Thiếu 'đầu tàu' mạnh đưa hàng Việt tiếp cận người Việt

(PLO) - Nhận diện các nguyên nhân khiến người tiêu dùng Việt Nam chưa thực sự mặn mà với hàng Việt, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự bất cập về cơ chế, chính sách khiến các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa gặp khó khăn trong môi trường đầu tư kinh doanh thì bản thân các DN này vẫn còn tư tưởng mạnh ai nấy làm, thiếu vắng một lực lượng DN “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” DN Việt tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Đại biểu tham quan các sản phẩm của DN Việt Nam giới thiệu tại Hội thảo
Đại biểu tham quan các sản phẩm của DN Việt Nam giới thiệu tại Hội thảo

Để tìm giải pháp khắc phục tình trạng này, chiều qua (12/10), Ban Chỉ đạo TƯ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức hội thảo “Phát huy trách nhiệm của DN Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ nhiều Bộ, ngành TƯ và địa phương.

Đánh giá về kết quả của Cuộc vận động sau 9 năm triển khai, và đặc biệt là giai đoạn từ năm 2014 đến nay, các đại biểu cho rằng, tâm lý mua sắm, tiêu dùng hàng Việt của người Việt đã có những bước chuyển biến tích cực. “Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt, đồng thời góp phần quan trọng để các DN Việt Nam có động lực phát triển sản xuất kinh doanh”- bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo TƯ Cuộc vận động khẳng định.

Môi trường kinh doanh chưa bình đẳng

Cùng với việc cắt giảm chi phí và thủ tục cho DN mà Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh trong thời gian qua, các đại biểu cũng cho rằng môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng, lành mạnh trong tương quan so sánh với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo các đại biểu, trong cuộc Vận động này, DN tư nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng nhưng cơ chế, chính sách đối với loại hình DN này vẫn còn nhiều rào cản trong việc tiếp cận với nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, tham gia thị trường chứng khoán…

“Chính phủ đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các DN nhỏ và vừa, tuy nhiên, trên thực tế mới có một số lượng nhỏ các DN được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này. Qua khảo sát cho thấy có tới 55% DN nhỏ và vừa gặp trở ngại do thủ tục vay vốn… Hiện nay, chỉ có 30% các DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác (trong số này có nhiều DN vẫn phải chịu vay ở mức lãi suất cao 15 – 18%).”- ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực & Tổng Thư ký Hiệp hội DN hiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông tin.

Cùng quan điểm này, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng thừa nhận chính sách hỗ trợ chưa bảo đảm việc tiếp cận nguồn lực công bằng, cạnh tranh giữa các nhóm DN. Chính bởi vậy mới có con số đáng suy ngẫm từ Báo cáo PCI năm 2017: trung bình có 74% DN cho rằng nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chủ yếu rơi vào DN thân quen cán bộ công quyền; 46% DN cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển khu vực tư nhân; 70% DN tại địa phương cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh.

 “Không ít vấn đề gây cản trở cho DN vẫn không dễ giải quyết, đó là lãi suất cao: lãi suất cho vay trung bình là 9 – 10%/năm, trong khi lãi suất của các quốc gia khác chỉ 3 – 5%....Sự điều chỉnh tỷ giá cũng luôn thấp hơn lạm phát, lạm phát thường 4%/năm, nhưng VND chỉ giảm giá 1 – 2%/năm, trong khi các đồng tiền chủ yếu trong khu vực giảm giá mạnh hơn. Hậu quả là hàng ngoại giá rẻ nhập vào Việt Nam “bóp chết” hàng sản xuất trong nước”- Tiến sĩ Khoa học Võ Đại Lược, Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

DN vẫn mạnh ai nấy làm

Trong khi cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập thì không ít các DN lại có “sức ì” khá lớn và chưa có tư tưởng “cộng đồng” trong sản xuất, kinh doanh. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương cho rằng, cộng đồng DN Việt vẫn còn tư tưởng mạnh ai nấy làm, thiếu tầm nhìn xa trông rộng để đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các DN vẫn làm ăn manh mún, chưa có tính liên kết theo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị để phát triển hiệu quả và bền vững; dẫn đến hệ lụy là hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, chất lượng hàng hóa dịch vụ không đạt chuẩn mực khu vực và quốc tế, mất khả năng cạnh tranh ngay từ sân nhà. “Số lượng hàng hóa, dịch vụ của nhiều DN vẫn chểnh mảng, chưa tích cực tham gia vào Cuộc vận động…

Biểu hiện cụ thể là thiếu đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ để giám giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh; đưa hàng hóa đi quảng bá tiếp thị với người dân ở vùng sâu vùng xa, tự mình làm lấy tất cả, không thiết lập hệ thống phân phối hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ nào”- ông Đoan nói.

