Thái Nguyên: Vốn chính sách chung tay xây dựng nông thôn mới

(PLO) - Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.  
Thái Nguyên: Vốn chính sách chung tay xây dựng nông thôn mới

Thay hoàn cảnh sống, đổi cả ý thức

Nhận thấy chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn, năm 2013, ông Triệu Văn Quản (trú tại Làng Bâng, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa) đã mạnh 

dạn vay  30 triệu đồng từ NHCSXH để nuôi dê. Lúc đầu, ông nuôi 10 con dê cái và 1 con dê đực. Sau 6 tháng, lứa đầu tiên đẻ, ông xuất chuồng 20 con, trọng lượng mỗi con đạt 35 - 40kg, bán với giá 100.000 đồng/kg. Mỗi năm gia đình ông cũng tiết kiệm được 20, 30 triệu đồng. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Quản cho biết: “Gia đình tôi giờ đã xây được nhà kiên cố, sắm được đầy đủ vật dụng sinh hoạt, phương tiện đi lại, còn có bát ăn bát để..., mọi thứ cứ như trong mơ. Năm 2013, gia đình tôi vẫn còn là hộ nghèo, nhưng có sức bật từ vốn chính sách của NHCSXH, gia đình tôi sử dụng hiệu quả, đã nhanh chóng thoát nghèo”. 

Còn anh Ma Xuân Dương (trú tại huyện Phú Lương) từng lâm cảnh 3 không: Không sức khỏe, không vốn liếng, không ruộng cấy cày và “được” xếp vào danh sách nghèo… nhất nhì trong xã. Giờ đây, gia đình anh có trong tay hàng trăm triệu đồng nhờ chăn nuôi thỏ từ đồng vốn của NHCSXH. 

 Gia đình anh vay NHCSXH 71 triệu đồng cho 2 cháu đi học, giờ đã trả được một phần. “Sau khi cháu đầu ra trường và có công việc ổn định, năm 2014, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo và chuyển sang hộ cận nghèo. Lúc này, mặc dù vẫn phải vay vốn để nuôi cháu thứ 2 ăn học nhưng gánh nặng đã giảm đi phần nào và vì thế, chúng tôi có tâm trí và dồn lực để lo làm kinh tế” - anh Dương cho biết.

Cùng với khoản vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện và vay mượn thêm họ hàng bà con, giờ gia đình anh đã đầu tư được chuồng trại nuôi thỏ, đã có thỏ bán, thu được kết quả bước đầu.  Hiện, gia đình anh có 100 con thỏ cái và 20 con thỏ đực bố mẹ. 

Đóng góp hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới

Theo NHCSXH tỉnh Thái Nguyên, từ việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đã huy động được nhiều nguồn lực tài chính để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đáp ứng được một phần nguồn tài chính phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của người dân vùng khó khăn. Vốn tín dụng đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, góp phần vào thực hiện tiêu chí cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong năm 2016, toàn tỉnh góp phần giúp cho 6.549 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 xuống còn 11,21% (giảm 2,19% so với đầu năm 2016). 

Ông Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên - cho biết:  Thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, chú trọng   nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng, thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Từ đó, giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, có cơ cấu lao động hợp lý để xây dựng NTM có hiệu quả tại các địa phương”.

Được biết, trong tháng 2/2017 chi nhánh đã được NHCSXH Việt Nam giao tăng trưởng nguồn vốn tín dụng 160 tỷ đồng cho vay 4 chương trình tín dụng ưu đãi xây dựng nông thôn mới như: cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường. 

Đọc thêm