“Thu giá” BOT: Để doanh nghiệp BOT “tự định giá” thì quá nguy hiểm!

(PLO) - Sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về thu giá BOT. Chuyên gia kinh tế, ông  Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright) cho rằng đường BOT làm gì có cạnh tranh mà có thể để cho DN BOT tự định giá được. “Hy vọng ông Bộ trưởng chỉ lỡ lời trước báo chí, chứ chủ định của cơ quan nhà nước là để DN BOT “tự định giá” thì quá nguy hiểm…” - ông Thành phát biểu.
Một bức ảnh lan truyền trên mạng để chế giễu việc “thu giá” khi qua Trạm Thu giá
Một bức ảnh lan truyền trên mạng để chế giễu việc “thu giá” khi qua Trạm Thu giá

Cưỡng “phí” thành “giá” (!?)

Sau chuyện ồn ào BOT Cai Lậy và một loạt BOT phản đối việc thu phí quá cao, một khái niệm mới được Bộ GTVT đưa ra là thay vì thu “phí” sẽ là thu “giá” BOT.

Theo lý giải của ông Đỗ Văn Quốc – Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT, việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá là theo quy định của Luật Phí và Lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Theo đó, các dự án BOT giao thông thay vì được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng thì từ ngày 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa sẽ do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định.

Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.

Sau khi Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành, căn cứ Nghị định 149/2016 của Chính phủ, ngày 15/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.

Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ GTVT và nhà đầu tư, DN dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại Điều 6 của Thông tư 35/2016.

“Về bản chất, khi chuyển từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT”, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính” – lãnh đạo Vụ Tài chính, Bộ GTVT cho biết.

Tuy nhiên, việc chuyển tên gọi từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” khiến dư luận phản ứng. Nhiều ý kiến cho rằng đã có sự đánh tráo khái niệm giữa “giá” và “phí” , vừa không đúng bản chất vừa khó nghe.

“Thực ra cả hai thuật ngữ “thu phí và thu giá” đều chỉ việc thu phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho các dự án BOT giao thông. Cón cần thiết phải máy móc vì Luật quy định như vậy không”- Một chuyên gia bình luận.

Thu giá và cơ chế thị trường

Câu chuyện “giá” và “phí” bỗng chốc lại bùng lên khi bên lề hành lang Quốc hội hôm 22/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thế đưa ra một lý do nữa để giải thích vì sao chuyển từ phí sang giá “Giờ mình xem BOT là một sản phẩm của DN nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước, liên quan tới HĐND, Quốc hội quyết định…”

Người đứng đầu  ngành GTVT giải thích: Phí liên quan tới HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá là do DN cung cấp. “Vì BOT là sản phẩm của DN nên cần điều chỉnh lại cho chính xác. Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm”- ông Thể phân tích và khẳng định việc chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều…

Theo chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright), vẫn biết việc áp đặt cái thuật ngữ mới nghe chối tai “thu giá” là để chính quyền nói với dân rằng dân đi đường BOT là đang mua dịch vụ giao thông và vì vậy phải trả giá, nhưng cách Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích không thuyết phục.

Theo vị chuyên gia này, trong một thị trường cạnh tranh với rất nhiều người bán và rất nhiều người mua, thì giá do thị trường quyết định và Nhà nước không cần can thiệp. Nhưng khi chỉ có một người bán (độc quyền) hay ít người bán (độc quyền nhóm), để người bán tự định giá thì họ sẽ tăng giá lên rất cao, gây tổn hại đến phúc lợi xã hội và do vậy Nhà nước có thể phải điều tiết giá. “Đường BOT làm gì có cạnh tranh mà có thể để cho DN  BOT tự định giá được…” - ông Thành bình luận.

Phản ứng với giải thích của Bộ trưởng Thể, chuyên gia kinh tế, TS Lương Hoài Nam cho rằng, với BOT thì làm gì có ở đâu DN được tự quyết định giá mà giá phải theo hợp đồng BOT. “Cứ nhìn đường Nguyễn Văn Linh, Quận 7 thì thấy rõ là hàng chục năm nay vẫn 7.000 đồng, không bao giờ tăng...” - Chuyên gia này dẫn chứng.

Theo ông, nói “BOT là sản phẩm của DN” thực ra cũng chưa hoàn toàn chính xác, bởi BOT là một trong những hình thức nhượng quyền (concession). “ Nhượng quyền có nghĩa quyền đầu tư là quyền của nhà nước và nhà nước nhượng lại quyền đó cho anh theo một thoả thuận, trong đó có thời gian, giá phí, hết thời gian anh phải chuyển giao lại cho nhà nước. Thế nên BOT không hẳn là “sản phẩm của DN” theo nghĩa thông thường, mà là một sản phẩm rất đặc biệt…” - ông Nam khẳng định. 

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho rằng vì là độc quyền nên mức phí phải được nhà nước điều tiết. “Do tính chất đầu tư và thu hồi vốn giải hạn, nên để giảm bất chắc, lộ trình điều chỉnh phí phải được quy định rõ bằng hợp đồng trong suốt vòng đời dự án. Nghe Bộ trưởng phán là DN “tự định giá” thấy hoảng quá. Hy vọng ông Bộ trưởng chỉ lỡ lời trước báo chí, chứ chủ định của cơ quan nhà nước là để DN BOT “tự định giá” thì quá nguy hiểm!...” - Chuyên gia này bình luận.     

Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright:

“Dự án BOT đường giao thông là của doanh nghiệp dự án???”

Dự án BOT là dự án Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Build – Operate – Transfer) theo đó DN dự án chỉ được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn thì phải chuyển giao cho nhà nước. Dự án BOT không thuộc sở hữu của DN. Đây là một khái niệm rất thống nhất trên thế giới và cũng đã được thể chế hóa trong Nghị định về PPP ở Việt Nam.

Tài sản của một dự án BOT giao thông là quyền sử dụng đất, đường trên đất và các công trình, thiết bị trên đường. Nếu nói dự án BOT giao thông là của DN dự án thì có nghĩa là DN sở hữu quyền sử dụng đất để làm đường. Xin hỏi có chủ dự án BOT giao thông nào được cấp sổ đỏ đất giao thông không?

Trong các hình thức đối tác công tư (PPP), thì các dự án BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh; Build – Own – Operate) mới có thể coi là của DN xét về khía cạnh sở hữu. Các dự án CSHT điện, nước có thể được làm theo hình thức PPP và DN dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình điện hay nước này. Nhưng không thấy có dự án BOO đường giao thông.

Đọc thêm