Thách thức mới cho doanh nghiệp Việt

(PLO) - Các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, tận dụng tốt các lợi thế trong tiến trình hội nhập, nỗ lực hơn nữa để biến thách thức thành cơ hội.
Doanh nghiệp Việt cần nỗ lực nhiều hơn để sống được trong “Kỷ nguyên FTA thế hệ mới”.
Doanh nghiệp Việt cần nỗ lực nhiều hơn để sống được trong “Kỷ nguyên FTA thế hệ mới”.

Các ý kiến tại diễn đàn “doanh nghiệp Việt: Kết nối và Hội nhập trong Kỷ nguyên hiệp định thương mại thế hệ mới” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức ngày 23/6 tại Hà Nội đều nhận định như vậy.

Để không bị lùi lại phía sau

Khi các hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực thực thi, Việt Nam và các nước đối tác tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết đã tạo ra cơ hội cạnh tranh hàng hóa. Thị trường trong nước dồi dào, phong phú các sản phẩm ngoại nhập; đồng thời, các hàng hóa của Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang các nước trong khu vực và thế giới.

Theo nhận định của các chuyên gia, khi hội nhập, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng. Người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa tốt và rẻ hơn. Dòng vốn ngoại đầu tư vào nước ta sẽ tăng. Các doanh nghiệp (DN) có cơ hội mở rộng tiêu thụ sản phẩm đến tất cả các nước đối tác. Thủ tục xuất nhập khẩu bớt rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất hàng hóa ra thị trường thế giới…

Tuy nhiên, “chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đầy khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và đối với cộng đồng DN khi mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay, khi hàng loạt các FTA song phương và đa phương được kí kết, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập và đặc biệt là việc hoàn tất đàm phán và kí kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), để không bị lùi lại phía sau, nhiều DN đã tiếp tục đầu tư phát triển, nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội. 

Theo thống kê của VCCI, tính đến 31/12/2015, cả nước đã có 94.754 DN đăng ký thành lập mới theo Luật DN với tổng số vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số DN và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2007 – 2015 đã có 692.000 DN đăng ký thành lập, nâng tổng số DN đã đăng ký thành lập lên khoảng 941.000 DN, tiếp tục tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội.

Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI, “một lần nữa, tinh thần doanh nhân, bản lĩnh vượt khó cũng như khả năng sáng tạo của các DN Việt lại bừng dậy và các DN, doanh nhân đã có những nỗ lực phi thường, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Kinh nghiệm từ trong khó khăn cho thấy tinh thần đột phá sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tính kiên trì và nghị lực phải được hỗ trợ và trụ vững trên nền tảng quản trị DN tốt và chất lượng của nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh, các DN Việt Nam phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành để những thành tựu kinh doanh và giá trị DN được duy trì bền vững. Đây cũng là một trong những định hướng ưu tiên trong quá trình tái cấu trúc DN ở nước ta”. 

Với những hiệp định được ký kết như vậy chúng ta đã có mối quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới. “Nếu tất cả các hiệp định này được thực hiện thì 80% tổng kim nghạch xuất khẩu của nước ta sẽ đi theo con đường thương mại tự do này”. Cùng với những đặc trưng về thuế quan, ông Hà Duy Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tài chính cho biết, một đặc trưng khác của “Kỷ nguyên FTA mới” là cơ chế giám sát.

Không như những hiệp định khác, việc giám sát chưa được thực hiện nghiêm chỉnh lắm và đi vào thực thi cũng chưa có một cơ chế nào hữu hiệu thì trong TPP, cơ chế giám sát này rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, cơ chế pháp lý cũng sẽ là thách thức và rủi ro rất lớn cho DN Việt Nam. Bởi trước đây khi tham gia các hiệp định tự do, nếu làm sai thì cũng chưa hề có vụ kiện, giải quyết tranh chấp nào trong các nước ký kết. Còn với TPP, cơ chế Nhà nước kiện Nhà nước và cơ chế nhà đầu tư kiện Nhà nước khi xảy ra vi phạm. 

