Thị trường vận tải biển Việt Nam: Bất lực nhìn tàu ngoại “ăn hàng”?

(PLVN) - Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải biển Việt Nam đang gặp khó do lượng hàng hóa không tăng trong khi phải cạnh tranh ngày một gay gắt với các hãng tàu quốc tế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hãng tàu nhỏ dễ bị thôn tính 

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong giai đoạn 2018 – 2020. Cụ thể, Mỹ ở mức 2,95%, Trung Quốc tăng trưởng chậm, đến năm 2020 chỉ đạt 6,61%... Đi liền với đó, hàng hóa lưu thông trên biển cũng tăng chậm, ảnh hưởng đến các DN vận tải biển.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thừa nhận, quý I/2019 là khoảng thời gian khó khăn của các chủ tàu Việt Nam. Theo ông này, ngay từ đầu năm, thị trường đã có những dấu hiệu thiếu tích cực khi số lượng các đơn hàng giảm đáng kể. Chỉ số BDI (Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic) xuống thấp, chỉ còn 595 điểm vào ngày 11/2, bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo lãnh đạo Vinalines, các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu toàn khối vận tải biển của của đơn vị này trong quý I/2019 đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng toàn khối ước đạt 5,21 triệu tấn (đạt 26% kế hoạch), trong đó sản lượng container ước đạt 74.000 Teus (27,7% kế hoạch), doanh thu đạt hơn 1.200 tỷ đồng (17,5% so với kế hoạch).

Trong bối cảnh hàng hóa khó khăn thì các DN vận tải nước ngoài liên tục gia tăng số lượng tàu cũng như mở thêm các tuyến mới đặt các DN Việt Nam vào thế phải cạnh tranh ngày một gay gắt hơn. Cụ thể, theo lãnh đạo Vinalines, hầu hết các hãng vận chuyển container lớn thi nhau mở thêm tuyến trên tuyến Nội Á. Điển hình là hai hãng CMA CGM và Zim đã mở tuyến Đông Nam Á đi Úc; APL/CNC và RLC hợp tác mở tuyến từ Đông Bắc Á đi Trung Đông; hãng Yang Ming cũng vừa công bố mở tuyến Đông Nam Á/ Đông Bắc Á.

Lãnh đạo Vinalines cho biết, khi các tàu lớn đưa vào khai thác trên tuyến Nội Á sẽ khiến các hãng tàu feeder nhỏ đối mặt nguy cơ bị thôn tính hoặc sáp nhập. Đánh giá về thị trường vận tải biển những tháng tiếp theo của năm 2019, lãnh đạo “Tổng” này cho biết, hầu hết báo cáo và dự đoán của các hãng tư vấn đều cho rằng do kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm trong giai đoạn 2019 - 2020 nên khối lượng container vận chuyển trên tuyến Nội Á sẽ bị ảnh hưởng. Thị trường tàu hàng khô dù được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong quý II/2019 song đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nhóm tàu cỡ nhỏ, thị trường rất khan hiếm sau chiến dịch gạo và ngô đi Philippines kết thúc. Hiện chỉ còn lượng nhỏ nhu cầu gạo bao xuất khẩu đi Philippines.

Hàng chục triệu tấn than không được chở 

Trao đổi với PLVN, ông Bùi Việt Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tàu biển Việt Nam, cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường vận tải biển tăng trưởng không đạt kỳ vọng như dự báo, nhất là thị trường nước ngoài. “Khả năng đến 6 tháng cuối năm mới có độ tăng trưởng tích cực hơn”, ông Hoài nói và cho biết, với thị trường trong nước, hàng hóa cũng không có sự đột biến, chỉ tăng trưởng nhẹ.

Lãnh đạo Hiệp hội Tàu biển Việt Nam tỏ ra trăn trở khi nhắc đến những nguồn hàng lớn ở Việt Nam nhưng DN Việt Nam lại đang thua trên sân nhà khi phần lớn khối lượng hàng hóa đó lại thuộc thị phần của DN ngoại. Điển hình nhất là việc vận chuyển than. Theo ông Hoài, mỗi năm các đơn vị như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vận chuyển mấy chục triệu tấn than nhưng chủ yếu đều do các hãng tàu nước ngoài thực hiện. “Các tập đoàn trong nước thì không có tàu chở, trong khi chúng tôi lại không có hàng chở”, ông Hoài nói và cho biết, có mâu thuẫn này là do quy định về việc đấu thầu.

Cụ thể, ông Hoài dẫn chứng, việc chở hàng hóa như là than thì hiện nay đấu thầu quốc tế, mỗi lần đấu thầu có thời hạn từ 5 đến 10 năm với số lượng hàng hóa lớn; trong khi đó, các đơn vị trong nước như Vinalines thì xé lẻ ra đấu thầu, mỗi năm khoảng 1 triệu tấn. “Lần này “anh” đấu thầu thắng 1 triệu tấn nhưng mấy tháng sau anh lại không trúng thầu thì tàu “anh” mua về  vứt đi đâu?”, ông Hoài nói. 

Cũng theo ông Hoài, để giải quyết những mâu thuẫn trên và để vận tải biển của DN Việt Nam có thêm nguồn hàng, Vinalines và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam đã kiến nghị lên Chính phủ đề nghị được chở ít nhất 30% lượng than của các Tập đoàn sản xuất điện trong nước. 

Chờ các đơn hàng vận tải phân bón

“Theo đánh giá của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, thị trường vận tải dầu trong quý II dự kiến sẽ khá hơn 3 tháng đầu năm. Các giao dịch trong tháng 4/2019 tại khu vực Đông Nam Á đang có xu hướng tăng dần lên, góp phần giải phóng một lượng lớn các tàu bị dồn ứ tại khu vực từ nửa cuối tháng 3 vừa qua.

Ngoài ra, thị trường vận tải container nội địa Việt Nam chặng Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh dự kiến nhu cầu vận chuyển có khả năng tăng vào giữa tháng 4/2019 do nhu cầu vận chuyển mặt hàng phân bón vào khu vực phía Nam sẽ tăng theo thông lệ”.

Đọc thêm