cung, về dài hạn phải đưa được tiềm năng lên nhưng chúng ta không có cải cách, còn nêu đẩy thêm tý nữa thì dẫn đến nguy cơ lạm phát.

“Xét về phía cầu không có khả năng và không nên làm việc đó, xét cuối cùng vẫn là cải cách. Tôi nhấn mạnh, cần phải phân bố lại nguồn lực xã hội để nguồn lực đó được sử dụng hiệu quả hơn… Muốn vậy phải thay đổi cách thức phân bố nguồn lực. Chủ trương có nhưng đến nay không có một thay đổi gì trong thị trường sản xuất, không có một thay đổi gì trong phân bố nguồn lực. Đến hết nhiệm kỳ này chắc cũng chưa thay đổi được…” - Viện trưởng CIEM lo ngại.

TS Cung nhắc lại câu chuyện “DN nhà nước muốn được như DN tư nhân, còn doanh nghiệp tư nhân lại không muốn lớn” và nhấn mạnh “DN là động lực của phát triển kinh tế. Chừng nào giải quyết được những mâu thuẫn kiểu như thế này thì tăng trường mới bứt phá được!”.

Đọc thêm