Thông tư là 'cha đẻ' giấy phép con nhũng nhiễu doanh nghiệp?

(PLO) - Cho rằng Thông tư "đẻ" ra nhiều giấy phép con gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà kiến nghị, dưới luật chỉ nên có Nghị định, không nên có Thông tư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc, trò chuyện với các đại biểu tham gia Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc, trò chuyện với các đại biểu tham gia Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ý kiến được đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Doanh nghiệp năm 2016, diễn ra ở TP HCM, sáng nay, Chủ tịch Ngân hàng BIDV nhận định để đẩy nhanh tốc độ phát triển, đạt mục tiêu GDP tăng 6,7%, trước hết Việt Nam phải tuân thủ Hiến pháp và tuân thủ thông lệ quốc tế, các FTA đã ký kết thì phải đáp ứng.

Ông Trần Bắc Hà kiến nghị dưới luật thìchỉ nên có Nghị định chứ không nên có Thông tư. Chính Thông tư này đã đẻ ra nhiều giấy phép con gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, Luật phá sản ban hành năm 2004 nhưng đến nay chỉ có 336 đơn vị được giải quyết phá sản là quá ít. Chủ tịch Ngân hàng BIDV cho rằng, trên thực tế, đăng ký thuế hải quan bằng điện tử là tốt nhưng trong triển khai thì cần phải xem lại, vì đâu đó vẫn còn phàn nàn của doanh nghiệp về vấn đề này.

Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà đề xuất nên phát triển nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân lớn để dẫn dắt nền kinh tế... Đồng thời ông Hà cam kết BIDV sẽ giảm lãi suất ngay từ ngày mai.

Cũng tại buổi đối thoại, đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, ông Trần Bá Dương phát biểu một số nội dung liên quan đến mối quan hệ giữa địa phương với doanh nghiệp. Theo đó, các địa phương cần lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp để chia sẻ những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc, tạo môi trường cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển bình đẳng, lành mạnh.

Còn đại diện HTX Thương mại Saigon Coop góp ý về phát triển thị trường bán lẻ hiện đại. Nhấn mạnh vai trò quan trọng trong thị trường bán lẻ, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đại diện Hợp tác xã Thương mại Saigon Coop đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo vệ thị phần, doanh nghiệp bán lẻ trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng chiến lược quốc gia phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam; xây dựng phát triển 20 doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thực lực, sẵn sàng cạnh tranh; cải tiến quy định về mua bán sáp nhập; ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp bán lẻ.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc nêu một số ý kiến liên quan đến vấn đề lao động tại Việt Nam như: Cấp giấy phép lao động trong sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam; thành lập Ủy ban Cải cách thể chế do Thủ tướng đứng đầu; đẩy mạnh cải thiện các quy định, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp...

Đại diện Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đề cập nội dung liên quan đến doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển thị trường vận tải hàng không Việt Nam như: Giảm “định kiến” với các hãng hàng không tư nhân, tạo thuận lợi cho các thủ tục hành chính tại cảng hàng không, tiếp cận các dịch vụ về hạ tầng cảng vụ, bảo đảm kỹ thuật, cải tạo hạ tầng sân bay...

Thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai - Đại diện Công ty xuất khẩu Quang Đức kiến nghị 4 vấn đề: Nhà nước cần có chính sách bảo trợ, bảo hiểm các doanh nghiệp nông sản (cao su, cà phê); hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp đầu tư chế biển nông sản sâu; cải tiến quy định về hạn ngạch kinh doanh vận tải giữa Việt Nam - Campuchia; sớm ban hành văn bản quy định cụ thể về ưu đãi khi nhập khẩu hàng hóa từ Lào về Việt Nam theo hiệp định đã ký giữa hai nước. 

Bà Mai Kiều Liên đại diện cho Vinamilk kiến nghị Chính phủ cần sớm quy định cụ thể về Luật Doanh nghiệp, cải cách hành chính, rà soát giảm thiểu giấy phép con, các quy định cấp phép phải rõ ràng... đồng thời nâng cao tính liên thông giữa các bộ ngành trong cấp phép đầu tư; rà soát lại thủ tục Hải quan để các cơ quan có các liên kết chặt chẽ khi xử lý hồ sơ của doanh nghiệp.

Bà Liên còn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số nội dung về quản lý con giống, nhập khẩu con giống. Đề nghị Bộ KHCN điều chỉnh quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Đề nghị các cơ chế chính sách đã được doanh nghiệp thực hiện ổn định thì không nên thay đổi, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Cuối cùng bà Mai Kiều Liên bày tỏ, Vinamilk cũng như cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ “hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý”.

Đọc thêm