FTA thế hệ mới luôn đi kèm những thách thức mới

Nếu Việt Nam được Quốc hội thông qua Hiệp định TPP thì vẫn còn chờ 11 nước còn lại, nếu không phải chờ 6 nước trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản. Do đó, phải đến khoảng đầu năm 2018 Hiệp định mới có hiệu quả. Song DN cần lưu ý 3 điểm trong thời gian tới. Thứ nhất, trong một hiệp định thế hệ mới, những vấn đề về thuế sẽ liên quan đến các vấn đề khác. Trong khi đó chúng ta còn rất nhiều rào cản như xuất xứ, tính ràng buộc về môi trường, lao động…

Chúng ta đang ở trong bối cảnh rất nhiều FTA được thực thi, sắp tới lại có thêm 4 – 5 hiệp định nữa cho nên mối quan hệ sẽ rất ràng buộc và đan xen lẫn nhau. Thứ hai, các FTA thực thi khiến các chính sách của Nhà nước dần dần thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa DN và cơ quan nhà nước để chống gian lận thương mại và tham vấn trong việc đàm phán các hiệp định thế hệ mới.

Ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với cam kết mở cửa thị trường, không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, không phân biệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài thì có thể nói đây là cam kết khá sâu rộng. Đối với phương thức mở cửa thị trường, thứ nhất, tiếp cận theo phương thức “chọn – bỏ”.

Với phương thức này, thuận lợi sẽ thuộc về nhà đầu tư mặc dù sẽ có một số khó khăn cho cơ quan quản lý. Thứ hai, xác định cụ thể, chi tiết những biện pháp hạn chế, phân biệt được áp dụng. Thứ ba, tuân thủ các nguyên tắc chỉ tiến không lùi – có nghĩa là đã cam kết trong bản chào như thế nào thì không được thay đổi, không bàn lùi.

“Việt Nam đã có những bước tiến khá xa, rất đáng kể như trong những ngành, lĩnh vực cam kết trước đây như phân phối. Chúng ta cũng đã duy trì bảo lưu 5 năm với yêu cầu về bảo lưu thị trường của Bộ Công Thương. Những ngành nghề nhạy cảm như thuốc, xăng dầu được Việt Nam bảo lưu rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, một số những lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, đất đai, khai thác khoáng sản, hỗ trợ… cũng có những cam kết nhất định để bảo lưu chặt chẽ, đảm bảo quyền để Chính phủ quản lý thương mại và đảm bảo thông tin truyền thông” – ông Phương nói.

Về bảo bảo hộ đầu tư, ông Phương cho biết đây là nội dung quan trọng và khá nhạy cảm. Trong hiệp định này, yêu cầu về bảo hộ đầu tư rất cụ thể và công bằng, thỏa đáng, đảm bảo bảo hộ an toàn và đầy đủ theo tập quán quốc tế. Hiệp định cũng nêu rõ nhà đầu tư cần chứng minh rõ ràng khi khởi kiện. Trong hiệp định cũng có nước đã có bước tiến xa hơn, cụ thể bảo hộ không chỉ là tài sản đầu tư không mà tính cả những lợi ích liên quan, nhưng cũng không có nghĩa là nhà đầu tư được đòi hỏi quá đáng. Như vậy, có thể nói hiệp định này có nhiều bước phát triển mới cân bằng và chặt chẽ. Ngoài ra, với cam kết này, nhà đầu tư được khởi kiện Chính phủ tại Trọng tài quốc tế, tuy nhiên nhà đầu tư khởi kiện không căn cứ sẽ bị phạt. 

Quy định về phạm vi và mức độ cam kết trong TPP cho phép DN kiện từ giai đoạn đăng ký đầu tư và được áp dụng đối với các hợp đồng đầu tư. Với nội dung minh bạch hóa thủ tục giải quyết tranh chấp, xét xử công khai và cho phép sự tham gia của 3 bên. “Đây được coi là cam kết quan trọng và hoàn toàn mới, nhất là đối với các nước trong khối ASEAN. Nội dung này cũng chưa bao giờ Việt Nam cam kết ở đâu cả. Mặc dù việc mình bạch này sẽ tạo gánh nặng pháp lý nhưng có tác động tích cực đến sự hành xử của từng nước” – ông Phương khẳng định.

