Thông tin người tiêu dùng thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng: Bộ Tài chính nói gì?

(PLO) - Thừa nhận mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của mặt hàng xăng dầu đang cao hơn so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại (FTA), nhưng Bộ Tài chính khẳng định không phải tất cả hàng hoá đều nhập khẩu từ các nước có ký FTA và cũng không phải tất cả hàng hoá nhập khẩu từ các nước này đều được hưởng theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vẫn giữ nguyên thuế nhập khẩu đối với xăng

Ngày 17/3, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/2016/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế NK ưu đãi và có hiệu lực từ ngày 18/3.

Đây là kết quả cuộc họp với các cơ quan liên quan vào chiều 16/3 do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc áp dụng mức thuế NK xăng dầu trong tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP khiến một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lãi, còn người tiêu dùng bị thiệt.

Tuy nhiên, so với Thông tư 182/2015/TT-BTC (được thay thế bởi Thông tư 48/2016/TT-BTC), thuế NK ưu đãi đối với xăng khoáng và xăng sinh học vẫn giữ nguyên  mức 20%; chỉ có dầu diesel. dầu diesel sinh học, dầu mazut,  dầu hỏa, xăng máy bay và nhiêu liệu động cơ máy bay có mức thuế  7% (giảm từ 3 - 6%).

Bộ Tài chính cho biết, việc quy định mức thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu tại Thông tư  48/2016/TT-BTC nhằm góp phần hài hòa về mức thuế NK ưu đãi tối huệ quốc (Biểu thuế MFN) và mức thuế NK ưu đãi đặc biệt của các FTA song phương và khu vực.

Tuy nhiên, một lần nữa dư luận lại “dậy sóng” khi cho rằng  Bộ Tài chính vẫn đẩy phần thiệt về người tiêu dùng...

Không phải tất cả xăng dầu đều nhập từ các nước có FTA

Trong văn bản phát hành vào trưa ngày nghỉ cuối tuần (19/3),  Bộ Tài chính cho biết, trong 11 hiệp định song phương, khu vực mà Việt Nam đã ký kết, có một số hiệp định, mặt hàng xăng dầu thuộc danh mục “loại trừ” (không có nghĩa vụ cắt giảm), nhưng có một số hiệp định đã được cắt giảm với mức thuế NK ưu đãi đặc biệt ngay trong năm 2016. 

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, để được hưởng mức thuế NK ưu đãi đặc biệt thì hàng hoá NK từ các nước này phải đảm bảo điều kiện về xuất xứ (C/O), về điều kiện vận chuyển... “Thực tế thời gian qua, không phải tất cả hàng hoá đều NK từ các nước có ký FTA, và cũng không phải tất cả hàng hoá NK từ các nước có ký FTA đều được hưởng theo mức thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể, trong năm 2015, số thuế (thuế NK, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) đã thu từ xăng dầu NK là 35.923 tỷ đồng, nhưng thực tế số thuế hoàn theo chứng từ doanh nghiệp nộp bổ sung C/O mẫu D (theo Biểu thuế Atiga) là 3.502 tỷ đồng, chiếm 9,75% tổng số thuế đã nộp. Tuy nhiên, số liệu hoàn thuế NK này chỉ là số liệu sơ bộ vì có thể tiếp tục được hoàn trong các tháng tiếp theo...”, văn bản của Bộ Tài chính cho biết.

Giải thích việc vẫn giữ nguyên mức thuế NK 20% đối với xăng tại Thông tư 48/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính cho rằng vì mức thuế NK ưu đãi đặc biệt theo Biểu Atiga là 20%, chỉ có mức thuế NK ưu đãi đặc biệt theo Biểu Việt Nam - Hàn Quốc là 10%, nhưng là mức mới được quy định; thực tế xăng NK từ Hàn Quốc chưa nhiều và chưa có thông tin về chứng nhận xuất xứ C/O đối với loại hàng hoá NK này.

Với các mặt hàng dầu diesel, dầu hoả, mazut, nhiên liệu bay, mức thuế NK giảm từ 10% và 13% xuống 7%, vì thực tế hàng hoá NK từ Singapore, Hàn Quốc về tới Việt Nam cần tốn thêm khoản chi phí về vận chuyển và bảo hiểm chiếm khoảng 6-7% giá xăng dầu NK, tương đương với mức thuế NK ưu đãi là 7%.

“Việc quy định mức thuế NK ưu đãi đối với xăng dầu tại Thông tư 48/2016/TT-BTC  về cơ bản đã đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước”, Bộ Tài chính khẳng định. 

Sẽ tính giá cơ sở theo mức bình quân gia quyền của các Biểu thuế

Bộ Tài chính cho biết, do mức thuế NK ưu đãi (MFN) cao hơn mức thuế NK ưu đãi đặc biệt tại một số FTA, mà mức thuế NK tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu lại tính theo mức thuế MFN đến thời điểm này không còn phù hợp, cho nên cùng với việc điều chỉnh giảm mức thuế MFN đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương có văn bản báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với phương án xác định mức thuế NK tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo mức bình quân gia quyền của các Biểu thuế (MFN và FTA), tỷ trọng xăng dầu NK từ các nước ký Biểu thuế FTA được xác định theo quý (dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau) do Tổng cục Hải quan tổng hợp, xác định qua hệ thống hải quan điện tử (đảm bảo tính chính xác, tin cậy). Việc dùng mức thuế NK bình quân gia quyền sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hoá NK từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

Đọc thêm