Thị trường chứng khoán Việt Nam: Điểm sáng thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài

(PLO) -Với quy mô thị trường vốn đạt trên 100% GDP, chỉ số VN- Index tăng 48% so với  năm 2016, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2017 , tăng cao nhất khu vực Châu Á và được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực...
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Điểm sáng thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài

Giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài tăng 90%

Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2018 của Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) sáng nay, 22/1, cho biết , năm 2017 vừa qua là một năm TTCK Việt Nam ghi nhiều dấu ấn. 

Quy mô vốn hoá thị trường đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 80,5% so với năm 2016, tương ứng với 70,2% GDP của năm 2017, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020. Thanh khoản của thị trường tăng 66% từ mức 3 nghìn tỷ đồng/phiên năm 2016 lên mức 5 nghìn tỷ đồng/phiên năm 2017. Chỉ số VN –Index và HNX-Index tăng tương ứng là 48% và 46% đạt mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây.

Trong những ngày đầu năm 2018, quy mô vốn hoá tiếp tục tăng thêm 10%, đạt gần 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77,2% GDP. Thanh khoản bình quân phiên đạt 9,6 nghìn tỷ đồng, tăng 90% so với cả năm 2017 và tăng 46% so với bình quân phiên IV.2017.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng khá đều trong các tháng từ đầu năm 2017, đặc biệt tăng mạnh trong tháng 11 và tháng 12/2017. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tính đến cuối tháng 12.2017 đạt 32,9 tỷ USD, tăng 90% so với cuối năm 2016, điều này tạo sức hút và quan tâm lớn của NĐTNN vào TTCK.

Hoạt động đầu tư của NĐTNN tăng mạnh, tính đến cuối năm 2017, NĐTNN mua ròng trong tất cả các sàn giao dịch với giá trị 28 nghìn tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 18,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Trong tháng 1.2018, NĐTNN tiếp tục mua ròng trong tất cả các phiên giao dịch của tháng với tổng giá trị mua ròng đạt 7,2 nghìn tỷ đồng.

Dấu ấn đấu giá cổ phần hóa

Báo cáo của UBCKNN cũng cho biết, trong năm 2017, tổng mức huy động trên TTCK đạt gần 245 ghìn tỷ đồng, trong đó đấu thầu trái phiếu Chính phủ đạt hơn 194,3 nghìn tỷ đồng, phát hành trái phiểu, cổ phiếu DN đạt gần 47.9 nghìn tỷ đồng và đấu giá cổ phần hóa (CPH) qua 2 Sở GDCK Hà Nội và TP HCM đạt hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2017, 2 sở GDCK đã tổ  chức 74 phiến đấu giá CPH và thoái vốn với tổng giá trị đạt 125,4 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 52,4%, trong đó có 20 đợt đấu giá CPH với tổng giá trị đạt hơn 2,7 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 20%; 54 đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước với tổng giá trị đạt gần 122,7 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 84%.

Như vậy, tổng giá trị thu được đã gấp 5,4 lần so với năm 2016. Trong đó đã tổ chức nhiều đợt đấu giá CPH, thoái vốn lớn như Sabeco, Vinamilk, Viglacera, Idico... các đợt đấu giá thành công đã góp phần đem lại nguồn vốn cho ngân sách nhà nước. Nhiều DN lớn sau khi CPH  đã lựa chọn lên niêm yết, đăng ký giao dịch cho hành trình hướng đến sự minh bạch và công khai.

Giá cổ phiếu tăng nhanh hơn lợi nhuận

UBCK cũng cho biết, kết quả kinh doanh của DN niêm yết  9 tháng đầu năm 2017 có sự cải thiện đáng kể, tổng lợi nhuận 9 tháng so với cùng kỳ tăng 23%, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua; doanh thu tăng 18%, lợi nhuận tăng 23%; tổng giá trị lỗ cũng giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 69%). Kết quả của quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu rất tích cực, thanh khoản và lãi suất ổn định nên nhóm DN niêm yết thuộc khối ngân hàng có sự cải thiện rõ rết về chất lượng tài chính. Sự tăng trưởng mạnh của khối này cũng có tác dộng dẫn dắt TTCK trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tồn kho của các DN niêm yết vẫn tăng 15,5%, trong đó tăng cao nhất là tồn kho bất động sản với mức tăng 31%.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều cổ phiếu đã tăng giá nhanh hơn tăng trưởng lợi nhuận và điều này khiến định giá TTCK Việt Nam tăng. Mặc dù P/E của TTCK Việt Nam trên HSX tính đến cuối năm 2017 đã mức 19,26 lần, tăng 27% so với cuối năm 2016 nhưng vẫn thấp hơn Indonesia (23,24 lần ) và Philippines (23,1 lần).

Tính đến hết quý IV.2017, tổng lợi nhuận trước thuế của các Công ty chứng khoán (CTCK) ước đạt 7 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2 lần tổng giá trị lãi trước thuế của cả năm 2016), trong đó có 63 CTCK có lãi, 21 CTCK lỗ. Tổng lợi nhuận trước thuế của cả ngành quản lý quỹ ước đạt gần 444 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh cuả các quỹ cũng có những bước tăng trưởng khả quan.

Thị trường “có lên, có xuống”…

Không ru ngủ với thành công của TTCK trong năm 2017 là tâm lý chung của các thành viên tham gia thị trường. Theo ông Trân Thanh Tân, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ VFM, cần có cái nhìn bình tĩnh hơn bởi thị trường “có lên, có xuống”, điều quan trọng về lâu dài, chúng ta nhìn thị trường lên xuống trầm tĩnh và suy nghĩ các phương án đối phó tốt nhất khi lên và khi xuống. Ông Tân cũng cho rằng, quan trọng là Bộ Tài chính, UBCKNN có chính sách kịp thời ủng hộ thị trường bởi đây là cơ hội hút vốn thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, và cũng không câu nệ vốn ngoại hay vốn trong nước mà quan trọng là sử dụng vốn như thế nào cho hiệu quả…

Phát biểu tai Hội nghị Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã điểm lại những dấu ấn của TTCK năm 2017 nhưng cũng tỏ ra băn khoăn khi cho rằng TTCK tuy phát triển nhưng “vẫn có gì đó” chưa thật sự cân bằng giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu DN và trái phiếu Chính phủ, định hướng phát triển thị trường về trái phiếu DN tuy có lộ trình nhưng để thúc đẩy lên còn hiều khó khăn… Bên cạnh đó, mặc dù đã có Nghị định hình thành phát triển tổ chức định hạng tín nhiệm nhưng đến giờ mới được 1 DN đăng ký hoạt động, chưa có hoạt động thực tiễn; Về phát triển các quỹ hưu trí tự nguyên đã có Nghị định, Thông tư hướng dẫn nhưng cũng chưa có quỹ hưu trí tự nguyên nào được thành lập… Hay Công ty quản lý quỹ lại không có quỹ, danh mục đầu tư; Nhiều CTCK đã bị rút giấy phép hoạt động nhưng chưa tất toán và xử lý triệt để…

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng lưu ý một loạt nhiệm vụ trong năm 2018 trong đó có việc hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Chứng khoán sửa đổi trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018); Phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ CPH, thoái vốn nhà nước để TTCK thực sự thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN, cung cấp nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế, đi theo đó là cơ chế về quản trị điều hành, quản trị rủi ro. Ngoài việc tạo cơ hội, giải pháp thúc đẩy thị trường, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý cần giám sát thị trường tạo điều kiện cho thị trường mang tính chất tuân thủ quy định pháp luật cao, đáp ứng tiêu chí minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Đọc thêm