Tăng tỷ lệ nợ công thêm từ 2-3% GDP: Vẫn đảm bảo chỉ tiêu cho phép

(PLVN) -Trước tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ vừa có chủ trương xem xét việc tăng tỷ lệ nợ công thêm từ 2-3% GDP để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Chủ trương trên sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ nước ngoài, an toàn tài chính quốc gia như thế nào? Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính.
Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính.

Áp lực vay nợ mới trả nợ cũ

Theo ông Võ Hữu Hiền, trên cơ sở kịch bản tăng trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra các kịch bản đánh giá tác động đến cân đối ngân sách nhà nước và nợ công. Với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành, có tính đến phương án tiếp tục triển khai chính sách nới lỏng tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, tùy vào kết tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng tôi dự kiến nợ công có thể lên khoảng 57-58% GDP cuối năm 2020.

Trong năm 2020, khả năng thu Ngân sách nhà nước (NSNN) không đạt mục tiêu đặt ra sẽ gây áp lực lên chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ so với thu NSNN vốn đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, tiến rất sát ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020.

Đối với giai đoạn 2021-2025, Quốc hội chưa xem xét, phê duyệt mức trần cho chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó bao gồm các tài khóa, dựa trên GDP đã đánh giá lại đồng nghĩa với nhu cầu huy động vốn để bù đắp bội chi NSNN có thể tăng lên rất cao khi xét về giá trị tuyệt đối.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ tập trung cao vào những năm đầu và cuối giai đoạn, có những năm có thể vượt ngưỡng 25%, chủ yếu do các khoản trái phiếu Chính phủ trong nước phát hành trong giai đoạn trước đáo hạn trong những năm này.

“Điều này một mặt dẫn đến tình trạng dư địa ngân sách cho các khoản chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên sẽ giảm mạnh; mặt khác việc thu xếp nguồn tiền để trả nợ là điều không thể xem nhẹ, nhất là khi nhiều năm nay, chúng ta vẫn phải vay nợ mới để trả nợ cũ”- ông Võ Hữu Hiền nói.

Vẫn đảm bảo chỉ tiêu cho phép

Theo kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, kế hoạch vay của Chính phủ năm 2020 là 501 nghìn tỷ đồng, gồm: vay trong nước 394 nghìn tỷ đồng và vay nước ngoài 107 tỷ đồng.

Trường hợp tăng vay vốn thêm 2-3% GDP để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển, hỗ trợ nền kinh tế ứng phó trước tác động của đại dịch Covid-19, theo tính toán của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, khả năng các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Nợ công so với GDP giảm mạnh từ 63,7% năm 2016 xuống khoảng 55% cuối năm 2019.
 Nợ công so với GDP giảm mạnh từ 63,7% năm 2016 xuống khoảng 55% cuối năm 2019.

Tuy vậy, ông Võ hữu Hiển cho rằng: “Phương án vay bổ sung 2-3% GDP trong năm 2020, tương ứng với 180-240 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở GDP đánh giá lại), so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cũng sẽ là thách thức không nhỏ”.

Một mặt, tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài từ đầu năm đến nay còn rất chậm, việc thực hiện 100% kế hoạch vốn trong năm đã được Quốc hội, Chính phủ giao đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Hiện còn trên 10 tỷ USD các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký kết, cần ưu tiên giải ngân ngay trong năm này cũng như giai đoạn tới theo đúng cam kết với các nhà tài trợ.

“Việc huy động vốn vay nước ngoài cho chương trình dự án mới đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài, có thể lên tới 2-3 năm do đòi hỏi nhiều thủ tục, trình tự phải triển khai trước khi có thể hoàn thành đàm phán, ký kết và giải ngân. Nếu huy động vốn vay nước ngoài để hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách có thể triển khai nhanh hơn, nhưng thông thường các khoản vay này có quy mô nhỏ và kèm theo ràng buộc chính sách” - vị lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định.

Mặt khác, khả năng hấp thụ vốn của thị trường trái phiếu Chính phủ trong nước còn hạn chế. Việc thực hiện phát hành thêm khối lượng vốn lớn sẽ dẫn đến nguy cơ gây áp lực gia tăng chi phí vay vốn của Chính phủ, hoặc dẫn đến rủi ro tái cấp vốn trong những năm sau trong trường hợp Chính phủ phải phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn để đáp ứng nhu cầu vay tăng cao.

Lấy ví dụ một số nước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết: “Việc bội chi, nợ công gia tăng mạnh trở lại, cũng như việc tham gia vào các sáng kiến giảm nợ của một số tổ chức quốc tế đã ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực lên hệ số tín nhiệm của một số nước. Việc này gắn với hệ lụy một mặt làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, mặt khác còn làm tăng chi phí vay vốn của toàn bộ nền kinh tế. Ví dụ như: E-ti-ô-pia, Pakistan, Ca-mơ-run, Sê-nê-gan, Bờ biển Ngà gần đây đều bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ bậc/đưa vào diện xem xét hạ bậc khi bày tỏ nguyện vọng tham gia vào Sáng kiến Giảm nợ của G20”.

Từ những phân tích trên, theo ông Võ Hữu Hiển, việc huy động các nguồn vay mới, bao gồm cả các khoản hỗ trợ Covid-19, cần được thẩm định, lựa chọn kỹ về tính hiệu quả, so sánh chi phí-lợi ích để đảm bảo khả năng trả nợ trong trung, dài hạn trước khi quyết định vay. Trường hợp Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2020, cần tính đến việc huy động từ các quỹ dự trữ tài chính trong nước, từ ngân quỹ nhà nước, cũng có thể phải tính đến phương án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế. Đồng thời, cũng cần đa dạng hóa các nguồn lực khác như tranh thủ nguồn viện trợ, đầu tư trực tiếp nước ngoài để giảm áp lực lên nợ công.

Như vậy, “việc tính toán, đề xuất trần nợ công để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt trong giai đoạn sẽ được cân nhắc kỹ để đảm bảo mục tiêu giữ vững an ninh tài chính quốc gia, bền vững nợ. Một mặt phù hợp với khả năng vay vốn trên thị trường để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, mặt khác phù hợp với khả năng trả nợ của ngân sách, không làm ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng như hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế” - ông Hiển nói.

Đọc thêm