Tăng trưởng GDP chưa có dấu hiệu “quá nóng”

(PLO) - Tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2011 và đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng GDP cũng chưa có dấu hiệu “quá nóng”. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng trưởng không dựa vào tiền tệ

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM), Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức mới đây, “TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định: “Tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó cả tăng trưởng và lạm phát, không có gì là bất thường”!.

Dữ liệu của CIEM đưa ra cho thấy, hiện lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp, trung bình tăng 1,35% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm ít chịu áp lực từ các yếu tố tiền tệ hay tổng cầu, chủ yếu xuất phát từ các yếu tố “chi phí đẩy”. 

“Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không dựa vào mở rộng tiền tệ. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Tăng trưởng kinh tế chưa kéo theo áp lực lạm phát theo chu kỳ, do ít có tác động của mở rộng tiền tệ và tài khóa…”- Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), ông Nguyễn Anh Dương phân tích.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm vẫn rất đáng lưu tâm. “Yêu cầu xử lý áp lực lạm phát hiện nay cũng tương đối giống năm 2008 (dù khác mức độ) do còn rủi ro suy giảm kinh tế dưới tác động của các yếu tố bên ngoài.”- ông Dương nhận định.

Báo cáo của CIEM cũng cho biết, mặt bằng lãi suất huy động VND ổn định và thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi USD của cá nhân và tổ chức tiếp tục duy trì ở mức 0%/năm, tín dụng tăng khoảng 4,17% trong quý II, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 7,88%. Tổng phương tiện thanh toán (tính đến ngày 20/6/2018) ước tăng 3,8% trong quý II và 7,96% trong 6 tháng đầu năm. 

Trước biến động của thị trường ngoại hối, tỷ giá VND/USD trung tâm chủ yếu giữ xu hướng tăng, không ít kiến nghị về việc phá giá đồng VND. Tuy nhiên, theo chuyên gia CIEM, trong bối cảnh hiện nay, điều hành tỷ giá chỉ là một phần trong kết hợp chính sách tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, ưu tiên điều hành tỷ giá, cần hướng tới linh hoạt, thay vì một mục tiêu cứng…

Đã có nhiều kinh nghiệm hơn…

Theo TS Nguyễn Đình Cung, với tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2011 đã giúp giảm áp lực điều hành trong những tháng cuối năm nay. “Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. GDP thực tế vẫn cao hơn so với xu thế. Tăng trưởng GDP cũng chưa có dấu hiệu quá nóng”, ông Cung khẳng định.

Kết quả dự báo của CIEM cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2018 (cập nhật) có thể đạt mức 6,71%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12,11%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 1,2 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,93%.

Tuy nhiên, không phải không có ý kiến tỏ ra quan ngại về chất lượng tăng trưởng hiện nay, đặc biệt là lo lắng nền kinh tế bước vào chu kỳ giảm tăng trưởng, như quy luật ghi nhận vào các năm đuôi 7 và 8 trước đây.

“So với những lần khủng hoảng trước, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới...” - Viện trưởng CIEM tự tin khẳng định.

 Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra băn khoăn về mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng còn chưa thực sự rõ nét; áp lực lạm phát còn hiện hữu;  khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vi mô nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng. Đây vẫn là một dấu hỏi lớn.

Theo nhận định của CIEM, diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường; các tranh chấp địa chính trị vẫn hiện hữu ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở châu Á – Thái Bình Dương; lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ có thể bất định hơn; việc hoàn tất các thủ tục cho phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do có thể kéo theo một số tác động tích cực đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

“Trong chừng mực ấy, diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam phụ thuộc đáng kể vào cách thức thúc đẩy tăng trưởng, điều hành giá cả, cải thiện thực chất môi trường kinh doanh và xử lý các điểm nghẽn của mô hình tăng trưởng (doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, hệ thống các tổ chức tín dụng)…”- Viện trưởng CIEM lưu ý.

Đọc thêm