Thêm Maritime Bank công bố lên sàn HOSE vào Quý 1/2019

(PLO) - Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng 2018 vẫn kéo dài cho đến những ngày này. Dù tổ chức sớm hay muộn thì một điểm chung dễ thấy trong kế hoạch của các ngân hàng năm nay là mạnh bạo với kết quả kinh doanh, nỗ lực tăng vốn và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán. Ngay cả những ngân hàng khá thận trọng với việc lên sàn, như Maritime Bank (MSB) năm ngoái cổ đông còn không muốn niêm yết cổ phiếu, thì năm nay cũng đã đồng thuận đưa cổ phiếu lên thẳng sàn HOSE.
Thêm Maritime Bank công bố lên sàn HOSE vào Quý 1/2019

Kế hoạch tăng tốc

Là ngân hàng có giấy phép thành lập đầu tiên tại Việt Nam, cũng từng là một trong những đối thủ nặng ký của Techcombank, VPBank, HDBank 3-4 năm trở về trước, nhưng Maritime Bank giờ đây dường như đang bị chững lại. 

Có ý kiến cho rằng, Maritime Bank chủ đích muốn chậm lại, muốn thận trọng hơn để kiểm soát lại tất cả các hoạt động, rà soát lại, chuẩn bị kỹ càng hơn cho kế hoạch bứt tốc trong thời gian tới. Hơn nữa, thời gian qua ngân hàng cũng phải dành nguồn lợi nhuận khá lớn để giải quyết nợ xấu sau khi nhận sáp nhập MDB hồi giữa năm 2015. Do vậy sự chậm lại trong hoạt động cũng là điều có thể hiểu được.

Kết thúc năm 2017, ngân hàng đạt tổng tài sản 112 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng hơn 36 nghìn tỷ; huy động vốn khách hàng 56,8 nghìn tỷ và lợi nhuận trước thuế 164 tỷ đồng. Đặc biệt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Maritime Bank luôn đạt ở mức rất cao so với quy định của NHNN (lớn hơn 9%) trong suốt nhiều năm qua. Tính đến 31/12/2017, tỷ lệ CAR của ngân hàng này đạt 19,48%.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo ngân hàng, được NHNN lựa chọn là một trong những NH tiên phong triển khai tuân thủ Basel II, Maritime Bank đã thực hiện những bước cải tiến lớn trong hệ thống quản lý rủi ro của ngân hàng trong thời gian qua để có thể đáp ứng tốt nhất các điều kiện khắt khe về an toàn hoạt động của Basel II. 

Trong số các hoạt động, thu nhập từ lãi của Maritime Bank từ các mảng phi tín dụng như dịch vụ, đầu tư đang đạt tăng trưởng nhanh từ 19% năm 2016 tăng lên 40% tổng lợi nhuận trong năm 2017. Điều này chứng minh Maritime Bank đang có sự dịch chuyển tích cực về nguồn thu theo hướng đa dạng và ổn định hơn, hạn chế bị phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng – điều mà bất kỳ nhà băng nào ở Việt Nam thời điểm này cũng mong muốn.

Bên cạnh đó, Maritime Bank còn ghi điểm ở tốc độ phát triển mạng lưới mà không phải ngân hàng nào cũng có được. Đây là một trong những bước đi khó trong thời điểm NHNN đang quản lý chặt chẽ việc mở rộng mạng lưới của các ngân hàng đồng thời khá tốn kém nhưng tất yếu nếu muốn phát triển nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ. Năm 2017, ngân hàng này đã được NHNN cho phép mở 13 chi nhánh/PGD đồng thời nâng cấp 51 quỹ tiết kiệm lên thành PGD. Đầu năm 2018, Maritime Bank công bố sẽ mở thêm 9 chi nhánh/PGD nữa, nâng sự hiện diện của ngân hàng từ 38 lên 51 tỉnh thành. 

MSB lên sàn giá bao nhiêu là hợp lý?

Trở lại với kế hoạch lên sàn và câu chuyện của thị trường chứng khoán. Từ đầu năm 2017 tới nay đã có gần chục ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn, trong đó VIB, Kienlongbank, LienvietPostBank và BacABank mới chào sàn UpCOM còn VPBank, HDBank, TPBank đã đưa cổ phiếu niêm yết thẳng trên HoSE và Techcombank đầu tháng 6 cũng thực hiện động thái tương tự. Các ngân hàng chào sàn đều khá thuận lợi khi thị trường chứng khoán thăng hoa, đã có không ít cổ phiếu có thời điểm đạt mức tăng gấp đôi so với lúc chào sàn.

Riêng ba trường hợp lên HoSE là VPBank, HDBank và Techcombank thậm chí còn hút được dòng vốn ngoại cực lớn với giá cao, ngân hàng càng đi sau hút vốn càng mạnh, chẳng hạn VPBank chào bán riêng lẻ được giá bình quân 39.000 đồng thì Techcombank bán giá đợt 1 tới 91.000 đồng và đợt 2 là 128.000 đồng/cổ phần. TPBank là ngân hàng nhỏ và thuộc top sau so với các ngân hàng kể trên song đợt chào bán riêng lẻ vừa qua cũng được giá cao gấp đôi so với cách đó một năm, và chào sàn ở mức 32.000 đồng/cổ phiếu.

Sau Techcombank, dự kiến sẽ đến lượt VIB, OCB và Maritime Bank cùng yết tên trên HoSE. Với VIB có lẽ sẽ dễ dàng hơn khi ngân hàng này đã có mặt ở UPCoM từ đầu năm ngoái.Hiện dù giá đã giảm khỏi mức đỉnh nhưng vẫn ở trên 30.000 đồng/cổ phiếu. OCB thì giá trên OTC cũng khá cao trong thời gian gần đây và hiện cũng được chào mua chào bán ở vùng quanh 25.000 đồng.

Maritime Bank là trường hợp kín tiếng hơn. Giao dịch trên OTC chỉ tăng khá mạnh thời gian gần đây. Nếu như một năm trước, mỗi cổ phiếu MSB chỉ được giao dịch giá trên dưới 7.000 đồng thì đến nay đã vượt xa mệnh giá, chào mua quanh 11.000 – 12.000 đồng. Đặc biệt kể từ khi có thông tin Maritime Bank sắp chào sàn HOSE, các yêu cầu chào mua tăng đột biến nhưng người bán hầu như không có.

Nhìn lại biến động của các cổ phiếu ngân hàng thời gian qua cho thấy có một điểm chung là sẽ biến động rất mạnh kể từ khi có tin lên sàn cho đến lúc chính thức niêm yết. Nhiều cổ phiếu đã tăng giá gấp đôi, gấp 3. Do vậy cũng không loại trừ trường hợp cổ phiếu MSB sẽ có biến động mạnh trong thời gian tới.

Ngoài những nền tảng đã có, Martime Bank còn có những “của để dành” có giá, như sở hữu gần 10% vốn tại PGBank – ngân hàng đang có kế hoạch sáp nhập vào HDBank. Trên thị trường OTC hiện nay, cổ phiếu PGBank được “săn lùng” với giá 17.000 – 19.000 đồng, cao gấp đôi so với trước khi có tin sáp nhập. Trước đó trong năm 2017, ngân hàng đã sang tay toàn bộ hơn 81 triệu cổ phiếu MBB với giá trị thu về ước gần 2.000 tỷ đồng.

Đọc thêm