Thấy gì đằng sau cú dốc ngược của cổ phiếu AMD?

(PLO) - Cổ phiếu của CTCP Đầu tư AMD Group (HOSE: AMD) đã có một khởi đầu không thể tốt hơn khi giá và thanh khoản đều bật tăng rất mạnh. Những yếu tố nội tại nào đang hậu thuẫn khiến cổ phiếu AMD trở nên “nóng” đến như vậy?
Ngày 16/06 vừa qua, cổ phiếu AMD chính thức được giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu 16,000 đồng/cp. Chỉ sau một thời gian ngắn giao dịch, thị giá của AMD đã tăng gấp rưỡi và trần liên tục. 
Ngoài ra, sức nóng của cổ phiếu này còn được thể hiện rất rõ khi khối lượng chuyển nhượng ngày càng gia tăng. Điển hình nhất là những phiên giao dịch gần đây khi thanh khoản đều ghi nhận hơn 1 triệu đơn vị mỗi phiên.
Trong một năm trở lại, giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam dần khởi sắc, hiện tượng cổ phiếu vừa mới chào sàn đã tạo được thành tích tăng trưởng về giá và thanh khoản như của trường hợp AMD là không hiếm. Đằng sau con sóng lớn của riêng từng cổ phiếu đều ẩn chứa muôn hình vạn trạng những câu chuyện thú vị cho nhà đầu tư.
Doanh thu quý 2 sẽ đột biến
Ông Đức chia sẻ, doanh thu quý 2/2015 của công ty tăng đột biến. Đồng thời, AMD Group đã được chọn là đối tác phân phối cho dự án bất động sản FLC Sầm Sơn Beach and Golf Resort của FLC Group tại Thanh Hóa. 
Theo đó, phân phối bất động sản và phôi thép là 2 mảng hoạt động đem lại doanh thu chính. Các dự án đang triển khai khác đều ghi nhận doanh thu tích cực và có sự bổ trợ cho nhau về lợi nhuận.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc
Lãi tăng cấp số nhân
Theo thông tin ghi nhận, AMD Group được thành lập vào năm 2007 với số vốn khởi điểm gần 10 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh tập trung chủ yếu trong mảng tư vấn đầu tư và tư vấn quản lý kinh doanh.
Từ thời điểm thành lập đến năm 2012, hoạt động kinh doanh của AMD không có nhiều nổi bật, lãi ròng mỗi năm vài trăm triệu đồng. Quá trình vươn mình bắt đầu từ năm 2013 khi AMD tăng vốn điều lệ từ 9.9 tỷ lên 30 tỷ đồng, đồng thời mở rộng hoạt động sang lĩnh vực thương mại.
Bước sang 2014, AMD đẩy mạnh tham vọng khi đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp hoạt động đa ngành thông qua đầu tư lớn vào nhiều công ty con và liên kết. Để thực hiện chiến lược này, ngay từ đầu năm AMD hoàn tất tăng vốn từ 30 tỷ lên 300 tỷ đồng.
Lĩnh vực mà AMD đầu tư rất rộng như cung cấp thiết bị khoa học công nghệ, thiết bị y tế, giáo dục…; giáo dục mầm non; xây dựng khu nhà nghỉ sinh thái, nhà hàng sinh thái và kinh doanh thương mại tại Vĩnh Phúc; kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng… 
Nhìn nhận về sự đa ngành và dàn trải này, ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết, đầu tư đa ngành mà AMD theo đuổi là chuỗi gia tăng giá trị theo hướng bổ trợ lẫn nhau. Trong khi những dự án dài hạn chưa làm ra lợi nhuận thì những hoạt động đầu tư ngắn hạn sẽ hỗ trợ.
Nguồn thu chủ yếu của công ty đến từ cung ứng mặt hàng điện tử, điện lạnh, lô hàng phôi thép cho một số khách hàng lớn như CTCP DGI, FLC, Công ty TNHH CNP, CTCP Thương mại Thái Hưng. Ngoài ra, hoạt động bán thành phẩm, hàng hóa siêu thị cho Công ty TNHH Thiên Thuận Tường cũng đem về doanh thu lớn.
Nguồn thu chủ yếu của công ty đến từ cung ứng mặt hàng điện tử, điện lạnh, lô hàng phôi thép cho một số khách hàng lớn như CTCP DGI, FLC, Công ty TNHH CNP, CTCP Thương mại Thái Hưng. Ngoài ra, hoạt động bán thành phẩm, hàng hóa siêu thị cho Công ty TNHH Thiên Thuận Tường cũng đem về doanh thu lớn. 
