Thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco: Bộ Tài chính chỉ “gác gôn”

(PLO) - Liên quan đến việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (DN), Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính chỉ “gác gôn”, tham mưu, giám sát và nếu Bộ Công thương cần thì cho ý kiến…
Thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco: Bộ Tài chính chỉ “gác gôn”

Chậm thoái vốn vì nhiều lãnh đạo còn … tâm tư  

Trao đổi về tình hình bán vốn Nhà nước tại một số DN lớn cũng như giải pháp để thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước  DNNN), Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, mặc dù công tác CPH và thoái vốn nhà nước tại DN đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch,

Số liệu báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 đã CPH gần 500 DNNN và trong 8 tháng đầu năm 2016, hơn 40 DNNN đã đươc CPH.

Nguyên nhân khiến cho việc CPH chưa hoàn thành như kế hoạch được ông Tiến chỉ ra vẫn là những vấn đề được lặp đi lặp lại lâu nay, như: thị trường chứng khoán còn có những khó khăn; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm; khó khăn nội tại của nền kinh tế… nên nhu cầu các dòng vốn hạn chế, không bán được. 

Song, điều quan trọng nhất, theo ông Tiến vẫn là nguyên nhân mang tính chủ quan. Điều này thể hiện qua việc CPH nhưng chưa bàn giao vốn về TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), DN sau CPH không lên niêm yết…

“Nhiều DN nằm trong diện nhà nước không cần nắm giữ, phải thoái hết vốn Nhà nước nhưng vẫn chưa thoái vốn. Chưa kể, có những đồng chí lãnh đạo DN có tâm tư, giờ đang đi ô tô, ngồi phòng máy lạnh, nếu sau CPH, Nhà nước bán hết vốn thì mình đi đâu ở đâu. Vậy nên có tình trạng CPH chậm ngày nào hay ngày đó...”, ông Tiến nói.

Tuy nhiên đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, số lượng CPH đến nay không còn nhiều, hầu hết tập trung vào các DN lớn, vấn đề quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn hiện tại là chất lượng của việc CPH và hiệu quả đổi mới quản trị DN sau quá trình này. “Thực tế đã có thể nhìn thấy tại những DN như Sabeco, Habeco, CPH 8 - 9 năm nhưng không niêm yết và nội bộ lình xình. Hay DN sau CPH thua lỗ như CTCP Thép Thái Nguyên…”, ông Tiến dẫn chứng.. 

Theo nhận định của Bộ Tài chính, CPH chỉ là bước ban đầu còn chất lượng chưa thay đổi nhiều…“Theo tôi, một số điểm quan trọng của công tác CPH trong giai đoạn này là: sẽ tiến hành trước việc CPH và thoái vốn ở các DN kinh doanh có hiệu quả đúng như Nghị quyết của Đảng. Việc này cần phải được triển khai hiệu quả để tìm được những nhà đầu tư, người mua phát huy được giá trị của vốn Nhà nước, thu về nhiều nhất có thể để tái đầu tư”, ông Tiến cho biết.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp trao đổi về tình hình bán vốn Nhà nước tại một số DN
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp trao đổi về tình hình bán vốn Nhà nước tại một số DN

Chờ chế tài

Kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về chủ trương tiếp tục bán vốn Nhà nước tại một số DN lớn chiều 29/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc bán vốn DN phải công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, theo thông lệ thị trường và bảo toàn tối đa tài sản Nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.Thủ tướng cũng lưu ý Sabeco và Habeco phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước.

Theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến, hiện phần vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco vẫn chưa bàn giao về SCIC nên về mặt pháp lý, Bộ Công thương vẫn đại diện chủ sở hữu. “Trong việc thoái vốn 2 DN bia này, Bộ Tài chính chỉ “gác gôn”, tham mưu, giám sát và nếu Bộ Công thương cần thì cho ý kiến. Chịu trách nhiệm chính trong việc thoái vốn này là Bộ trưởng Bộ Công thương, từ tìm tư vấn, đấu giá…”, ông Tiến cho biết.

Liên quan đến chế tài đối với các DN không chịu niêm yết, ông Tiến cho biết, niêm yết là yêu cầu bắt buộc từ khi ban hành Quyết định 51/2014/QD-CP , nhưng vẫn chưa có chế tài xử phạt. Bộ Tài chính cũng đã có kiến nghị và tới đây sẽ nghiên cứu để đưa ra chế tài xử phạt cụ thể với tình trạng này. “Trước mắt, đối với các DN chậm niêm yết đăng ký giao dịch, Chính phủ đã và đang chỉ đạo, đôn đốc người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chủ sở hữu yêu cầu thực hiện đúng quy định, trừ trường hợp có những yếu tố khách quan chưa đủ điều kiện…”, ông Tiến nói.

Và trong bối cảnh chế tài xử phạt còn đang hoàn thiện, chưa có tính răn đe, theo đại diện Bộ Tài chính,cơ quan Nhà nước chỉ có thể đề nghị các DN gương mẫu thực hiện; đồng thời nhận thức đầy đủ rằng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán mới đảm bảo được sự công khai, minh bạch - một trong những mục tiêu mà việc nâng cao quản trị DN sau CPH hướng tới.

Được biết, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương trên cơ sở các quy định hiện hành, các ý kiến bộ, ngành, các ý kiến của Thường trực Chính phủ, xây dựng phương án bán tiếp cổ phần tại Habeco, Sabeco, bảo đảm hiệu quả cao nhất, từ đó rút bài học kinh nghiệm cho việc bán vốn tại các DN khác. Thủ tướng cũng giao Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN giám sát quá trình này.

Theo chỉ đạo củaThủ tướng Chính phủ tại Công văn 1787/TTg-ĐMDN ngày 08/10/2015, SCIC sẽ “chọn thời gian thích hợp” để thoái hết vốn Nhà nước tại 10 DN là: TCT CP Bảo Minh; TCT CP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam; CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong; CTCP sữa Việt Nam (Vinamilk); CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam; CTCP Nhựa Bình Minh; CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang; CTCP FPT, CTCP Viễn thông FPT.

Sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, SCIC đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện với Vinamilk ngay trong năm 2016, 09 DN còn lại cũng thực hiện trong năm nay và đầu năm 2017. 

Đọc thêm