Tây Nam bộ cần có cảng nước sâu để thúc đẩy phát triển kinh tế

(PLO) - Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB) tại hội nghị Chuyên đề huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tại Cần Thơ, hôm nay (22/8).
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Ban Kinh tế Trung ương; Quân Khu 9; Bí thư, Chủ tịch UBND và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Cần giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng giao thông

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, thời gian qua vùng ĐBSCL đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Hiện, phát triển giao thông của vùng ĐBSCL chủ yếu bằng 4 phương thức vận tải: đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không. Trong 4 phương tiện giao thông chúng ta còn quá nặng về đường bộ, trong nhiệm kỳ vừa qua có 89% đầu tư về đường bộ.

Tuy nhiên, độ dài các sông kinh gạch trong vùng ĐBSCL chiếm 70 % cả nước. Nhưng tình hình đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa mạnh mẽ và chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa; đường biển thật ra chưa có cảng nước sâu nào. Thực tế 80% lượng hàng của chúng ta vẫn phải chuyển về TP HCM và Đông Nam bộ để xuất khẩu, trong đó 70% vận chuyển bằng đường bộ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thêm, việc huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch của ngành giao thông vận tải. Theo phương thức, ưu tiên đầu tư vào các công trình, dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng, để giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics cũng như giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, từ đây đến năm 2020 chưa hoàn thành được đường sắt thì cũng phải có nghiên cứu đề án đường sắt; đồng thời cần khai thác hiệu quả hơn nữa đường hàng không. Bên cạnh đó, đường biển là vấn đề phát triển lâu dài của vùng, ĐBSCL cần có cảng nước sâu để phục vụ cho giao thương phát triển kinh tế vùng.

Phó Thủ tướng lưu ý, khai thác cảng Hòn Khoai trở thành cảng nước sâu là vấn đề rất hay cần xem xét đầu tư. Vì cảng Hòn Khoai là cảng 250.000 tấn, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, nên đưa vào đề án 2016-2020.

Song song đó, cơ chế huy động các nguồn lực, nhất là vấn đề logistics và vận tải đa phương thức là điều rất cần thiết. Đề nghị các bộ, GTVT, kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các tỉnh trong vùng rà soát đưa vào đầu tư trung hạn 2016-2020. Giải quyết “bài toán” đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng ĐBSCL. 

Các đại biểu bàn luận về bản đồ Quy hoạch giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Các đại biểu bàn luận về bản đồ Quy hoạch giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống logistics

“Đặc biệt, bên cạnh hạ tầng giao thông khía cạnh phát triển hệ thống logistics cũng cần chú trọng đầu tư hơn. Không khéo vài năm nữa cơ sở hạ tầng không đảm bảo cho sự phát triển của vùng. Cần tính toán bước đi cho phát triển hạ tầng giao thông của vùng, dự phòng cho bước đột phá, nóng hơn và nhanh hơn.” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đánh giá và góp ý về chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL, cũng như hoạch tìm “lời giải’ cho “bài toán” để kết nối phương thức vận tải của vùng thông suốt và đồng bộ.

Đứng từ góc độ địa phương, Bí Thư tỉnh Cà Mau, Dương Thanh Bình đánh giá cần có cơ chế hết sức cụ thể, do việc huy động nguồn lực ở địa phương chưa cao, chủ yếu chủ động được vấn đề sử dụng quỹ đất của địa phương. Ông Duơng Thanh Bình đề xuất cần nguyên cứu kêu gọi đầu tư cụm cảng tổng hợp, thành lập cảng nuớc sâu ở Hòn Khoai để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. 

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ưu tiên một phần nguồn lực đáng kể để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nam Bộ, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt của vùng Tây Nam Bộ. Hiện, toàn vùng ĐBSCL về đường bộ hiện có 4.718,8km quốc lộ, 2.030,41km đường tỉnh, 72.851,8km đường huyện và giao thông nông thôn đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, an toàn.
Về đường thuỷ nội địa với trên 13.000 km đường thủy được phân bổ đồng đều trên toàn vùng là lợi thế lớn về khai thác vận tải đường thủy nội địa tuy nhiên vẫn chưa phát huy được. Về đường biển, hiện chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp, các tuyến vận tải sông pha biển cũng chưa được quan tâm phát triển, chưa hình thành các tuyến vận tải sông pha biển do đó ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác vận tải đường biển.
Về hàng không: hiện có 2 cảng quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc và 2 sân bay Rạch Giá, Cà Mau với năng lực khai thác 5,05 triệu lượt hành khách, đáp ứng được nhu cầu vận tải đến sau năm 2020.

Đọc thêm