'Tháng cô hồn': Nơi né mở hàng, chỗ tăng doanh thu

(PLO) - Giảm giá, tặng mũ bảo hiểm, phiếu mua quà, phí trước bạ,... là những chiêu khuyến mại mà các cửa hàng áp dụng để cứu vớt lượng bán giảm vào “tháng cô hồn” (tháng 7 âm lịch) nhưng ngược lại với một số chủ cửa hàng, đây lại là khoảng thời gian buôn bán bội thu nhất trong năm.
Nhiều cửa hàng bán đồ sơ sinh lâm vào cảnh ế ẩm vì khách kiêng kị “tháng cô hồn”.Ảnh minh họa
Nhiều cửa hàng bán đồ sơ sinh lâm vào cảnh ế ẩm vì khách kiêng kị “tháng cô hồn”.Ảnh minh họa

Đủ chiêu dụ khách vẫn ế ẩm

Tháng 7 âm lịch, theo quan niệm dân gian, Diêm Vương sẽ mở Quỷ Môn Quan để các vong hồn thoát khỏi chốn địa ngục khổ đau lên ngao du nhân gian. Vì lẽ đó, nhiều người cho rằng đây là thời điểm hạn chế mua bán nếu không cần thiết, do đó luôn là tháng sụt giảm doanh số của hầu hết các ngành nghề kinh doanh. Có những năm các đại lý bán hàng ghi nhận doanh số giảm tới một nửa so với trung bình. 

Bước vào đại lý Honda trên phố Thái Hà (Hà Nội) chiều cuối tuần, hình ảnh trái ngược hoàn toàn với những tháng khác trong năm. Cuối tuần thường là dịp rảnh rỗi để đi mua sắm nhưng vào tháng 7 âm lịch, điều đó bị hạn chế rất nhiều. Bên ngoài cửa hàng, các băng rôn chương trình khuyến mại treo chồng lên nhau tấp nập, khi qua cửa kính là không gian vắng vẻ, không có lấy một khách hàng thăm xe.

Cùng chung tình cảnh khó bán hàng trong tháng 7 âm lịch, quản lý một siêu thị mẹ và bé tại khu vực Hà Đông chia sẻ: “Đến hẹn lại lên, tháng 7 tới là lúc doanh thu bán hàng giảm, chỉ các mặt hàng không thể thay thế như sữa, bỉm và đồ cho các bé ngoài một tuổi đạt doanh số, còn lại, đồ sơ sinh giảm tương đối. Có lẽ một phần do quan niệm của bố mẹ không muốn mua sắm những món đồ đầu đời cho bé vào tháng này”.

Để kích doanh số, nhiều siêu thị, cửa hàng lớn phải tung ra các chương trình khuyến mại. Nhiều cửa hàng giảm mỗi hóa đơn 50.000 - 100.000 đồng cho các mẹ bầu mua hàng mang theo sổ khám thai, nơi lại có chính sách giao hàng tháng 8 và được chiết khấu. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, thông báo nghỉ bán trong nửa đầu tháng 7 âm lịch. “Các năm trước, dù có mở cửa bán liên tục cũng không ăn thua, hàng bán rất chậm. Năm nay rút kinh nghiệm, hai vợ chồng thu xếp cho cả nhà đi du lịch và cũng tranh thủ tìm thêm các mối hàng khác” - chủ một cửa hàng chia sẻ.

Đồ chay vào mùa

Trái ngược với cảnh vắng vẻ ở các cửa hàng này, những cửa hàng bán đồ ăn chay lại đông nghẹt khách cả ngày lẫn đêm. Với quan niệm hạn chế sát sinh các loài động vật để xá tội vong nhân, nhiều gia đình chọn cách ăn chay để tâm thanh tịnh và cầu may mắn. Khác với những ngày mùng một hoặc ngày Rằm thông thường, số lượng thực khách tìm tới những cửa hàng bán đồ chay đều gia tăng đột biến trong tháng Bảy âm lịch.

Không chỉ ăn ngay tại các tiệm ăn chay, nhiều khách hàng chọn phương án mua đồ về nhà. Một số bà nội trợ cũng tự mua đồ về nấu để nhằm tiết kiệm chi phí và đảm bảo hương vị theo đúng sở thích của mình. Vậy nên, lượng mua các mặt hàng đồ chay tại các chợ, siêu thị cũng tăng đáng kể. 

Chị Nguyễn Lan Phương chủ cửa hàng bán đồ chay trên phố Thái Hà, Hà Nội) chia sẻ, tháng này, lượng khách đặt tiệc mặn giảm, thay vào đó nhà hàng nhận được nhiều tiệc chay. Để đáp ứng nhu cầu của khách cũng như tăng doanh thu, nhà hàng đã tổ chức xen kẽ những tiệc buffet chay. Tuy nhiên, nguồn rau củ, đồ chay khó đặt hơn mọi ngày. Nhà hàng phải lấy từ nhiều nơi mới đủ nguyên liệu phục vụ món ăn đa dạng cho khách. Doanh thu tháng 7 của quán luôn cao hơn các tháng khác trong năm.

Đọc thêm