Một nguyên nhân nữa cũng được ông Tô Hoài Nam chỉ ra, đó là sự liên kết của các DN nhỏ và vừa Việt Nam còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ và DN có qui mô lớn hơn.… Vì vậy, DN tư nhân Việt Nam thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” DN Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Cần một “cú huých”

Kiến nghị các giải pháp để Cuộc vận động đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng cần tăng tỷ trọng hàng Việt tại hệ thống phân phối trong nước, đồng thời phát triển nhanh hệ thống hạ tầng thương mại điện tử. 

“Hiện nay, sức cạnh tranh của hàng nội kém, đó chính là năng lực tài chính kém nên không thể vay, không thể đầu tư được. Bởi vậy, Nhà nước chỉ cần một cú huých nhỏ thì DN cũng có thể cất cánh được và ngược lại. Ở Trung Quốc, nhà nước đầu tư hỗ trợ xây dựng các chợ và siêu thị chuyên bán hàng Trung Quốc thì tại sao Việt Nam không làm được, nếu nhà nước không khuyến khích sản xuất và tiêu thụ hàng hóa thì dân Việt sẽ đi buôn nhiều hơn nhà sản xuất. Kết quả là hàng ngoại sẽ tiếp tục đè bẹp hàng Việt”- ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương lấy dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Điển, Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế TƯ đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Cùng với đó, cơ cấu lại và phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, nhất là thị trường tiền tệ và thị trường vốn …

Tất nhiên, khi đã có đủ các yếu tố thuận lợi trên, nhưng nếu các DN Việt không chủ động và có ý thức cao trong “cuộc chiến” bảo vệ thương hiệu của mình thì sản phẩm làm ra vẫn không thể tiếp cận được người tiêu dùng Việt. Nói như Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương Nguyễn Hữu Đoan thì một khi DN Việt vẫn tiếp tục cung cấp ra thị trường những hàng hóa dịch vụ kém phẩm chất, không đảm bảo được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường, giá thành lại đắt và ít công năng sử dụng thì dù các cơ quan truyền thông quảng cáo, các cấp các ngành, các đoàn thể, các hội có tuyên truyền, có ca ngợi cũng vô ích mà thôi. Đến lúc đó việc quay lưng lại với hàng Việt của người dân càng nhiều hơn.

“Do vậy, cộng đồng DN Việt phải nắm bắt cơ hội mới, mạnh dạn đầu tư vốn, công nghệ và thu hút lao động chất lượng cao về làm việc; đồng thời tuân theo các chuẩn mực quốc tế trong quản lý và xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị đến tay người tiêu dùng, thì trong vài năm tới các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt không những được người Việt ưa dùng mà còn xuất khẩu, cạnh tranh được với cả hàng ngoại của các nước trong khu vực Asean”- ông Đoan nhấn mạnh.

“Thời gian tới, tôi đề nghị nhà nước xem xét lại việc giá thành quảng cáo trên truyền hình quá cao, các DN nhỏ và vừa không thể chi trả được. Nên chăng có thể khuyến khích một nhà đầu tư lập kênh quảng cáo chuyên cho hàng Việt với giá ưu đãi, để có thể đưa thông tin đến người tiêu dùng ở trong và ngoài nước nhanh hơn, hiệu quả hơn việc đầu tư dàn trải mang tính phong trào.

Việc đầu tư khuyến khích cho DN dù ở các cấp nào cũng cần làm trực tuyến, không thông qua trung gian để tránh phiền hà, sách nhiễu và tham nhũng có thể xảy ra, dẫn đến tình trạng DN thì khát vốn, còn các nguồn đầu tư hỗ trợ thị trường, đổi mới thiết bị công nghệ và làm thương hiệu, chỉ dẫn địa lý thì đắp chiếu ở ngân hàng."

Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương

“Chúng ta đều biết thực tế người tiêu dùng cần gì. Họ cần mua được hàng hóa, dịch vụ đúng công dụng, tính năng, chất lượng, thương hiệu, giá cả như họ mong muốn. Họ có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình. Hàng hóa, dịch vụ đó trước hết phải bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho người, động thực vật, tài sản của họ khi sử dụng. Họ có quyền và cần được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, trung thực về mức độ an toàn, chất lượng, về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, về khả năng gây mất an toàn của hàng hoá và cách phòng ngừa, về bảo hành…Họ có quyền yêu cầu và mong muốn người bán hàng sửa chữa, hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật…”.

TS.Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Đọc thêm