Đối với cam kết phi thương mại như trách nhiệm xã hội của DN, sẽ khuyến khích các DN tự nguyện đưa vào chính sách nội bộ những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội. Với cam kết về đầu tư với môi trường, lao động, sẽ không hạ thấp tiêu chuẩn môi trường, lao động nhằm thu hút đầu tư.

Ông Phương cũng lưu ý một số vấn đề cụ thể khi liên hệ thực tiễn. Thứ nhất, cần xây dựng chính sách và quản lý đầu tư; Thứ hai, trong đăng ký và hoạt động đầu tư, các DN cần lưu ý, những nước có cơ chế thứ ba sẽ có chế độ ưu đãi nhất đối với DN nên DN có quyền lựa chọn nước để đầu tư; Thứ ba, với đàm phán hợp đồng với các nhà đầu tư, DN lưu ý khi đàm phán hợp đồng có một số nguyên tắc phải loại trừ, hoặc một số nguyên tắc cần phải lựa chọn xem có nên đưa ra hay không.

Mở rộng thị trường là bài toán sống còn

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đối với vấn đề tiêu thụ hàng hóa, nông sản toàn cầu trong điều kiện hàng loạt FTA tự do, FTA được ký kết trong thời gian vừa qua và trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các sản phẩm hàng hóa, nông sản Việt Nam chịu sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt khi các thị trường tiềm năng nhưng song hành với đó là tiêu chí xanh, sạch, an toàn được đặt lên hàng đầu.

Ghi nhận tâm tư của các DN chăn nuôi khi bước vào “Kỷ nguyên FTA thế hệ mới”, ông Nguyễn Mạnh Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nhận thấy nhiều băn khoăn về sức cạnh tranh của ngành này. “Chúng ta tham gia vào hội nhập với khá nhiều thuận lợi nhưng tận dụng tới đâu chúng ta còn phải xem lại. Gạo có tiềm năng nhưng giá thấp, cà phê đứng thứ 4, thứ 5 thế giới nhưng chưa có tên tuổi nhiều… Do đó, chúng ta cần xây dựng thương hiệu để tránh cảnh “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” – ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, chúng ta đi đàm phán để đàm phán chứ bước đầu chưa phải là đòi hỏi nội tại của DN. Thế nhưng, DN phải nhìn nhận thực tế, tại sao thủy sản của chúng ta có tiếng trên thế giới nhưng lại không có giá? Hội nhập sẽ khiến người dân sao? Lao động tự làm của DN của Việt Nam chiếm 6,5%. Chúng ta xuất khẩu lao động là lao động phổ thông, trong khi đó nguồn lao động tại các nước khác được đào tạo bài bản hơn và được trả công cao hơn rất nhiều.

Nhận thấy vấn đề xúc tiến thương mại kết nối và thương mại là cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) cho biết, đây là việc làm “sống còn” với DN, thế nhưng thực tế lại cho thấy vẫn còn nhiều DN chưa chú trọng hay chưa có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Theo bà Tuyết, Việt Nam nên có sự chuẩn bị và tạo ra một quy trình liên kết DN như tạo lập danh bạ những DN quốc gia trong cùng lĩnh vực để khi DN hay nhà đầu tư cần thông tin có thể dễ dàng tra cứu.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, với nhu cầu về vốn hỗ trợ chuyển giao công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có khoản tiền lớn, DN nên tiếp cận Sở Khoa học và Công nghệ để tiếp cận gói hỗ trợ này. “Hiện có quỹ hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ để có ngân sách dành cho quỹ này. Tuy nhiên không phải DN nào cũng được vay mà phải đáp ứng một số quy chế. Các quy chế này đã được xây dựng dựa trên sự tổng hợp nhiều ý kiến từ DN, các cơ quan chức năng để loại trừ những trường hợp lợi dụng vốn này”. – ông Tiến nhấn mạnh.

Đọc thêm