"Thắt lưng buộc bụng" có giúp giảm nợ công?

(PLO) - Hôm qua (1/11), Quốc hội tổ chức phiên họp cho ý kiến về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Cần làm rõ nguyên nhân nợ công 

Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết ông “tâm đắc” với đánh giá thẳng thắn về những hạn chế trong tình hình nợ công, về đầu tư công giai đoạn năm 2011 – 2015 được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, như: nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao; việc chấp hành các quy định về đầu tư công ở một số nơi chưa nghiêm; quyết định đầu tư nhưng không tính toán đến khả năng vốn…

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra chỉ là “bắn chỉ thiên” vì mới chỉ ra được cái chung mà vẫn thiếu những phần rất quan trọng đáng kể. Ví dụ: Thực tế có bao nhiêu dự án đầu tư đưa lại hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu dự án cần xem xét, đề nghị điều tra, truy tố? Nguyên nhân, giải pháp xử lý? “Có như thế mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học cho tổ chức, quản lý; hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư hiện nay”, ông Phương nói.

Về dự kiến kế hoạch 2016 - 2020, ĐB Phương đề nghị cân nhắc, rà soát kỹ lưỡng về nguyên tắc bổ sung vốn đầu tư, đảm bảo đúng đối tượng, đúng trọng tâm, có hiệu quả để khắc phục tình trạng hạn chế thời gian qua. ĐB Phương cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân nợ công và áp lực nợ hiện nay cũng như khả năng giải pháp khắc phục để QH và nhân dân yên tâm. 

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, việc quản lý sử dụng vốn vay thời gian qua chưa thực sự đạt hiệu quả cao, thể hiện qua các dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí lãi vay kéo dài thời gian thu hồi vốn, tạo thêm gánh nặng trả nợ. “Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn vay còn rất lớn, song nếu tiếp tục đầu tư như cách làm trong thời gian qua dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì hệ quả không chỉ dừng lại ở việc tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công, góp phần gây mất ổn định kinh tế vĩ mô”, ĐB Tiến nêu ý kiến. 

Trước tình hình trên, ông Tiến đề nghị Chính phủ phải có chiến lược nợ rõ ràng, có những điều kiện cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ hàng năm, chi tiêu thường xuyên của Nhà nước triệt để tiết kiệm, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tiết kiệm chi thường xuyên.

Chỉ còn cách giảm chi tiêu?

Về cơ chế phân bổ vốn, ĐB đề nghị cơ chế phải đảm bảo thực sự minh bạch, cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí, các dự án đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm (2016-2020). ĐB Tiến cũng cho rằng Chính phủ phải thu hẹp được khoảng cách giữa chi thường xuyên và chi đầu tư, không để khoảng cách này ngày càng nới rộng.

Cũng băn khoăn về vấn đề nợ công, ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM) cho rằng để giảm được nợ công thì có thể nuôi dưỡng và tăng thu hoặc giảm chi. Nhưng với nhận định tăng thu khó có thể có một sự đột biến trong 5 năm tới; ĐB đề xuất “chúng ta chỉ còn có một con đường để có thể thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch này đó là giảm chi”. 

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời điểm 2001 nợ công là 36,5%, năm 2005 là 40,8%, năm 2010 là 50%, năm 2015 là 62,2% GDP. Về quy mô năm 2015 nợ công khoảng 2,608 triệu tỷ đồng (gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2015 và gấp 14,8 lần năm 2001). Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 bằng 18,4% một năm, cao gấp ba lần tăng trưởng kinh tế (tăng trưởng kinh tế giai đoạn này của chúng ta là 5,91%). Trong thực hiện hàng năm chúng ta phải đáo nợ, năm 2013 đáo nợ 47 nghìn tỷ, năm 2014 là 106 nghìn tỷ, năm 2015 là 125 nghìn tỷ và năm nay 2016 là 95 nghìn tỷ. “Nhận định về nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là rất đúng”, ông nói.

Nguyên nhân của tình trạng trên được Bộ trưởng Dũng chỉ ra bao gồm tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch; thực hiện giá trị GDP không đạt theo dự toán, làm cho tỷ lệ nợ công tăng lên; tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian vừa qua, đặc biệt tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt được theo yêu cầu. 

Ông Dũng cũng nhấn mạnh một số giải pháp để khắc phục tình trạng trên, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách; từng bước tiến hành tái cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất của nợ công…

Cho ý kiến về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 trong buổi chiều cùng ngày, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng công tác dự báo ngân sách thời gian qua còn hạn chế nên ngân sách luôn thụ động, mất cân đối. ĐB cũng đề nghị Chính phủ giải trình chi tiết về một số khoản thu trong 9 tháng đầu năm 2016 mà cử tri và báo chí quan tâm như tiền cổ tức được chia từ các ngân hàng thương mại nhà nước, thu từ xử lý tài sản, vụ án tham nhũng, xử lý nợ xấu mà Nhà nước đã mua lại.

Cho rằng bội chi ở mức 172,3 nghìn tỉ đồng là quá lớn với quy mô nền kinh tế hiện nay, dẫn đến phải vay để chi trả nợ, ĐB này đề nghị trong giải pháp của Chính phủ cần làm rõ hạn chế đi vay cho ngân sách chi tiêu, có những giải pháp cụ thể để tăng cường truy thu thuế, vốn để cải thiện tình trạng mất cân đối. 

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm cơ cấu lại việc chi ngân sách nhà nước. ĐB Tâm cho rằng cần xem xét tạo cơ chế để các địa phương đảm bảo tự chủ và có không gian để có sự sáng tạo. ĐB Tâm cũng đề nghị luật hóa tất cả các cơ chế chính sách để đảm bảo tính minh bạch, tránh tình trạng xin-cho; triệt để tiết kiệm, thực hiện “thắt lưng buộc bụng” trong giai đoạn thu ngân sách khó khăn và lãng phí ngân sách xảy ra khá phổ biến hiện nay.

Đọc thêm