Tăng vốn mạnh và đầu tư đa dạng, kết quả kinh doanh của AMD năm 2014 tiếp tục ghi nhận đột biến. Doanh thu thuần 477 tỷ đồng, tăng trưởng 7.5 lần; lãi ròng đạt 17.4 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc so với con số 3 tỷ năm trước đó.
Có thể thấy, AMD tăng trưởng rất nhanh trong 3 năm qua về cả vốn lẫn lợi nhuận. Việc tăng trưởng quá nhanh gây ra những lo ngại về quản trị, sử dụng hiệu quả nguồn vốn…; đồng thời cũng tạo ra áp lực tăng trưởng lợi nhuận và EPS cho cổ đông cho các năm tiếp theo. 
Tuy nhiên, ông Đức cho hay AMD Group đã ý thức rõ về điều này và đã có sự chuẩn bị cần thiết, đặc biệt là về nhân lực để hiện thực hóa kế hoạch tăng trưởng của mình. Việc tăng trưởng với tốc độ cao trong 3 năm qua nằm trong chiến lược phát triển của tổ chức và luôn được kiểm soát tốt. 
Bên cạnh đó, AMD hiện tại không có khoản nợ ngân hàng nào nên không chịu áp lực về lãi vay. Việc này giúp việc quản trị dòng tiền, nguồn vốn đầu tư trở nên đơn giản hơn, chặt chẽ và an toàn hơn.
Cán mốc doanh thu ngàn tỷ năm 2015?
Năm 2015, AMD đặt mục tiêu cán mốc doanh thu thuần 1,000 tỷ đồng và lãi ròng 34 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 123% và 90% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp phần lớn vào kết quả trên sẽ vẫn là mảng kinh doanh siêu thị với 350 tỷ doanh thu từ kinh doanh điện tử, điện lạnh và 60 tỷ từ kinh doanh hàng tiêu dùng, đem về lãi ròng lần lượt 17.7 tỷ và 2.7 tỷ đồng.
Mảng kinh doanh thép được công ty kỳ vọng thu về 350 tỷ, dự kiến lợi nhuận 5.6 tỷ đồng.
Với mảng tư vấn, kỹ thuật và bất động sản, AMD dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu khoảng 240 tỷ đồng từ những hợp đồng đã ký trong năm trước, đồng thời cũng đang trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng hợp tác với các chủ đầu tư bất động sản lớn như FLC, Tudi, Hapulico… để trở thành đơn vị phân phối, môi giới dự án, có thể sẽ có thêm khoản doanh thu khoảng 180 tỷ đồng.
Mặc khác, AMD đang có một dự án trọng tâm là Dự án Tổ hợp ươm tạo công nghệ và Đào tạo Nguồn nhân lực quản lý tại Xuân Phương – Hà Nội. Ông Đức chia sẻ, dự án có quy mô đầu tư 518.1 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích đất 20,077 m2, đã được cấp sổ đỏ. Hiện nay về cơ bản đã làm xong hạ tầng, một số hạng mục cũng đã được khởi công xây dựng.
Và để thực hiện dự án này, công ty đã lên phương án tăng vốn từ 300 tỷ lên 609 tỷ bằng cách phát hành 30 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá dự kiến 10,000 đồng/cp. AMD cũng dự phòng trường hợp không huy động vốn được từ cổ đông hiện hữu thì sẽ hướng đến các nhà đầu tư chiến lược hay huy động từ vay ngân hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp này hiện đang đàm phán với một số nhà đầu tư chiến lược và họ khá quan tâm đến các dự án trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Dự án Tổ hợp ươm tạo công nghệ và Đào tạo Nguồn nhân lực quản lý tại Xuân Phương – Hà Nội
Dự án Tổ hợp ươm tạo công nghệ và Đào tạo Nguồn nhân lực quản lý
 tại Xuân Phương – Hà Nội 
Bên cạnh đó, trong năm 2015 AMD sẽ xúc tiến các thủ tục cần thiết để triển khai thực hiện dự án cửa hàng kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng và trạm dừng đỗ xe tại Bắc Ninh. Đây là dự án do công ty con, CTCP Thương mại và Dịch vụ Đông Sơn, tiến hành.

Đọc thêm