Tham nhũng - Tiềm ẩn và phát lộ

(PLO) - Phát biểu tại một cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “BOT chứa đựng rủi ro tham nhũng lớn nhất”. Như vậy, những người làm công tác quản lý đầu tư biết rõ những nguy cơ tiềm ẩn nạn tham nhũng trong các dự án BOT thế nhưng tại sao tình trạng mù mờ, khuất tất ấy không được phát lộ? 
Tham nhũng - Tiềm ẩn và phát lộ

Chỉ khi cái Trạm thu phí Cai Lậy với các sai phạm rất rõ ràng, gây nên một làn sóng phản ứng của dư luận thì mới hé lộ các sai phạm từ nhà đầu tư, xây dựng.

Mà ngay cả khi những sai phạm bị phanh phui thì còn có những người giữ chức vụ cao trong ngành khăng khăng bảo vệ những cái sai phạm ấy. Chỉ riêng chuyện này thôi cũng đủ để hiểu rõ nguồn cơn vì sao các dự án BOT không được công khai, minh bạch.

Kết luận thanh tra các dự án BOT và BT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua cho biết đã có tiền tỷ thất thoát tại các dự án này. Chính quyền TP Hồ Chí Minh đã lập tức lên tiếng khẳng định không có lợi ích nhóm trong đó, nếu không có thì cần phải minh bạch, công khai để những người dân “thụ hưởng” các dự án này bằng cách trả tiền được biết chứ. Còn Hà Nội, chính quyền vẫn im lặng sau khi có kết quả thanh tra, phải chăng vì có “lợi ích nhóm”?

Tình trạng mù mờ trong đầu tư, xây dựng, thực hiện dự án không chỉ trong lĩnh vực BOT hoặc BT mà còn khá phổ biến ở các lĩnh vực khác. Ví dụ nhỏ, khi thực hiện các dự án công trình dân sinh bằng tiền ngân sách (kênh mương, nước sạch, đường sá, cầu treo,...) mà thi công bí mật như công trình quân sự, dân không được biết gì về thiết kế, số tiền, nguyên vật liệu, thời gian,... thậm chí ngay cả chính quyền sở tại cũng không được biết. Nếu làm ăn đường đường chính chính, không rút ruột, chia chác thì tại sao phải giấu kỹ đến thế? Ở đây không phải chỉ tiềm ẩn những nguy cơ tham nhũng mà đích thực là tham nhũng bị tiềm ẩn, ngăn chặn nguy cơ phát lộ!

Tiềm ẩn và phát lộ ở một diễn biến khác từ phiên tòa xử những kẻ nhập thuốc chữa ung thư giả và chi hoa hồng cho bác sỹ. Vụ này phát lộ từ năm 2014 nhưng bị “tiềm ẩn” ít người biết đến. Khi phát lộ tại phiên tòa thì sự“tiềm ẩn” lên tiếng đòi làm rõ các bài viết đi tìm sự thật mà họ cho là vu khống. Lẽ ra phải trả lời công luận về những khuất tất “tiềm ẩn” trong công tác quản lý thì họ lại “phát lộ” những toan tính trả đũa dư luận.

Ai cũng biết công khai, minh bạch là biện pháp tốt nhất để ổn định xã hội, ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng nhưng ngay cả khi những sai trái bị phơi bày thì người ta vẫn tìm cách lấp liếm. Như vậy, còn mong chi sự minh bạch từ đầu để loại trừ những nguy cơ tiềm ẩn!

Đọc thêm