Thủ tướng kêu gọi dành vốn ủy thác cho người nghèo vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội

(PLO) - Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội (2002 - 2017) vừa diễn ra chiều 16/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện, không hoàn lại thông qua NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho  người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi tạo việc làm, ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho NHCSXH, Thủ tướng tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 9 cá nhân.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho NHCSXH, Thủ tướng tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 9 cá nhân.

Tại Hội nghị, sau khi nghe tâm sự đầy xúc động của những hộ gia đình đã vượt qua khó khăn nhờ “bà đỡ” tín dụng chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kể câu chuyện mà Thủ tướng đã chứng kiến ở xã Lý Bôn xa xôi của huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, nơi có 90%  đồng bào là người Mông, nơi qua hoạt động NHCSXH biết người dân nghĩ gì, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở đây ra sao. “Hoạt động NHCSXH khắc phục hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến nhận thức của người nghèo, từ ỷ lại, vay vốn không biết sử dụng vốn, đến ý chí làm ăn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, vượt qua tự ti mặc cảm. Tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi cho vay nặng lãi, giảm thiểu bất ổn xã hội” – Thủ tướng nói.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao NHCSXH, Ban giám đốc, Ban đại diện, Hội đồng quản trị các cấp, CBCNV NHCSXH ngày đêm làm việc tốt, có nhiều tiến bộ, góp phần vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, đạt được mục tiêu NHCSXH đặt ra.

“Chúng ta có 31 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn từ NHCSXH. Doanh số đến nay đã 433 nghìn tỷ đồng, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn lao động, trên 3,5 triệu HSSV  vay vốn học tập, nhiều chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với xóa đói giảm nghèo, như 9,9 triệu công trình nước sạch VSMT nông thôn, 155 nghìn căn nhà vượt lũ ĐBSCL, 528 nghìn căn nhà hộ nghèo, 11 nghìn nhà tránh lũ khu vực miền Trung... Những số liệu đó rất có ý nghĩa trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Chính việc tiếp cận vốn giải quyết việc làm tăng thu nhập tạo sự chuyển biến mạnh mẽ toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta. Đây là kết quả rất quan trọng trong 15 năm thực hiện tín dụng chính sách” – Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, trong giai đoạn mới, Công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nhiều việc phải làm, nhưng nếu để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá, thì CNH, HĐH chưa thành công. “Đến lúc này, chúng ta còn 1,9 triệu hộ nghèo, 1,3 triệu hộ cận nghèo. Thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta có những thành công nhưng cũng còn nhiều  tồn tại bất cập khi tiếp tục công việc khó khăn xóa đói giảm nghèo, càng về cuối càng khó hơn. Chúng ta nói một năm giảm 1 – 1,5% bình quân, huyện vùng cao vùng sâu khoảng 4% năm. Và trong bối cảnh đó, tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, là kênh tạo ra sung lực trong xóa nghèo bền vững” – Thủ tướng nói.

Đánh giá vai trò tín dụng chính sách quan trọng như thế trong công cuộc này, vì vậy, tín dụng chính sách, hay cán bộ tín dụng, hay hệ thống tín dụng chính sách phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người vay vốn.

Thủ tướng đề nghị NHCSXH tiếp tục phát triển theo hướng ổn định bền vững, bảo dảm thực hiện tốt tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo và đối tượng chính sách  vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng  hóa sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại... tạo thuận lợi nhất để người nghèo tiếp cận dễ dàng với tín dụng chính sách xã hội.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, Thủ tướng nêu bảy nội dung, trong đó, các bộ ngành chủ động nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Lần đầu tiên Chính phủ đề nghị Quốc hội bố trí  21 nghìn tỷ vốn trung hạn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo đối tượng chính sách. “Chính phủ quan niệm đầu tư cho người nghèo là đầu tư cho phát triển. Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, NHNN có giải pháp tăng cường nguồn lực cho NHCSXH nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo. Bố trí đủ nguồn vốn bằng nhiều biện pháp huy động phù hợp” – Thủ tướng nói.

Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đây là một yêu cầu. Thủ tướng đề nghị các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện, không hoàn lại thông qua NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho  người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi tạo việc làm, ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững.

NHCSXH có nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang vì trực tiếp đóng góp trong công cuộc xóa đói giảm nghèo an sinh xã hội của nước ta, Thủ tướng mong rằng phát huy kết quả 15 năm qua để tiếp tục đạt được những kết quả tốt hơn trong thời gian tới...

Đọc thêm