Tháo gỡ vướng mắc để hộ kinh doanh sẵn sàng chuyển đổi

(PLO) - Một nguồn lực rất lớn để thực hiện mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020 của Chính phủ chính là tạo điều kiện khởi nghiệp cho các hộ kinh doanh cá thể, thúc đẩy họ chuyển đổi thành DN. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này vẫn đang gặp không ít khó khăn, cần có các giải pháp tháo gỡ để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành công và phát triển bền vững.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không mặn mà chuyển thành DN

Với quy mô hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh, không thể phủ nhận bộ phận hộ kinh doanh cá thể cùng với đội ngũ DN đã và đang giữ vai trò trụ cột, đóng góp to lớn vào việc tạo công ăn việc làm, cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế. Thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho biết, hiện có khoảng hơn 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có khoảng hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ.  Vì vậy, nếu “chính thức hóa” hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ nâng cao chất lượng lao động, tạo sự chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh...

Có điều, các hộ kinh doanh không mặn mà, thậm chí “ngại lên” DN. Một dẫn chứng rất rõ nét là câu chuyện ở quận 1, TP HCM. Quận 1 hiện có khoảng 26.000 hộ kinh doanh, chỉ tiêu của quận là vận động trên 2.000 hộ chuyển đổi thành DN đến hết năm 2017. Thế nhưng trong 6 tháng qua, cả quận mới chỉ có 8 hộ chuyển đổi thành DN. Đây cũng là tình trạng phổ biến tại nhiều nơi trên cả nước. 

Lý giải thực tế trên, ông Phan Đức Hiếu (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phân tích, nếu là DN, môi trường kinh doanh tại Việt Nam ghi nhận thời gian và chi phí khởi sự mất ít nhất 24 ngày. Gặp khó khăn, muốn rút khỏi thị trường mất  60 tháng. Không những thế, mất đến 540 ngày cho thời gian trả thuế, chưa kể, khó khăn trong thuê tuyển, sa thải lao động. Chính những tuân thủ này thật sự là “ác mộng” với DN.

Trong khi đó so với DN, hộ kinh doanh cá thể lại có những lợi thế hơn nhất định. Chẳng hạn đơn giản hơn chế độ sổ sách kế toán: hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập DN. Chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của DN vừa và nhỏ. Họ chỉ cần đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập DN, thuê, tuyển lao động dễ dàng hơn...

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Tô Hoài Nam quan niệm, sở dĩ nhiều chủ hộ không muốn chuyển sang loại hình DN là vì nhiều lý do. Trước hết là các chủ DN muốn tránh nghĩa vụ thuế, bởi vì khu vực này áp dụng thuế khoán. Mặt khác, họ ngại các thủ tục hành chính có thể còn rườm rà, chưa phù hợp, rồi thời gian để đảm bảo được các nhu cầu hoạt động liên quan đến sổ sách kế toán. 

Tháo nút thắt chuyển đổi 

Có thể nói, điều kiện để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN về mặt thủ tục cũng không có gì phức tạp sau khi ta có Luật Doanh nghiệp mới. Việc chuyển đổi chỉ cần 1 đơn xin thành lập DN và kèm theo các chứng từ về nhân thân của mình, như chứng minh thư, hộ chiếu… Đối với loại hình DN khác (như  Công ty TNHH, Công ty cổ phần…) thì cần thêm điều lệ và chứng từ nhân thân của thành viên tham gia. Hơn nữa, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua đã đơn giản hơn nhiều lần về mặt thủ tục.

Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành DN, ông Hiếu kiến nghị nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính. Điều quan trọng nhất là chính nhà đầu tư thấy được lợi ích lớn hơn chi phí bỏ ra để thành DN. Đồng thời, cần tiếp tục một cách mạnh mẽ cải cách về môi trường kinh doanh đã được xác định nhằm giảm chi phí và thời gian cho hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc gia nhập và hoạt động dưới một số hình thức DN phải dễ dàng như dưới hình thức hộ kinh doanh, rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về thuế, điều kiện đầu tư kinh doanh, lao động.

Ông Nam thì đề xuất, muốn hộ kinh doanh chuyển sang DN thì chính sách của chúng ta phải hỗ trợ toàn diện được cho tất cả các khâu sản xuất kinh doanh. Chính sách của ta dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập DN, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp. Cái cần là chính sách phải xuyên suốt và nhất quán, tức là nó phải làm thế nào để khi người ta thành lập DN rồi thì phải có một chỗ dựa để người ta phát triển từ DN đó lên. “Vì vậy về khung pháp lý, theo tôi cần phải củng cố phần này để đảm bảo tính xuyên suốt, nhất quán. Ta phải đảm bảo các điều luật như Luật Doanh nghiệp, Luật về thuế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động, đến việc sử dụng lao động, luật khoa học công nghệ,… không bị “vênh nhau” – ông Nam nhấn mạnh.

Đọc thêm