Thanh tra giá chuyển nhượng: “Khắc tinh” của gian lận thuế

(PLO) - Với việc thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Thanh tra Tổng cục Thuế, Tổng cục Thuế kỳ vọng sẽ tạo nên bước chuyển biến mới trong công tác quản lý giá chuyển nhượng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp, ngăn chặn các hành vi gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng...
Từ thí điểm lên chuyên nghiệp
Hôm qua (28/10), Tổng cục Thuế (TCT) đã chính thức công bố thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Thanh tra TCT. Phòng này được bố trí 3 lãnh đạo và 7 chuyên viên trên cơ sở điều động từ các đơn vị chức năng của TCT. 
Lễ ra mắt Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Tổng cục Thuế
Lễ ra mắt Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Tổng cục Thuế
Phát biểu tại sự kiện quan trọng nói trên, Tổng cục trưởng TCT Bùi Văn Nam cho biết, để quản lý thuế đối với hoạt động giá chuyển nhượng, năm 2012 TCT đã thành lập Tổ Quản lý giá chuyển nhượng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm. Qua 3 năm hoạt động, tổ đã triển khai thanh tra giá chuyển nhượng đạt kết quả tốt, được các bộ, ngành đánh giá cao. TCT nhận thấy cần có một đơn vị chuyên trách, độc lập để tiếp tục triển khai toàn bộ các nội dung liên quan đến quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. 
Đặc biệt,Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cũng lưu ý, giá chuyển nhượng không chỉ liên quan đến doanh nghiệp FDI mà cả các doanh nghiệp trong nước, do vậy, việc thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế và chương trình cải cách thuế.
Ông Nam cũng cho biết, bước đầu cơ quan thuế đã sắp xếp thu thập dữ liệu về doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang tiếp tục nghiên cứu. Riêng với doanh nghiệp FDI, trong số 13.000 có tới 4.098 doanh nghiệp có giao dịch liên kết có giá chuyển nhượng. 
“Việc thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Thanh tra TCT chính là tiếp tục công việc đã làm từ năm 2012. Đây là lĩnh vực khó, thậm chí có vụ hai, ba năm mới giải quyết xong. Chúng ta tin tưởng rằng với khả năng của các thành viên, Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…” - ông Nam khẳng định.
Nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp
Vụ trưởng , Phó Trưởng ban Cải cách hiện đại hoá (TCT) Nguyễn Quang Tiến nhớ lại, vụ đầu tiên cơ quan thuế đấu tranh được là vụ Cty Hualon Việt Nam (có trụ sở tại Đồng Nai) được thế giới đánh giá cao khi giảm lỗ trên 1.200 tỷ đồng, truy thuy 78 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Ông Tiến cũng cho biết,  kết thúc 3 năm thí điểm, tính bình quân 29 vụ đã kết thúc thanh tra, trung bình mỗi vụ giảm lỗ 300 tỷ đồng, truy thu 20 tỷ  đồng. 
“Mong muốn của chúng tôi là đẩy mạnh thanh tra để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, ý thức tuân thủ của các DN đã nâng cao. Vì các doanh nghiệp ý thức được việc phải kê khai các giao dịch liên kết, trong mẫu khai thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm đã có mục khai giao dịch liên kết, việc kê khai không còn thủ công nữa, đã hình thành cơ sở dữ liệu rủi ro cao, đặc biệt là da giày và dệt may, hai ngành sẽ hưởng lợi khi Việt Nam tham gia TPP…”- ông Tiến cho biết.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định việc Bộ Tài chính quyết định thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Vụ Thanh tra TCT cũng chính là nhằm ngăn chặn có hiệu quả hành vi gian lận thông qua giá chuyển nhượng, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng cho doanh nghiệp… 
Bốn Cục Thuế được thành lập bộ phận thanh tra giá chuyển nhượng
“Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Vụ Thanh tra TCT được thành lập theo Quyết định 1484/QĐ-BTC ngày 29/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo Quyết định này, bốn Cục Thuế  Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cũng được thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng. Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng thuộc Thanh tra TCT hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Quyết định 1575/QĐ-TCT ngày 1/9/2015 của Tổng cục trưởng TCT”.

Đọc thêm