Thoái vốn Nhà nước tại RCC “càng nhanh càng tốt”

(PLO) - Ngày 26/4, Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC)  đã tiến hành Đại hội Đồng cổ đông thường niên năm 2017, bầu bổ sung 1 thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và 1 thành viên Ban kiểm soát.
Đại hội cổ đồng thường niên RCC đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 là hơn 730 tỷ đồng
Đại hội cổ đồng thường niên RCC đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 là hơn 730 tỷ đồng

Theo đó, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015 - 2019  của RCC gồm 5 thành viên. Tuy nhiên, mới đây - ngày 18/2/2017, ông Nguyễn Thành Long xin từ nhiệm chức vụ Thành viên và Chủ tịch HĐQT. Để đảm bảo số lượng thành viên HĐQT theo quy định, phiên Đại hội đồng cổ đông diễn ra sáng 26/4 đã bầu bổ sung ông Kiều Nghị - Phó Tổng Giám đốc RCC vào vị trí Thành viên HĐQT.

Dịp này, Đại hội cổ đông RCC cũng bầu ông Nguyễn Đức Bình - Trưởng Phòng Tổ chức - Lao động trở thành thành viên Ban Kiểm soát. Trước đó, ông Nguyễn Quốc Dân - thành viên Ban Kiểm soát đã có đơn xin từ nhiệm.

Được biết, RCC là một doanh nghiệp có bề dày và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công hạ tầng đường sắt, ngoài ra còn tham gia xây lắp các công trình cầu, đường bộ trong cả nước và một số ngành nghề dịch vụ khác...

Năm 2016, RCC đạt  doanh thu 702,613 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 41,168 tỷ đồng. Công ty dự kiến chi trả cổ tức năm 2016 khoảng 12,5%, tương đương 19,322 tỷ đồng. Năm 2017, RCC đặt mục tiêu đạt 550 tỷ đồng về xây lắp, đạt 50 tỷ sản xuất công nghiệp và dịch vụ; tổng doanh thu đạt từ 737 tỷ đồng trở lên.

Liên quan đến vấn đề thoái vốn Nhà  nước tại doanh nghiệp này, ông Nguyễn Hữu Điểm - Phó Chủ tịch HĐQT RCC cho hay: “Công ty đang muốn thoái vốn càng nhanh càng tốt”. Bởi hiện tại, vốn Nhà nước (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) tại doanh nghiệp này đang chiếm hơn 48%, với hơn 7,4 triệu cổ phần; đối tượng là tổ chức sở hữu số cổ phần ít nhất tại đây là Công ty CP Tư vấn Đầu tư Lâm Viên (hơn 1 vạn cổ phần);  người lao động của RCC đang sở hữu hơn 1,4 triệu cổ phần của doanh nghiệp.

Ông Điểm nói rằng, việc Nhà nước đang nắm giữ một tỷ lệ vốn lớn  ở đây khiến công ty gặp khó khăn trong việc tiếp cận, thực hiện các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài. 

Liên quan vấn đề này, trước đó, trả lời PLVN, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là phải bán đấu giá cổ phiếu theo lô. Như thế mới tìm được nhà đầu tư có tiềm lực để phát triển đơn vị sau khi Nhà nước rút khỏi đây, chứ bán lắt nhắt thì không thể tạo ra cú đột phá lớn” .

Đọc thêm