Thu tiền tỷ từ việc làm cán chổi

(PLO) - Với ý tưởng tận dụng phụ phẩm từ gỗ, ông Lê Văn Hoan, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã sản xuất ra cán chổi thu về hàng vài tỷ đồng mỗi năm.
Việc sản xuất cán chổi từ phụ phẩm bỏ đi từ gỗ cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng
Việc sản xuất cán chổi từ phụ phẩm bỏ đi từ gỗ cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng

Làm giàu theo hướng riêng

Cho tới tận bây giờ, ông Lê Văn Hoan vẫn còn ngỡ ngàng trước thành công khi tận dụng phụ phẩm của gỗ để sản xuất ra sản phẩm hữu ích đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ về một thời bươn chải, ông Hoan cho biết đã từng nếm trải không ít nghề vô cùng vất vả, có những tháng ngày theo đoàn thợ xây trong vùng phụ vữa, rồi làm than, chạy xe ôm, thu gom vận chuyển hoa quả ra Hà Nội, quay thịt lợn, mở quán internet, lái xe thuê đường dài…song từ trong khó khăn của cuộc sống mưu  sinh, nhà nhà mở mang kinh doanh, cạnh tranh khốc liệt, ý nghĩ vươn lên, tìm lối đi mới, khác biệt đã thôi thúc ông phải có một nghề mới.

Trong một lần chở hoa quả về chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), thấy ở khu vực cầu Đuống có nhiều người phơi gỗ bóc dọc bờ đê, ông lân la tìm hiểu và được biết làm nghề bóc gỗ, bán cho các doanh nghiệp đóng đồ nội  thất, phục vụ xây dựng dân dụng không quá khó, thị trường cho sản phẩm này luôn rộng mở. Hơn nữa, hệ thống thiết bị không phức tạp trong khi ở vùng quê Yên Thế rất nhiều gỗ rừng trồng, có thể dùng làm nguyên liệu tại chỗ, không phải vận chuyển từ xa sẽ giảm chi phí và giá thành sản phẩm.

Nghĩ vậy, ông gom toàn bộ tiền bao năm tích cóp của gia đình, vay ngân hàng, bạn bè được hơn 200 triệu đồng dựng xưởng, nhờ người quen từng thuê mình chở hoa  quả ở Lạng Sơn cùng sang Trung Quốc mua máy móc, thiết bị về làm. Năm 2008, mẻ gỗ bóc đầu tiên ra đời trong niềm vui sướng của gia đình.

Từ đây, công việc mới bắt đầu, mỗi lượng hàng làm ra đều được khách hàng là tiểu thương, doanh nghiệp ở Gia Lâm (Hà Nội) đến tận nơi thu mua. Cơ sở bóc gỗ ngày càng phát triển, sản phẩm từng bước đa dạng hơn.

Song, những tháng ngày mới làm nghề, không phải chuyện gì cũng gặp suôn sẻ. Những lần máy móc bóc gỗ hỏng, rồi hàng chục mét khối thành phẩm mốc bị bạn hàng trả lại hoặc hạ giá, khiến cơ sở sản xuất như lâm vào ngõ cụt thì năm 2010, trong một lần tình cờ trò chuyện với nhân viên của một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, chuyên sản xuất và xuất khẩu cán chổi có nhu cầu tìm đối tác cung ứng nguyên liệu, ông đã nảy ra ý tưởng tận dụng lõi gỗ tại cơ sở của mình để cải tiến làm mặt hàng này. Trước đây, cây gỗ sau khi bóc lấy sản phẩm chỉ còn phần lõi coi như phụ phẩm, dùng làm củi hoặc rào vườn.

Mỗi năm bỏ túi vài tỷ đồng

Với ý tưởng đó, ông đã học cách tuốt lại phụ phẩm theo kích cỡ cán chổi chuẩn, nắn thẳng, bọc nhựa…tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu của đối tác. Từng chiếc cán chổi được trau chuốt tỉ mỉ, soát xét kỹ càng loại bỏ sản phẩm lỗi trước khi đóng thùng, niên yết khi giao hàng. 

Trong kinh doanh, ông luôn tâm niệm vào chữ tín. Luôn yêu cầu chất lượng hàng hóa của mình phải đảm bảo, giá thành hợp lý…Chính vì vậy, cán chổi sản xuất ra ngày càng được mua với số lượng lớn, quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng. 

Được biết, tập đoàn Hòa Phát cũng tìm về đây ký hợp đồng mua ván ép. Doanh nghiệp của ông Hoan cũng đang cải tiến quy trình bóc gỗ, làm ván ép, cán chổi, tiếp tục cho ra đời sản phẩm mới.

Bây giờ, các công đoạn bóc gỗ làm cán chổi dần tự động hóa, mỗi tháng doanh nghiệp cho ra thành phẩm 500m3 gỗ ván bóc ván ép, 300 nghìn chiếc cán chổi tạo việc làm ổn định cho 60 lao động với thu nhập khoảng 5,5 triệu đồng/người.

Hiện ông còn sang các tỉnh lân cận lo nguyên liệu cho hai cơ sở sản xuất tại Yên Thế và một chi nhánh tại TP. Thái Nguyên hoạt động theo đơn đặt hàng. Ông đi khắp các tỉnh, TP tìm hiểu về đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ ván gỗ, ván ép, cán chổi xuất khẩu.

Dù khởi nghiệp thành công mỗi năm thu về từ 1,5 – 2 tỷ đồng, trở thành doanh nhân thành đạt, sở hữu Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến Lâm sản Thành An, tuy nhiên ông vẫn chưa thỏa mãn. Khi nào cũng đau đáu nỗi niềm làm sao để tận dụng hết nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tại địa phương, cải tiến quy trình ép gỗ, ghép thanh gỗ thông, để xuất khẩu trực tiếp sang Canada hay ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp cán chổi sang Ai Cập, Thái Lan mà không qua trung gian.

Đọc thêm