Thách thức của doanh nghiệp khi thực hiện kinh doanh có trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cơ chế thực thi của luật chưa mạnh (18%), sự thiếu hụt về nguồn lực, tài chính (12%), về nhân sự (10%) là những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp để thực hiện kinh doanh có trách nhiệm.
Thách thức của doanh nghiệp khi thực hiện kinh doanh có trách nhiệm

Đây là một trong những phát hiện chính của “Nghiên cứu về mức độ nhận thức và tình hình thực hiện kinh doanh có trách nhiệm (RBM) của các doanh nghiệp tại Việt Nam”, vừa được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam công bố.

Doanh nghiệp nhà nước có mức độ nhận thức cao nhất 

Nghiên cứu được thực hiện từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tập trung vào ba vấn đề cụ thể: lao động, môi trường và quản trị. Dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát 279 doanh nghiệp (DN) tại 30 tỉnh, thành Việt Nam.

Theo ông Vũ Văn Tuấn - Trưởng nhóm nghiên cứu, kinh doanh có trách nhiệm đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng có ảnh hưởng tới Việt Nam. Việc thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm đang trở nên cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới với việc phê chuẩn và thực hiện hai hiệp định tự do thương mại gần đây là EVFTA và CPTPP đều có các điều khoản liên quan đến kinh doanh có trách nhiệm như: thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề về lao động và môi trường.

Nghiên cứu cho thấy, mức độ nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các DN ở Việt Nam, đặc biệt là các DN tư nhân trong nước vẫn còn thấp. Cụ thể, khoảng 56% DN được khảo sát đồng ý với khái niệm đầy đủ về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Bên cạnh đó, mức độ nhận thức giữa các DN theo loại hình khác nhau khá chênh lệch. DN có vốn nhà nước có mức độ nhận thức cao nhất (81%) và DN tư nhân trong nước có mức độ nhận thức thấp nhất (47%).

Mặc dù mức độ thực hiện kinh doanh có trách nhiệm khác nhau, hầu hết các DN không thực hiện các thực hành nằm ngoài phạm vi tuân thủ các quy định pháp luật của Chính phủ. Việc thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm chủ yếu ở mức độ tuân thủ, cụ thể: 62% DN tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam; 27% DN không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Chỉ 11% DN không chỉ tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong nước mà còn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. 

Phát hiện này cho thấy có sự nhất quán giữa nhận thức của DN về kinh doanh có trách nhiệm và việc triển khai thực tế của họ. Phần lớn các DN hiểu kinh doanh có trách nhiệm ít nhất là tuân thủ pháp luật, do đó họ tập trung đáp ứng nhiều nhất các yêu cầu, quy định của pháp luật.

Môi trường là lĩnh vực tuân thủ thấp nhất

Đáng chú ý, trong ba nhóm thực hành kinh doanh có trách nhiệm về lao động, môi trường và quản trị, khía cạnh lao động được các DN hưởng ứng tích cực nhất, trong khi các khía cạnh về môi trường và quản trị chưa được quan tâm nhiều. 

Khảo sát cho thấy 82% DN được hỏi khẳng định họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về lao động liên quan tới chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc. Đây là tỷ lệ tuân thủ cao nhất so với tỷ lệ trung bình tương ứng về các vấn đề quản trị và môi trường là 71% và 66%.

Các DN cho biết các thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động được ưu tiên do liên quan trực tiếp tới phúc lợi của con người và thu hút mối quan tâm lớn của cả các cơ quan quản lý và công chúng nói chung. Tuy nhiên, các vấn đề về môi trường chưa thực sự rõ ràng với cơ chế thực thi tương đối yếu hơn, vì thế các thực hành trong lĩnh vực này được ít ưu tiên hơn.

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, về tổng thể, việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của các DN thuộc mọi quy mô, loại hình và lĩnh vực là tích cực. Tuy nhiên, DN càng lớn và tham gia hội nhập toàn cầu càng nhiều thì mức độ thực hiện kinh doanh có trách nhiệm càng cao. Nhiều DN cũng cho rằng cơ chế thực thi của luật chưa mạnh (18%), sự thiếu hụt về nguồn lực, tài chính (12%), về nhân sự (10%) là những thách thức lớn nhất của DN để thực hiện kinh doanh có trách nhiệm.

Đặc biệt, khi áp lực càng lớn thì mức độ thực hiện càng cao. Áp lực bên ngoài như yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc gia, chế tài xử phạt nếu không thực hiện, hoặc yêu cầu của khách hàng và nhà cung cấp. Áp lực bên trong như sức ép từ cổ đông và người lao động. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tuân thủ và phát triển bền vững là động lực chính cho thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Dịch Covid-19 cũng được coi là một trong hai rào cản lớn nhất đối với DN vừa và nhỏ trong nước và là một trong ba thách thức hàng đầu đối với DN tư nhân trong nước và DN nước ngoài.

Nhìn chung, tương lai việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của các DN là tích cực, nhưng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể thúc đẩy hơn nữa. Theo nghiên cứu, hơn 60% DN có kế hoạch thực hiện kinh doanh có trách nhiệm và 2/3 DN lớn, DN nhà nước, DN trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sẽ áp dụng kinh doanh có trách nhiệm trong tương lai. 

Các DN được hỏi đều thống nhất rằng xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia sẽ là cách tốt nhất hỗ trợ và đảm bảo sự nhất quán cho việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm trong tương lai. Điều này cũng sẽ cho phép các kế hoạch đầu tư dài hạn hơn ở Việt Nam, giúp cho cho cộng đồng và các bên liên quan tin tưởng rằng quyền của họ được bảo vệ. 

Phó đại diện thường trú của UNDP Sitara Syed cho rằng, Nghiên cứu được thực hiện rất kịp thời. Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế nhanh, tương đối bao trùm và đầu tư mang lại cơ hội, nhưng điều này cũng góp phần vào sự suy thoái môi trường và những vi phạm khác trong các DN. Sự phục hồi của Việt Nam sau Covid-19 bên cạnh việc bộc lộ những lỗ hổng sẵn có trong nền kinh tế, bao gồm cả trong cách thức kinh doanh; nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiến lên tốt đẹp hơn, thông qua phát triển các DN có trách nhiệm với con người và môi trường...

Bà Sitara Syed đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia đầu tiên của Việt Nam về Thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào năm 2022: “Kế hoạch Quốc gia sẽ phù hợp với các Nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp quốc về kinh doanh và nhân quyền và UNDP sẵn sàng hỗ trợ quá trình xây dựng kế hoạch và các cuộc tham vấn với các bên liên quan trong các lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch hành động quốc gia. Với những nỗ lực như vậy, DN sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong thúc đẩy phát triển bền vững, vì con người, hành tinh và sự thịnh vượng”- bà Sitara Syed nhận định.

Đọc thêm