Tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN: Sẵn sàng nhưng chưa thể thực thi

(PLO) - Theo đánh giá của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu, nhìn chung  Việt  Nam đã có những chuẩn bị cơ bản, sẵn sàng cho việc tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến được thành lập vào năm 2015, nhưng phải xử lý những khó khăn bất cập để có thể thực thi được các cam kết…
Tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN: Sẵn sàng nhưng chưa thể thực thi
Sẵn sàng…
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một nỗ lực hướng tới tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. 
AEC cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao và có thể hội nhập đẩy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Mục tiêu mà AEC có thể hướng tới bao gồm: khả năng chống đỡ khủng hoảng; hòa nhập; cạnh tranh và hài hòa.
Theo bà Trần Bình Minh, chuyên gia Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư Châu Âu (MUTRAP), đối với trụ cột về một thị trường và một cơ sở sản xuất chung, Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trên các phương diện quản trị và công bằng, tham gia vào cộng đồng thương mại, quy trình rà soát, thủ tục, dù chưa thực sự hiệu quả với phí và lên phí, hợp tác cơ quan biên giới. 
Đối với trụ cột về Khu vực kinh tế cạnh tranh, Việt Nam đã tích cực trong việc sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo hướng thúc đẩy một khu vực kinh tế cạnh tranh cũng như ký kết và tích cực tham gia các thỏa thuận trong ASEAN. Trụ cột phát triển kinh tế công bằng được thực hiện thông qua thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa - và sáng kiến hội nhập ASEAN. 
Đối với trụ cột về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang hướng đến các “sân chơi” có chất lượng cam kết cao hơn như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam- EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazaksatn, Hiệp định FTA với Hàn Quốc.
Nhưng còn nhiều việc phải làm
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, việc thực thi của Việt Nam vẫn là nỗ lực lớn. “Có khoảng 30% DN biết về AEC. Tuy nhiên, thực tế cho thấy biết làng màng còn nguy hiểm hơn là không biết…”- ông Thành phát biểu.
Dẫn chứng vấn đề thời sự gần đây, TS Thành cho rằng sự hợp tác kinh tế trong Asean về đánh cá mở ra một khoảng trời mới để ngư dân Việt Nam đi đánh cá, nhưng rất tiếc từ đầu năm đến nay, hơn 60 ngư dân Việt Nam bị bắt vì xâm phạm lãnh hải của nước bạn,  ngoài ra một số tàu của ngư dân bị tiêu hủy mà không dám kêu… 
“Ngư dân bị bắt và tàu bị hủy vì không hiểu luật chơi, không hiểu các tiêu chuẩn của luật chơi. Nếu hiểu một cách sâu sắc thì sẽ tránh được những học phí không đáng  mất  như vậy…”- TS Thành bình luận.
Theo nhận định của các chuyên gia MUTRAP, mặc dù Việt Nam đang hướng tới các “sân chơi” chung của ASEAN nhưng quá trình thực hiện AEC của Việt Nam vẫn phải đối đầu với khá nhiều  khó khăn. Những bất cập, khó khăn này  một phần xuất phát từ những bất cập trong hệ thống thể chế (kể cả thể chế trong hội nhập kinh tế quốc tế), chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng…
“Để củng cố nỗ lực chuẩn bị hướng tới AEC 2015, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết của mình, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực thể chế và DN để tận dụng các cơ hội và ứng phó với khủng hoảng, bảo đảm sự tham gia sâu rộng của nhiều tầng lớp dân cư. Song song với các biện pháp này là nỗ lực truyền bá, quản lý, giám sát thông tin. 
Bên cạnh đó, tăng cường cải cách trong nước về môi trường kinh doanh – đầu tư, chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực cùng với khuôn khổ pháp lý thông suốt là bước đi căn bản, không thể thiếu để Việt Nam có thể tham gia hiệu quả vào sân chơi chung của khu vực…”- Chuyên gia MUTRAP khuyến cáo.

Đọc thêm