Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex): Hàng tồn kho to hơn... lợi nhuận

(PLO) - Kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 749 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính mới được công bố của Tập đoàn này cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của Vinatex chỉ hơn 300 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch năm.
Hàng tồn kho và nợ phải trả của Vinatex lên tới hàng nghìn tỷ đồng
Hàng tồn kho và nợ phải trả của Vinatex lên tới hàng nghìn tỷ đồng

Đặc biệt, hàng tồn kho của Vinatex tăng lên khá nhanh, chỉ trong 6 tháng tăng lên gần 400 tỷ đồng, đạt tổng giá trị hơn 3.600 tỷ đồng.

Điều gì khiến Vinatex gặp khó?            

Vinatex đã chính thức cổ phần hóa từ năm 2015, vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ 53,49% số vốn này (tương đương khoảng 2.675 tỷ đồng). Khi mới cổ phần hóa, cổ đông chiến lược của Vinatex là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID) nắm giữ 14% vốn điều lệ, tương đương khoảng 70 triệu cổ phiếu. Mới đây, cổ đông chiến lược này muốn thoái vốn trước thời hạn và được hội đồng cổ đông Vinatex đồng ý. Tuy nhiên, theo thông tin PLVN nắm được, đến nay việc chuyển nhượng cổ phần của VID chưa được diễn ra. 

Một cổ đông chiến lược khác của Vinatex là Tập đoàn Vingroup, nắm giữ 10% vốn điều lệ, tương đương 50 triệu cổ phiếu. Dù là cổ đông chiến lược nhưng những lĩnh vực kinh doanh của VID và Vingroup không cùng ngành nghề nên thiếu kinh nghiệm trong việc hợp tác sản xuất, kinh doanh hàng dệt may. Ngoài hai cổ đông chiến lược trên, Vinatex có thêm 30 cổ đông khác đến từ nước ngoài, chiếm khoảng 11% cổ phiếu.

Như vậy, việc sản xuất kinh doanh của Vinatex hiện nay chủ yếu do nhân sự từ bộ máy quản lí vốn Nhà nước đảm trách. Hay nói cách khác, dù đã cổ phần hóa nhưng sự tham gia của tư nhân trong chiến lược phát triển của Tập đoàn này là không nhiều. Cũng có thể do vốn Nhà nước đang chi phối hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nên chịu sự rằng buộc quản lí của Nhà nước dẫn đến ảnh hưởng, kìm hãm đến sự phát triển của Tập đoàn này?

Điều này là có cơ sở khi mới đây, Vinatex xin Chính phủ được thoái toàn bộ vốn Nhà nước cho cổ đông bên ngoài. Theo đó, lãnh đạo Vinatex đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhiều phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh biện pháp cần thoái toàn bộ vốn Nhà nước (2.675 tỷ đồng).

Vinatex cho rằng theo quy định hiện nay, Tập đoàn này không thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ vốn. Do đó, để tạo điều kiện cho Vinatex phát triển thì cần thoái vốn Nhà nước càng nhanh càng tốt. Trong bối cảnh hàng hóa dệt may cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường thế giới, để thu hút được nhân tài cần đưa ra những khoản đãi ngộ phù hợp không theo bảng lương Nhà nước quy định. Ngoài ra, cũng cho rằng đang cần những cổ đông có năng lực quản trị chuyên nghiệp, có khả năng phát triển thị trường và hỗ trợ Vinatex công tác quản lý, tiêu thụ sản phẩm. 

Nợ phải trả, hàng tồn kho hàng chục ngàn tỷ

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex, để phát triển dệt may Việt Nam, không có cách nào khác là phải tìm hướng xuất khẩu, vì thị trường nội địa quy mô nhỏ, chỉ 4-5 tỷ USD/năm, trong khi năng lực dệt may Việt Nam có quy mô khoảng 35 tỷ USD. 

Hiện nay, dệt may Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường thế giới và được yêu thích như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Lợi thế hàng dệt may Việt Nam là chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Vinatex, ngành này đang phải chịu cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… lãnh đạo. Trong bối cảnh khó khăn về thị trường như vậy, lãnh đạo Vinatex cho rằng, để Tập đoàn này phát triển, cần thoái vốn Nhà nước càng nhanh càng tốt, sau đó tái cơ cấu lại nhân sự.

Không biết có phải do ảnh hưởng của yếu tố vốn Nhà nước chi phối hay không mà hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của Vinatex không mấy sáng sủa? Theo kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Vinatex, tổng doanh thu gần 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 749 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính bán niên hợp nhất 2017 mới được Vinatex công bố, trong nửa đầu năm nay, đơn vị này đạt doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 345 tỷ đồng, bằng khoảng 42% kế hoạch năm.

Đặc biệt, hàng tồn kho của Vinatex chỉ trong 6 tháng đã tăng thêm gần 400 tỷ đồng, lên hơn 3.600 tỷ đồng. Nếu so với tổng ngồn vốn của Vinatex là gần 21.000 tỷ đồng thì số hàng tồn kho này không hề nhỏ. Đặc biệt, xu hướng giá trị hàng tồn kho có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới. Việc giá trị hàng tồn kho tăng lên phản ánh sự khó khăn của Tập đoàn trong việc xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, nợ phải trả của Vinatex cũng đã lên con số trên 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Với thực tế này, Vinatex còn nhiều việc phải làm nếu muốn đạt con số xuất khẩu 3 tỷ USD mà lãnh đạo Tập đoàn đã hứa khi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hồi cuối tháng 6/2017. 

Đọc thêm